Chuyện một gia đình cách mạng
Năm 1954, ông Phan Thanh Châu từ biệt vợ con, lên đường vào Quy Nhơn để tập kết ra Bắc. Vào tới Bình Định, ông lại nhận lệnh quay ngược về Quảng Nam, nằm vùng chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử theo những điều khoản thỏa thuận tại Hiệp định Giơnevơ. Về đến làng Bình Huề, Sơn Bình thì bọn xưng danh là “quân đội quốc gia” từ Đà Nẵng đã tràn vào quản chế các xã phía tây của huyện Quế Sơn.
Bình Huề, Sơn Bình nằm sâu phía đầu nguồn Thu Bồn, trong chín năm kháng chiến nơi đây là địa bàn hậu cứ của Việt Minh, có phong trào cách mạng khá toàn diện và vững chắc. Phan Thanh Châu người quê Tam Thái, Tam Kỳ, làm công an lưu động của Việt Minh đã lên Sơn Bình công tác từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám - năm 1945. Đây là quê hương thứ hai của ông. Vì thế ông nắm được lòng dân, nhanh chóng bắt nối lại với các cơ sở cách mạng trong vùng. Lợi dụng lúc địch chưa biết rõ tình hình chính trị trên địa bàn, “tương kế tựu kế”, tổ chức đảng ở địa phương do đồng chí Phạm Kiều phụ trách, bí mật vận động nhân dân giới cử, cắm người của ta vào bộ máy chính quyền địch ở thôn và xã để dễ bề hoạt động, che chở cho cách mạng. Đầu năm 1955, ông Châu cùng các ông Xã Phường, Trùm Lương, Trùm Lợi là người của ta được dân bầu vào Hội đồng hương chính xã, nắm giữ các vị trí quan trọng.
Cùng lúc, trước sự đàn áp dã man và thủ đoạn mua chuộc hiểm độc của địch, trong hàng ngũ những người kháng chiến cũ đã xuất hiện một vài phần tử tham sống, hám lợi trở mặt phản bội. Họ bí mật chỉ điểm, tiếp tay cho bọn Quốc dân đảng phản động hành sự.
Vào đêm 12 tháng 2 âm lịch năm 1956, dân Sơn Bình tổ chức cúng tế “Việc vạn” tại một bến nước trên bờ sông Thu Bồn. Từ Bình Huề, ông Châu băng bộ đến bến nước. Là công an thời Việt Minh, lại là một cán bộ cách mạng ẩn thân hoạt động trong bộ máy chính quyền địch, ông Châu rất nhạy cảm, cảnh giác mọi bề. Nhưng đây là chuyện ông cần phải tới. Có mặt các ông ở ngày lễ trọng, mang sắc thái tâm linh này là một cách thức tăng cao ảnh hưởng cá nhân để giữ lửa cách mạng trong quần chúng. Dẫu có nguy hiểm đến mấy ông cũng phải đi. Sắp tới bờ sông, ông phải đi qua lối mòn độc đạo của trâu kéo gỗ. Những súc gỗ kéo lê bào mòn đất núi trong nhiều đời đã tạo nên một cái giao thông hào tự nhiên sâu lút quá đầu. Người đi qua đây như lọt vào rọ, nếu bị đánh chặn ở hai đầu thì khó mà thoát thân. Trời tối, trong tay cầm chắc khúc gỗ vuông sáu tấc, bấm bụng, đề phòng bất trắc, ông Châu đi êm, luồn qua kiệt hiểm này.
Bất ngờ, từ trên cao ập xuống đầu ông một cái rập bằng vải bố. Từ bên trong, ông cảm nhận có nhiều người xúm vào chận trói chặt ông trong bọc vải, kéo xệch ông đi. Ra bờ sông vắng, chúng mở bao trút dộng ông ra. Ông thấy có mấy tên bôi mặt, giả giọng lạ hoắc, vừa đánh đá vừa tra khảo: “Ai cử mày ở lại hoạt động. Tổ chức của mày có những tên nào? Mày đã liên lạc với ai trong cái xã này? Mày đã chui vào Hội đồng xã cùng với những tên nào? Thằng nào cầm đầu để tổ chức đưa mày vào hội đồng xã ni?...”.
Mặc cho bọn chúng đánh đập, ông Châu cứ ghì chặt người để tránh bớt đòn hiểm của chúng, không hé môi. Bất lực trước sự gan lỳ của ông, một tên nói qua kẽ răng: “Đánh rắn phải đánh dập đầu. Giết nó đi!”.
Nghe tiếng đào đất sột soạt, ông Châu sẹ vặn mình nằm úp, lập tức nhiều nhát dao cắm phập vào lưng, vào đùi. Nghĩ ông đã chết, chúng kéo thi thể thả xuống hố, lấp cát quấy quá rồi rút đi.
Ông Châu chưa chết, lắc người trồi lên mặt đất, bò vào đám nà trồng thuốc lá gần nhà dân kêu cứu. Bà con nghe thấy, chạy tới giúp người gặp nạn. Ông Châu yêu cầu họ khiêng ngay đến lễ Vạn. Trong hội đồng có một số tên chủ mưu vụ ám sát này giả bộ nhân nghĩa, hô lớn: “Đưa ngay ông Châu sang Bệnh xá Sơn Mỹ”. Nhưng Xã Phường - Chủ tịch Hội đồng hương chính phản đối. Ông lệnh khiêng Phan Thanh Châu lên thuyền chở thẳng xuống Bệnh viện Hội An. Bởi ông thừa biết, Bệnh xá Sơn Mỹ đang nằm gọn trong tầm kiểm soát của bọn Quốc dân đảng. Đến đó, chỉ cần một mũi thuốc là ông Châu chết ngay. Chúng sẽ giết ông một cách nhẹ nhàng, hợp pháp mà không cần phải khó nhọc lén lút nữa.
Nghe nói đưa gấp đi Hội An, ông Châu ráng bình tĩnh nói với cả mâm hội đồng và nhân dân tới dự lễ:
- Trước khi đưa tôi đi, các vị cần lập một biên bản và ghi lời tường thuật của tôi về vụ việc những kẻ giấu mặt âm mưu sát hại tôi để báo cáo lên quận.
Theo lời ông Châu, Xã Phường, Trùm Lương... phải làm cho hết nước hết cái để tạo thêm thế công khai hợp pháp, chứ các ông thừa biết bọn trên quận cũng một ruột với bọn Quốc dân đảng ở địa phương này.
Ông Châu bị quá nhiều vết thương trên người, nguy hiểm nhất là vết ở cổ. Đấy là vết tử, nhưng nhờ ông đã vặn úp người nên chúng đâm trượt yết hầu. Các vết thương bị cát lọt vào, khi rửa y tá phải luồn panh ngoáy cho sạch, cát xé thịt đau thấu trời. Trong những tháng ông Châu nằm điều trị tại Hội An, nhân dân Sơn Bình bí mật vận động giúp đỡ vợ ông - bà Vân và con gái Yến Nhi mới bốn tuổi đi thăm nuôi.
Phan Thanh Châu thoát chết, ra viện thì bọn an ninh quận Quế Sơn cũng vừa nắm được nhân thân của ông, lập tức tước chức vụ ủy viên hội đồng, đưa vào tầm quản thúc hà khắc của chúng. Quyết không nhụt chí, ông Châu vẫn tiếp tục móc nối cơ sở để hoạt động. Cơ sở lộ, ông Châu lại bị bắt, bị tra khảo. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59, cả vợ chồng ông Châu đều bị bắt đi tù trên tỉnh, trên quận...
Lúc vợ chồng ông Châu bị bắt ngồi tù, con gái ông bà là Phan Thị Yến Nhi mới có bảy tuổi đã phải một mình tự lập. Những người hàng xóm thương tình muốn giúp đỡ cô bé cũng phải dè chừng những cặp mắt dòm ngó của kẻ xấu bụng. Bởi liên can với gia đình cộng sản cũng là một tội. Mỗi lần Yến Nhi đi ngang qua nhà, họ nhanh chóng dúi cho cô bé lon gạo hoặc một thứ gì đó nhỏ nhoi nhưng có ích cho cuộc sống rồi bảo bé đi nhanh khỏi ngõ.
(Còn nữa)
Truyện ký của PHẠM THÔNG