Chung câu quân hành
Ở nhà, Võ Thự là anh Hai, Võ Thành là anh Ba, Võ Hương là người con thứ Bốn, thường gọi Bốn Hương, quê làng Phương Trì, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn. Thuở còn đi học trường làng, Bốn Hương rất mê đọc sách. Lên hai tuổi thì cha qua đời nên Bốn Hương chỉ được đi học ở trường làng (làng Mông Nghệ) phía trên chợ Mộc Bài. Đậu yếu lược, Bốn Hương thôi học, ở nhà học nghề thợ đá, rồi nghề thợ may và làm việc nhà giúp mẹ. Bốn Hương rất ham đọc, một trong những loại sách ông mê nhất là tiểu thuyết “Giông tố”, “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng. Mê đến mức, Bốn Hương lấy họ của Vũ Trọng Phụng làm họ của mình.
Thời thế đổi thay, anh Hai rồi đến anh Ba lần lượt tham gia chống thực dân Pháp. Tấm gương của hai người anh hình thành nên ý thức chống thực dân xâm lược trong Bốn Hương. Nên khi các chiến sĩ tiền bối ở Quế Sơn như Ngô Thanh Tuần, Nguyễn Cự gặp nói chuyện đánh Tây, Bốn Hương liền tham gia vào tổ chức của cách mạng như bao nhiêu thanh niên cần lao trai trẻ đầy nhiệt huyết trong làng trước nguy cơ nước mất nhà tan.
Năm 1937, Bốn Hương chưa tròn tuổi 16 tuổi đã xung phong tham gia lực lượng thanh niên phản đế và Việt Minh ở địa phương. Do hăng hái, năng nổ trong công tác và tham gia bảo vệ cán bộ thoát ly, nên Bốn Hương được Ngô Thanh Tuần và Nguyễn Cự tin tưởng giới thiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương - là những đảng viên cộng sản của chi bộ đảng đầu tiên ở làng Phương Trì, do Ngô Thanh Tuần làm Bí thư. Thời gian đầu, Chi bộ Phương Trì có 3 đảng viên là Ngô Thanh Tuần, Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương lấy tên theo họ Vũ Trọng Phụng) và Ngô Tuận. Sau một thời gian, kết nạp thêm Nguyễn Đình Tâm và Nguyễn Đình Quý. Khi Ngô Thanh Tuần thoát ly lên công tác ở huyện, Bốn Hương làm Bí thư Chi bộ Phương Trì.
Năm 1941, theo chỉ thị của tỉnh, Bốn Hương và Ngô Tuận nhận băng, cờ, truyền đơn từ Huyện ủy viên Đinh Dương về treo và phân phát ở khu vực ngã ba Hương An, trên quốc lộ 1, nơi đông người qua lại, gây tiếng vang, làm cho quần chúng hướng về, đứng lên đánh Tây, đuổi Nhật. Tháng 2.1942, khi Huyện ủy Quế Sơn bị vỡ, có người khai báo nên Bốn Hương và Ngô Tuận bị bắt, chuyển giam tại nhà lao Hội An. Không khai báo gì, không nhận làm gì nhưng địch vẫn kêu án Bốn Hương 2 năm tù. Hết hạn tù đày Bốn Hương đi an trí ở Ly Hy, rồi đưa vào nhà lao Thừa Phủ (Huế). Ở trong tù Bốn Hương luôn là nòng cốt trong các cuộc đấu tranh.
Trong thời gian bị giam tại Hội An, Bốn Hương gặp Nguyễn Huy Chương và tìm cơ hội tiếp cận động viên chàng trai trẻ người cùng quê bền gan quyết chí, không được khai chút gì. Bốn Hương chỉ vào ngực mình, nói: “Chúng đánh anh không sót chỗ nào nhưng không moi được một điều gì. Coi như anh đã thắng chúng nó rồi. Cậu phải rút bài học của anh”. Bốn Hương tranh thủ nói với Nguyễn Huy Chương một ít rồi hẹn sẽ gặp nhau. Vốn quen biết các bạn tù phục vụ dưới nhà bếp, hơn nữa, Bốn Hương đấu tranh cho bữa ăn của anh em tù có canh, có cá nên có uy tín với bạn tù. Vì vậy, Bốn Hương hay ghé nhà bếp để xin cơm cháy cho anh em bạn tù. Chiều hôm đó, gần đến giờ hồi kẻng ăn cơm vang lên, Nguyễn Huy Chương cầm cái chén và đôi đũa đến phòng nhà ăn thì thấy Bốn Hương cầm một miếng cháy vàng rộm to hơn hai bàn tay đứng chỗ bức tường. Nguyễn Huy Chương bước đến lấy miếng cơm cháy nóng hổi. Vừa nhai, Bốn Hương nói: “Cậu còn nhớ bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu mà Phạm Ngọc Trình chép trong sổ tay của cậu không? Hồi tham gia cách mạng cậu đã tuyên thệ, thì cậu phải nhớ ghi lời thề thiêng liêng của mình”. Những lời dặn dò, động viên, cùng tấm gương kiên trung bất khuất của Bốn Hương đã giúp Nguyễn Huy Chương thêm sức mạnh và niềm tin khi đối mặt với đòn tra tấn hù dọa của địch. Nguyễn Huy Chương không một lời khai báo, hơn nữa còn là vị thành niên, địch kêu án 5 năm tù treo, về sống quản thúc tại địa phương. Trước khi ra về, sau bữa cơm, Bốn Hương gặp Nguyễn Huy Chương dặn: “Về quê thì đừng có nằm yên. Tất nhiên chúng nó sẽ theo dõi, giám sát. Về nhà thăm cha mẹ, thỉnh thoảng lên Phương Trì sẽ gặp người của ta”. Nguyễn Huy Chương hỏi gặp ai thì Bốn Hương không nói ai, mà dặn “cứ lên Phương Trì thì sẽ có người gặp”.
Có người ở quê ra thăm trước khi bị đày giam an trí, Bốn Hương nhắn về nhà nói với Ngô Sen là Chương con ông Giác đã ra tù về Mộc Bài, tìm cách liên lạc. Ngô Sen là thợ nấu đường cho mẹ Bốn Hương, là cơ sở của Đảng, có bí danh là Búp - Búp Sen. Nguyễn Huy Chương về Mộc Bài được mấy hôm, đang bơ vơ, buồn, nhớ lời Bốn Hương, về làng Phương Trì chơi mấy lần thì gặp Ngô Sen. Ngô Sen hẹn Nguyễn Huy Chương hôm sau sẽ gặp nhau trong đám mía ở bìa rừng… Nguyễn Huy Chương không thể ngờ được đồng chí Nguyễn Sắc Kim lúc bấy giờ là Phó Bí thư Tỉnh ủy đã bí mật ở trong nhà Ngô Sen. Ngô Sen lấy cái rương gỗ lớn như cái giường sắm ra để đựng lúa, dành một ngăn lớn nhất cho Nguyễn Sắc Kim nằm trong rương khi gặp nguy cấp. Chiều hôm đó, Nguyễn Huy Chương vào đám mía ở bìa rừng như đã hẹn thì gặp Nguyễn Sắc Kim.
Nhật đảo chính Pháp, anh em ra khỏi nhà tù. Bốn Hương rời lao Thừa Phủ (Huế) về đến Hương An thì đi thẳng vào nhà Nguyễn Huy Chương giao nhiệm vụ tổ chức, tập hợp quần chúng thanh niên, tổ chức lực lượng tự vệ. Bốn Hương đưa Nguyễn Huy Chương vào Ban vận động cướp chính quyền xã Quế Phú trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Chiến tranh kéo dài từ ngày Bác Hồ ra lệnh toàn quốc kháng chiến 19.12.1946, Bốn Hương làm công tác chính trị, Nguyễn Huy Chương theo nghiệp nhà binh. Giữa năm 1961, rời Hà Nội, bí mật theo đường mòn Trường Sơn về Nam, đến đầu năm 1962, khi trên đường qua đất Quảng Nam thì Chính ủy Trung đoàn Ba Gia Nguyễn Huy Chương gặp lại Bốn Hương, bấy giờ vừa nhận chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thay nhiệm vụ của Phạm Tứ - Mười Khôi. Đến năm 1968, trong chiến dịch Xuân Mậu Thân, Bốn Hương là Khu ủy viên, Phó ban Tổ chức Khu ủy 5, được phân công xuống làm Chính ủy Mặt trận nam Quảng Nam, còn Nguyễn Huy Chương làm Phó Chính ủy… Trên chặng đường cách mạng, các ông luôn gắn bó với nhau cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng rồi lại cùng chung tay xây dựng quê hương.
Những ngày đang nằm trong bệnh viện C Đà Nẵng, thở nhờ bình ô xy treo ở trên đầu giường, Bốn Hương nhắn Nguyễn Huy Chương vào, nắm tay nghẹn lời: “Chắc tuần này mình đi xa! Chương cố gắng chứng nhận cho các đồng chí đã bị bắt, bị tù mà chúng ta biết rõ để các đồng chí ấy không bị thiệt thòi. Ở Quế Sơn, số cán bộ cựu trào đi hết rồi, chỉ còn lại sau tôi là cậu. Cậu cố gắng tham gia với Quế Sơn viết lịch sử đấu tranh cách mạng của đảng bộ, của lực lượng vũ trang và của nhân dân Quế Sơn. Chắc từng trải trường đời cậu hiểu, con người sống đã khó, sống cho trọn vẹn càng khó. Vi nhân nan! Vi nhân nan! Làm người khó thay! Về hưu chưa hẳn đã xong đâu. Cuộc sống còn nhiều phức tạp lắm! Đừng chủ quan, cố giữ mình cho đến khi nhắm mắt xuôi tay”.
HỒ DUY LỆ