Thăm chiến khu Núi Ông Sầm

BÙI QUANG VINH 20/05/2014 10:10

Một buổi sáng cuối xuân Giáp Ngọ (2014) trời lất phất mưa, tôi cưỡi xe máy từ quê nội (Tam Mỹ Đông) về quê ngoại (Tam Hiệp, Núi Thành) như lời hẹn với cậu Năm Phùng (Phan Như Phùng - em ruột mẹ tôi) để cậu cháu cùng lên thăm lại vùng chiến khu xưa - chiến khu Núi Ông Sầm thuộc xã Tam Hiệp. Nói chiến khu thì có vẻ to tát nhưng thực chất nó được núp bóng dưới hình thức một điền trang của các nhà địa chủ xưa kia. Nơi đây đã từng tập hợp các nhà hoạt động cách mạng ở địa phương, nơi truyền đạt các chỉ thị của cấp trên, cất giấu các tài liệu bí mật, đồng thời là chốn dừng chân nghỉ ngơi, học tập của các lực lượng vũ trang… Điều đặc biệt đối với gia đình tôi, chiến khu Núi Ông Sầm (thuộc vùng núi Ông Sầm - Bàu Trúc) có từ thời chống Pháp, do ông ngoại tôi là Phan Châu - người ở quê hay gọi ông giáo Kính (bí danh Phan Truy) xây dựng nên. Ông ngoại tôi là Bí thư Phủ ủy lâm thời đầu tiên của Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tổng Đào Hoa. Đến thời chống Mỹ, chiến khu Núi Ông Sầm được sử dụng làm tiền đồn với cái tên Đồn 35.

Cùng đi với cậu cháu tôi sáng hôm đó còn có cậu Chín, người bà con trong họ, du kích địa phương thời chống Mỹ (1965) nên nắm rất rõ địa bàn của vùng núi Ông Sầm. Cả ba cậu chạy xe máy từ chợ Trạm thẳng về phía Khu công nghiệp Bắc Chu Lai nhưng không đi quốc lộ 1 mà men theo các con đường nhỏ đã trải bê tông qua các khu dân cư phía trên đường ray xe lửa để đến Đồn 35 cũ. Nếu tính từ nhà ngoại tôi bây giờ (nằm giữa dốc Hố Giang và chợ Trạm) đến Bàu Trúc theo đường chim bay thì khoảng 4 cây số; còn cậu tôi nói, đi từ trảng Bà Mù gần quốc lộ 1 để lên Đồn 35 chỉ khoảng hơn cây số. Từ nhà ngoại tôi đến khu núi Ông Sầm chỉ có ngần ấy thôi, nhưng từ khi sinh ra đến giờ tôi mới mục sở thị nơi thường được nghe như một huyền thoại từ lời kể của cậu, dì và mẹ tôi khi người còn tại thế.

Đứng trên những mô đất cao người ta đã cày xới của vùng núi Ông Sầm, phóng tầm mắt ra xa đảo quanh một lượt cùng lời chỉ dẫn của cậu tôi với một chút ký ức xa vời, có độ lùi đến hơn 60 năm (giờ cậu Năm đã xấp xỉ 80 tuổi), tôi mường tượng xưa kia đây là một thung lũng rộng được bao bọc bởi những rặng núi nhô ra từ dãy Trường Sơn thò chân về phía biển. Và ngọn núi Ông Sầm là phần đuôi cuối cùng tạo nên miền trung du với địa hình và thổ nhưỡng đặc thù, khác biệt với miền cát trắng mênh mang nơi đồng bằng miền Trung. Có lẽ từ những năm sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ban đầu ông ngoại tôi đã cho khai phá vùng đất này để phát triển kinh tế, vừa khai khẩn đồng ruộng, trồng cây ngắn ngày vừa chăn nuôi gia súc. Khu vực núi Ông Sầm có lợi thế do địa hình núi non vây quanh, có thể xoi đường xuyên sơn đi về thượng du, đồng thời gần nơi sông, biển có thể tiếp tế một cách thuận lợi và giao tiếp với Tam Kỳ, Quảng Ngãi khá dễ dàng… Cũng vì lẽ đó, đến khi toàn quốc kháng chiến, với cương vị của mình ở địa phương, ông tôi biến vùng kinh tế này thành một chiến khu nhằm tập hợp những người yêu nước bấy giờ, bài binh bố trận cùng cả nước chống giặc ngoại xâm.

Dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cậu Năm còn khá rắn rỏi và minh mẫn. Cậu thích cưỡi xe máy một mình đi giao du khắp nơi không cần con cháu “hộ tống” nên những ký ức còn lại qua năm tháng của cậu kể lại về thời hoạt động cách mạng của ông ngoại tôi, đủ để tin cậy. Tất nhiên, những chi tiết mang tính sử liệu về thời ấy, tôi có thể kiểm chứng qua các tư liệu lịch sử Đảng bộ địa phương và những người hoạt động cách mạng còn sống đến nay cùng nhiều người thân trong gia đình đã từng chứng kiến sự việc xảy ra.

Đứng giữa vùng đất mênh mông đã được san ủi tương đối bằng phẳng, xung quanh là những ngọn núi mấp mô mờ xa, bên cạnh là một ngọn đồi nham nhở đá do con người khai thác (trước đây là ngọn núi Ông Sầm), phía sau là Khu công nghiệp Bắc Chu Lai đang hoạt động, cậu Năm đưa tay chỉ vòng quanh: “Đấy là toàn bộ khu vực Bàu Trúc mà ông ngoại con lập nên. Kia là đồng ruộng được khai khẩn từ thời bấy giờ; đó là khu rừng rậm với nhiều cây cổ thụ và chim thú tự nhiên, nơi ông ngoại dựng lán trại để hội họp những người kháng chiến, cũng là nơi để cán bộ, bộ đội thi thoảng về dưỡng quân. Đây là khu nhà chính được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người dân tộc thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên mà ông bà ngoại và các cậu dì đã từng sống, sinh hoạt một thời với bao kỷ niệm…”. Tôi nhìn một vùng đất cò bay thẳng cánh, ước chừng cả mấy trăm mẫu tây, phần lớn đã san ủi mặt bằng, chỉ còn ít nhà dân và đồng ruộng đang canh tác. Hiện tại, một con đường cao tốc đang hình thành và băng ngang qua dải đất này nên đa số người dân cư trú nơi đây được Nhà nước bồi thường để di dời, lập nghiệp nơi khác. Cậu tôi dường như có chút nuối tiếc về một vùng đất do cha mẹ mình tạo dựng nên. Sau những biến thiên lịch sử của đất nước, cậu tôi không có thời gian để nghĩ về những gì cha ông mình để lại, ngay cả đất đai, tài sản với bao công sức là mồ hôi, nước mắt của thế hệ trước cũng không thể nào cầm giữ được.

Tôi hiểu những cảm xúc của cậu Năm khi nhìn lại cảnh cũ rừng xưa và chiêm nghiệm về cuộc đời dâu bể. Một chút hoài niệm ấy cũng đủ làm cậu tôi nhớ lại một thời của tuổi thơ và người cha mẫu mực của mình. Cậu kể rằng, ông ngoại là người nghiêm cẩn, có uy tín trong vùng, theo nho học, có lòng yêu nước thương dân, căm ghét áp bức, bất công, rất năng nổ hoạt động cách mạng, luôn chăm lo công việc gia đình. Là một trong những gia đình phú nông ở làng Vân Trai (Tam Hiệp - Núi Thành ngày nay), ông bà ngoại đóng góp rất nhiều cho kháng chiến cả sức người và của cải, nhất là lúa gạo để nuôi quân. Thậm chí, cậu Năm còn nhớ, sau Cách mạng Tháng Tám, bà ngoại còn một chiếc khay cổ bằng bạc rất quý - của hồi môn do ông cố ngoại để lại - cũng đã đem hiến cho cách mạng cùng nhiều vàng bạc. Chính vì tinh thần ấy mà sau này bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, ông ngoại đã nghĩ đến việc tự túc, tự cường bằng cách mở mang trang trại để làm kinh tế vừa nuôi sống gia đình vừa là căn cứ để tổ chức tham gia các phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp. Có lẽ từ suy nghĩ tích cực đó mà có sự ra đời chiến khu Núi Ông Sầm. Mẹ tôi khi còn sống, bà hay kể rằng, thời thiếu nữ mẹ thường hay bận bịu tối ngày, đó là giúp ông bà ngoại lo xay gạo, nấu cơm phục vụ các vị khách bất ngờ đến rồi đi mà mẹ ít khi biết tên. Có lúc ngoại còn trưng tập các dì về để cùng mẹ tôi lo cơm nước suốt cả tuần, mươi ngày cho cả đơn vị bộ đội về dưỡng quân nơi điền trang của ngoại. Có lẽ với lòng nhiệt thành và siêng năng ấy mà bấy giờ mẹ tôi rất được ông ngoại cưng chiều, thường cho ngồi cùng ngựa với ông  đi đây đi đó.

(Còn nữa)

BÙI QUANG VINH

BÙI QUANG VINH