Người mang mật danh H.34 (Tiếp theo và hết)
|
Non một năm sau, Tùng Lâm về căn cứ rồi ra Bắc, H.34 phải tự mình tác nghiệp. Thỉnh thoảng, cô báo với bà Tám Quận: “Tối nay có việc”. Bà Tám cẩn trọng cảnh giới từ chiều. Đúng 21 giờ đêm, H.34 vào buồng lấy chiếc National vặn lọc tín hiệu, ghi ghi chép chép rồi vặn qua đài Sài Gòn. Trong lúc nghe đài Sài Gòn cô tiếp tục dùng mực hóa học sao lại trên một miếng giấy khác, xong thì đốt miếng giấy ghi mực thường. Một tuần cô chỉ làm việc mấy lần như vậy, tùy theo lời hẹn ở đầu bên kia. Sáng mai, Như Hồng đến thẳng chợ, dúi miếng giấy cho Bảy Chung rồi qua mở cửa tiệm bán hàng. Một ai đó khác sẽ tiếp nhận từ Bảy Chung rồi dùng một loại hóa chất phớt lên mặt giấy, tín hiệu hiện ra...
Việc làm của Như Hồng rất ít, không sôi động như ở chiến khu. Như hồi nửa cuối năm 1968, trong chiến dịch X2, tại Mặt trận 4 tổ điện đài của cô làm việc túi bụi. Nào là điện: phải dịch ngay, “tối khẩn”, “thượng khẩn” cứ xấp cả chồng. Tội nghiệp nhất là đồng chí quay máy. Quay toát mồ hôi, nó nặng trịch như xay bột bánh. Nhưng nghiệt nỗi bánh không có mà chỉ có tiếng tích tè với cái bụng đói lép kẹp. Đói, đau mà vẫn làm việc say mê. Ấy là khí thế cách mạng. Còn ở đây, trong nội thành này, cái máy RT3 kia phải chôn giấu kỹ, H.34 chỉ có nghe, ghi mật mã, buồn quá đỗi. Chọn một báo vụ vào nội thành đâu phải dễ. Phải gõ và nghe tín hiệu thật điêu luyện, thế mà mấy năm qua H.34 không được phát một tín hiệu nào. Nặng lòng nghề nghiệp, cô lo tay mình cứng mất. Nghề mà yếu thì chán lắm.
Chiến tranh, được gọi là “điệp báo viên” cũng oách. Thật ra thì cô đơn, hồi hộp, lo sợ là nỗi ám ảnh thường trực. Nhất là hồi mới xuống phố, lúc nào cô cũng tưởng có ai đó đang nhìn mình... Kể ra thì ở cái tuổi mộng mơ mà phải sống ép mình, sống không thật là mình, quá khó. Chẳng thà như hồi chiến khu, ai cũng như ai, chỉ có đôi dép su, cái võng, vài bộ quần áo bà ba... Còn ở đây, cảnh sang hèn bày ra trước mắt. Cô bán hàng, trong tay cầm nhiều tiền. Nhưng, tất cả đều đưa cho bà Tám. Đôi khi cô cũng diện. Như cái bữa vào chơi nhà bà Bảy Chung, cô diện áo dài hoa, đeo dây chuyền mặt đá trông thật yêu kiều. Nữ tình báo viên mà, họ phải chọn sắc dáng chứ. Thế nhưng đâu phải là Như Hồng diện cho mình. Cô cố tạo ra cái vỏ để che thân phận của một điệp báo viên đấy chứ. Con người khổ nhất là phải phân thân.
Còn nữa, con người chứ đâu phải sắt đá, nằm đêm cô nghĩ:
- Trong cái thành phố mà Mỹ đổ của vào như nước, chỉ nhích một bước là có thể vào những nhà hàng như các đôi tình nhân kia... Rồi nữa, cái con Thịnh nó cũng như mình, nhưng bây giờ là nữ sinh đệ nhị... Mình học Nghị quyết trên núi rồi: “Cách mạng khoa học, kỹ thuật là then chốt...”. Mai này nước nhà thống nhất, ai có học sẽ được trọng dụng. Mình lúc đó quá tuổi, học chi được nữa. Nhưng thôi, không nghĩ nhiều. Tại ở đây mới so sánh nhiều vậy chứ hồi ở chiến khu thì vô tư...
Nghĩ cứng là vậy, nhưng nước mắt cô vẫn chảy. Cô lại nghĩ:
- Các em mình giờ đang như thế nào. Mình đấu tranh tư tưởng như vậy đó mà trong quê có người nói mình chiêu hồi, dòm ngó tụi em mình. Thiệt là tức chết được. Làm sao mà thanh minh.
Hơn một năm trôi qua, ông Tùng Lâm đi biền biệt. Đùng một hôm bọn an ninh ập vào tiệm mỹ phẩm Số 12 Ông Ích Khiêm truy bắt Như Hồng. Nhưng may rằng cấp trên đã biết Tùng Lâm bị bắt và H34 đã bị lộ, phái ngay Bảy Chung đến tận nhà kéo cô về cứ gấp. Bà rỉ tai:
- Bỏ hết, bỏ hết, đi nhanh, tụi nó ập đến chừ. Chị Tám Quận cứ ở lại, chưa có lệnh đi.
Như Hồng vội theo Bảy Chung. Lần này không xuống xe phía ngoài Bà Rén mà chạy vào Hương An, rẽ phía chợ An Xuân, Sơn Thượng đi bộ vào Đồng Lùng rồi tuốt lên Hòn Tàu. Cô cùng bà qua khỏi Nam Phước, trên xe lại có một thằng lính, hắn nhìn Như Hồng chằm chằm và nói với người bên cạnh: “Con này nhìn thấy quen quen”. Bà Bảy Chung nghe được, giả bộ không để ý, vài giây sau bà quay ngang đập vai Như Hồng:
- Ái chà, con này mày nói xuống chỗ ni sao đến rồi mà không nhảy xuống, nhanh lên!
Vừa nói bà vừa đập vào thành xe cho tài xế dừng lại. Như Hồng nhảy xuống. Xe chạy. Cô đi bách bộ vào nhà bà già mấy hôm thường tới. Bà bảo con cứ ngồi yên đó, có chi bà sẽ xử lý. Tối mịt, anh Đặng Công Danh - Trung đội trưởng trinh sát Ban 11 tới đưa cô đi. Lần này đã bị lộ, có lẽ sẽ về hẳn căn cứ nên cô cố hỏi để biết tên bà già này. Bởi người như bà là cái giá đỡ sự sống cho những chiến sĩ trong những thời khắc hiểm nguy. Bà cần phải được biết tên. Và, Đặng Công Danh đã cho cô biết: “Bà già ni là bà Hà, còn cái xóm ni là xóm Phước Mỹ”. Như Hồng từ biệt bà Hà, cùng anh Danh đi về phía núi.
Về đến Hang Đồng Kè, Như Hồng mới biết ông Tùng Lâm bị bắt tận trong Sài Gòn. Cô nghĩ không ra, tại sao chú Tùng Lâm lại bị bắt ở Sài Gòn. Chú ấy đi Hà Nội mà. Cô đợi chú ấy về để khi có cơ hội thì sử dụng cái máy RT3 mà các đồng chí giao liên đã kỳ công vượt qua bao hiểm nguy đưa tới. Mọi chuyện kết thúc sớm quá, cô rất buồn và còn lo cho bà Tám nữa. Không biết bà có thoát khỏi mối họa này không...
Về căn cứ, Như Hồng không còn gặp lại được thủ trưởng Thí, anh Bình, anh Bích. Các đồng chí ấy đã hy sinh hết. Lính trinh sát chết rất nhiều. Như Hồng chỉ gặp lại được anh Danh, anh Lý, các bạn đồng trang lứa như Văn, Vinh, Mai... Họ cũng đã rất nhiều lần thoát chết trên đường đưa cán bộ vô ra thành phố. Vài tháng sau, đúng ngày 15 tháng 6 năm 1972 Như Hồng lên đường ra miền Bắc học tập.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Như Hồng về lại Đà Nẵng. Tại trạm nghỉ số 8 Hoàng Hoa Thám - Đà Nẵng, Như Hồng gặp lại bà Tám, bà Bảy Chung trong rưng rưng nước mắt. Lúc này Như Hồng mới biết hai bà đều bị địch bắt ngay sau cái vụ cô nhảy lên Hòn Tàu năm đó.
Tại Đà Nẵng, Như Hồng được trả lại tên cũ là Lê Thị Hồng Hoa, quê Quế Phú, Quế Sơn. Cô vào học dự bị tại trường Bách khoa Đà Nẵng khóa đầu tiên sau ngày giải phóng. Năm 1982, cô tốt nghiệp kỹ sư điện, về làm việc tại Chi nhánh Điện Tam Kỳ. Chia tách tỉnh, cô công tác tại Điện lực Quảng Nam. Bây giờ Hồng Hoa đã 63 tuổi, về hưu đã bảy năm. Ngẫm lại cả cuộc đời cô tâm sự:
- Kháng chiến kết thúc, mình còn sống, có chồng, sinh con, nuôi con ăn học thành người là quý rồi. Một điều may nữa, năm đó mình không bị bắt. Chứ rủi như cô Bảy Chung thì cuộc đời đi về ngả nào mình đâu dám nói chắc. Giữa đời thường bây giờ, nhìn cô, ai mà biết cái chuyện của ngày xưa. Mà mình hồi đó mới hai mốt, bây giờ đã trên sáu mươi rồi còn chi.
Bà vui vẻ quay sang chỉ thằng cháu nội:
- Cũng còn kia chứ. Thằng cháu nội đích tôn. Thằng cháu nội ni mới đi lẫm chẫm. Mỗi khi nó sà vào lòng kêu “bà... bà...” là mình mãn nguyện lắm rồi.
Truyện ký của PHẠM THÔNG