Chia lửa chiến trường
Trong Đông Xuân 1953 - 1954, tại Quảng Nam, quân và dân đã chủ động mở đợt tiến công trên các mặt trận nhằm chia cắt, kìm chân địch, kịp thời chia lửa cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Xưởng sản xuất vũ khí phục vụ chống Pháp. |
Những năm 1953 - 1954, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện, giữ vững chiến trường, ra sức xây dựng vùng tự do và miền núi, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh vùng tạm chiếm, bền bỉ chống các âm mưu chiêu an, lập tề. Đồng thời thành lập nhiều đơn vị vũ trang mới nhằm đảm bảo việc chủ động đánh giặc trên mặt trận vùng tạm chiếm, vùng giành giật giữa ta và địch. Trong đó có nhiều chiến sĩ tham gia các đơn vị vũ trang, bộ đội chủ lực của Liên khu 5, tham gia nhiều trận đánh lớn tại các địa phương Liên khu 5 và Tây Nguyên. Nhiều cán bộ tiêu biểu được tôi rèn từ thực tế trận địa, xuất thân trong gia đình cách mạng được tổ chức cử tham gia các đoàn quân Tây Tiến, được đưa ra miền Bắc tham gia trực tiếp vào chiến dịch Điện Biên Phủ.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Đoàn thanh niên tỉnh đã phát động 4 phong trào lớn của tuổi trẻ: Xung phong tòng quân gia nhập lực lượng dân quân du kích; Thành lập các đội công tác thanh niên sẵn sàng phục vụ tiền tuyến; Làm nòng cốt trong phong trào xây dựng làng chiến đấu, tham gia bố phòng, tích cực tham gia bảo vệ vùng tự do, mở rộng khu du kích; Đẩy mạnh công tác huấn luyện quân sự. Với khẩu hiệu của tuổi trẻ: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, phong trào thanh niên dấy lên sôi nổi, khắp nơi. Lớp lớp thanh niên nô nức lên đường vào bộ đội; phong trào đào hầm chiến đấu làm hầm chông, rào làng chiến đấu, luyện tập quân sự, rèn đúc vũ khí… phát triển rộng khắp.
Trong Đông Xuân 1953 - 1954, Đoàn thanh niên đã vận động 2.500 thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang 1.165 thanh niên tham gia vào đội công tác phục vụ chiến đấu, hơn 10 nghìn thanh niên tham gia đi dân công phục vụ chiến trường. Ở nhiều nơi chỉ tuyển 30 người, nhưng có đến hàng trăm người tình nguyện ra chiến trường. Ở mỗi xã thanh thiếu niên làm từ 2.000 đến 6.000 hầm chông, bàn chông. Trên khắp chiến trường, lực lượng đoàn viên - thanh niên đã cùng bộ đội địa phương tham gia chiến đấu dũng cảm, 6 tháng đầu năm 1954, lực lượng dân quân cùng phối hợp với bộ đội giết và làm bị thương 4.741 tên, phá tan các đội “nghĩa dũng”; tiêu diệt bứt rút 45 cứ điểm, đánh nhào 7 đoàn tàu chuyên chở quân và vũ khí của địch. Phối hợp với chiến trường, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của nhân dân và thanh niên vùng tạm chiếm tiếp tục phát triển. Ở các huyện Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc, Hội An… chị em phụ nữ đã vận động hàng nghìn binh lính địch rã ngũ. Trong nội thành, lực lượng vũ trang tấn công trụ sở ngụy quyền ở Hội An; phá cầu Đờ Lát và khu đông Đà Nẵng; lực lượng vũ trang tổ chức tập kích đánh thắng nhiều trận vang dội ở Gò Cả, Hải Vân, Bồ Bồ... phối hợp nhịp nhàng với chiến dịch Điện Biên Phủ.
Lúc này cùng khí thế cả nước, quân và dân ta với ý chí “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã sẵn sàng quyết chiến với địch. Ngày 13.3.1954, quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ, theo kế hoạch được chia làm 3 đợt. Từ ngày 13.3 đến ngày 7.5.1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân và dân ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong khi đó, để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, nhiệm vụ của quân và dân Liên khu 5 là kìm chân địch ở Tây Nguyên, đồng loạt đánh vào vùng sau lưng địch tại các vùng duyên hải như Đà Nẵng, Quảng Nam, Tuy Hòa, Nha Trang... nhằm phá tan âm mưu đánh chiếm Bình Định trong giai đoạn 2 cũng như đánh chiếm Quảng Ngãi, Quảng Nam trong giai đoạn 3 của chiến dịch Át-lăng.
Vì Điện Biên Phủ, khẩu hiệu hành động chung cho toàn Liên khu 5 là “Tất cả cho chiến thắng” đã tạo nên phong trào nổi dậy của toàn quân dân đồng loạt tấn công vào các cứ điểm của địch. Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, với thế trận chiến tranh nhân dân, ta đánh địch khắp nơi, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, buộc chúng rút một loạt 15 cứ điểm, dồn quân giữ các vị trí quan trọng như Phong Thử, Ái Nghĩa, Vĩnh Điện, Hội An, Thăng Bình, tăng cường quân phòng thủ Đà Nẵng. Căn cứ vào hình thái chiến trường, chủ trương chiến lược của Tỉnh ủy là đánh từng cứ điểm, chia cắt, diệt viện.
Để đối phó ta, Pháp đã điều lực lượng cơ động ứng chiến từ Tây Nguyên và nhiều nơi về chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Đầu tháng 7.1954, với chiến dịch “theo vết dầu loang” thực dân Pháp ồ ạt huy động máy bay, xe tăng, xe cơ giới yểm trợ, chia làm ba mũi quân, mở cuộc hành quân mang tên “con Báo” nhằm càn quét, đánh phá các vùng Hòa Vang, Điện Bàn, chiếm lại cứ điểm Bồ Bồ để giải tỏa, tiếp tế cho quân địch ở Ái Nghĩa, Phong Thử trên đường 100, củng cố tuyến phòng thủ nam bắc sông Cẩm Lệ, bảo vệ Đà Nẵng. Quyết tiến công làm chủ Bồ Bồ, đêm 18 rạng ngày 19.7.1954, toàn bộ hỏa lực của ta bất ngờ nã đạn, các mũi xung kích đánh thọc sâu, bao vây, chia cắt đội hình địch... Sau 2 giờ chiến đấu quyết liệt, ta đã tiêu diệt gần 400 tên địch, bắt sống 293 tên, thu 124 súng các loại... Ta đã chiến thắng và làm chủ núi Bồ Bồ.
Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ đã minh chứng và khẳng định vai trò, sự sáng tạo trong việc đề ra phương châm chỉ đạo chiến lược và phương châm tác chiến chiến lược cũng như phương án phối hợp giữa chiến trường “điểm” (Điện Biên Phủ) và “diện” (Quảng Nam, Liên khu 5). Trong chiến thắng Điện Biên phủ, có sự đóng góp chi viện và chia lửa trực tiếp cũng như gián tiếp của quân dân Liên khu 5 nói chung và quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng.
NGUYỄN HỢI