Người mang mật danh H.34 (Tiếp theo kỳ trước)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 18/02/2014 08:56

  • Người mang mật danh H.34

Mấy đêm đầu, Như Hồng không ngủ được. Nằm nhớ đồng đội ở chiến khu, thương các em ở quê nhà...  Ngày từ biệt làng Trà Đình, cha cô đang là Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng xã Phú Phong, mẹ cô tròn bốn mươi, ông nội thì còn xách gàu sòng đi tát nước, bầy em rất đông, vui lắm. Bây giờ thì... Chỉ một năm 1968 thôi mà nhà cô mất hết ba người. Ba cô bị lộ hầm bí mật, hy sinh. Mẹ bị một quả bom trúng ngay nhà. Ông nội buồn quá cũng qua đời. Không biết bầy em năm đứa của cô bây giờ ra sao. Như Hồng ước chi được lên xe đò, một tiếng sau tới Mộc Bài, về nhà gặp các em. Thế nhưng biết tới bao giờ... Chiến tranh mà...

Hoạt động nội thành phải giấu thân phận cho thật kín, thế mới biết bà Tám thật tài. Bà Tám là người Đức Phổ, tập kết miền Bắc, rồi bằng con đường bí mật cùng với Tùng Lâm vào ở Huế từ năm 1964, giữa năm 1967 đến cắm chân ở đây. Nhà thuê có ba phòng ngủ và một phòng khách, tiện nghi khá đầy đủ. Bà Tám khoác áo cô ruột Năm Sài Gòn và đóng vai quản gia như thật. Bây giờ trong nhà có thêm một thành viên, họ được phân theo thứ bậc xưng hô rõ ràng. Như Hồng nhỏ nhất, gọi Tùng Lâm bằng chú, bà Tám bằng bà. Thật ra họ là người cùng tổ đảng nhưng cấm tiệt không vấp lưỡi gọi: đồng chí. Hai tiếng đó ở đây có thể dẫn đến chết người.

Bà Tám có nhiệm vụ ngấm ngầm tìm hiểu nhân thân của từng người hàng xóm. Bà biết ai tốt, ai vô hại, ai là kẻ luôn sẵn sàng hại người. Bà tỉ tê kỹ lưỡng với H.34 để mà ứng xử, để mà cảnh giác. Vì mỗi hành động, mỗi lời nói sơ hở là có thể dẫn tới vỡ cơ sở, gây tổn thất không thể lường trước. Bà phụ trách nội sự, lo tạo bước đệm tự nhiên để đưa Như Hồng ra cửa hàng mỹ phẩm tại số 12 đường Ông Ích Khiêm. Như Hồng là con nhà khá giả, đã học qua đệ ngũ, hồi đi học cô đi bằng xe đạp từ nhà đến trường Trung học Phan Sào Nam, Duy Xuyên nên nhập cuộc khá nhanh.

Tùng Lâm, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của một tình báo chiến lược, ông còn trực tiếp nghe đài để thu nhận mật mã từ miền Bắc truyền vào. Từ giờ phút này ông lần lượt bàn giao công việc cho H.34. Ông giao nhiệm vụ cho bà Tám lo tiếp nhận điện đài từ căn cứ đưa vào cho Như Hồng. Chiếc máy RT3 được cải tiến thành ba phần như ba cái hộp đựng phấn viết bảng. Mỗi lần giao liên đưa đến Đà Nằng một hộp. Bà Tám đã nhận trước hai hộp. Như Hồng nhận hộp cuối cùng. Cô đến chợ Tam Giác gặp Bảy Chung, nhận cái “hộp phấn” mà tư tưởng vô cùng căng thẳng. Thế nhưng bằng lối giao tiếp thiện nghệ, bà Bảy Chung trao cái “hộp phấn” cho H.34 gọn lỏn. H.34 bỏ vô giỏ, phủ rau, cá thịt, lên xe đạp ù thẳng về nhà. Đến nhà là cô tọt ngay vào buồng, đưa cái giỏ cho bà Tám mà chưa hết run. Bà Tám mằn:

- Con này làm có chút mà cũng run. Gặp tình huống phức tạp hơn mày làm sao đối phó đây. Thế mới biết Bảy Chung can trường, cừ khôi thật. Rồi bà Tám kể cho Như Hồng nghe về lần Bảy Chung đưa cái “hộp phấn” thứ hai ra Đà Nẵng, ngụ ý rèn thêm ý chí cho H.34 mới vào cái nghiệp nguy hiểm này:

- Bảy Chung mang cái “hộp phấn” lên xe đò Tam Kỳ - Đà Nẵng như mọi khi. Bất ngờ, trên xe có một thằng cảnh sát nổi máu lục soát đồ đạc của người đi đường. Thấy trong cái bao cát bỏ dưới chân ghế của Bảy Chung có một cái hộp lạ, hắn sần sộ tịch thu. Bảy Chung cãi tay đôi với hắn. Bà ré to: “Cái hộp đó là của tui lượm được trong hố rác Mỹ, tui đem về bán đồ phế thải kiếm mấy đồng cho con, cậu không được lấy của tui”. Bà sấn tới giật lại rồi ngồi lì trên xe về Đà Nẵng. May gặp thằng cảnh sát ngu ngơ, chớ gặp thằng nghiệp vụ cao tay thì chắc tiêu. Làm cái “nghề” này mà chúng bắt được thì chỉ có chết con ơi. Bọn nó khai thác đến tận cùng...

Đủ ba bộ phận của máy thu phát, Tùng Lâm bảo H.34 lắp và cắm điện thử. Ông nói:

- Cái máy này cấp bách lắm mới phát. Phát lên dễ bị chúng nó “chụp” lắm. Cái giàn ra đa Sơn Trà đứng sừng sững như thế thì làn sóng lạ nào lọt qua nổi. Có lần điệp báo viên ta đang phát sóng thì bị bọn phản gián kê súng vào tai bắt làm việc tiếp cho chúng. Nếu có phát thì phải phát trên phương tiện di động. Ví dụ như ngồi trên xe con chạy ra ngoại thành, tít te đôi phút là tắt máy ngay. Còn bây giờ đem giấu thật kỹ. Nó là “của” chiến lược, nuôi lính ba năm sử dụng một giờ mà...

Theo lệnh Tùng Lâm, H.34 tháo rời máy, đem giấu mỗi chỗ một bộ phận. Ở đây cô chỉ làm mỗi việc thu mật mã. Cuộc sống của cô thật là đơn điệu, hằng ngày ra cửa hàng, tối về ru rú ở nhà, rất hạn chế giao du. Cô ở Quế Sơn, nhiều người ở quê ra đây tránh trớ bom đạn, rủi mà gặp thì hỏng chuyện. Thế mà cũng có lần gặp rồi. Một hôm đi bộ từ cửa hàng về nhà thì xáp mặt Sáu Thung, người cùng họ. Anh ta mừng quýnh còn Như Hồng lo quắn bụng. Sáu Thung không muốn rời Như Hồng vì rất quý mến cô. Vả lại anh biết rất tường tận cái chết của ba, mẹ, ông nội cô và hoàn cảnh mấy đứa em hiện thời. Hai người đi song đôi trên đường Ông Ích Khiêm, nhưng được cái là Sáu Thung tỉ tê chuyện rất khẽ. Như Hồng vừa muốn nghe vừa sợ bật khóc nên rất nhiều lần định chào để tách đi đường khác. Nhưng Sáu Thung quyết hỏi cho ra cái chuyện Như Hồng thoát ly lên núi mà sao bây giờ lại ở Đà Nẵng. Không tự giải thích được thắc mắc, anh ta bám riết... Sắp đến nhà, Như Hồng phải nói thiệt:

- Anh gặp tui đây đừng nói với ai cả. Thôi bây giờ anh để tui đi, đừng hỏi chi nhiều nữa.

- Anh biết rồi! - Sáu Thung rưng rưng nước mắt bỏ đi.

Rồi lại một lần Như Hồng đang lúi húi sắp xếp mỹ phẩm, có người gọi mua hàng. Quay lại thì chạm mặt Út Thịnh. Út Thịnh cũng người cùng họ, cùng tuổi Canh Dần, cùng học một lớp. Như Hồng thoát ly, Thịnh ở nhà. Quê ác liệt quá, Thịnh lánh ra Đà Nẵng rồi học lên tới đệ nhị. Như Hồng vội bán cho Út Thịnh một cái dù và dặn đừng nói cuộc gặp này với ai cả.

Bán hàng là giương mặt ra đường nên sau đó Như Hồng lại phải thêm vài lần gặp người quen. Nhưng thân phận của Như Hồng không hề bị lộ, thế mới biết dân mình tốt. Bí quá họ mới chạy ra Đà Nẵng để yên thân, chứ đâu có phải chạy theo địch. Duy có điều oái ăm rằng, không hiểu nguồn tin từ đâu mà ở quê người ta lại kháo nhau:

- Như Hồng - con ông Cúc đã chiêu hồi. Hãy coi chừng bầy em nó...

Em gái của Như Hồng tên là Nga, cô mới mười lăm tuổi mà vừa đi buôn nuôi mấy đứa nhỏ hơn vừa làm liên lạc cho Ban Binh vận tỉnh. Vì nhiệm vụ, Nga phải lên xuống đồn Mộc Bài, ra vô Tam Kỳ, Hương An... bị du kích nghi, cô suýt bị bắt. Nga vội bỏ bầy em, theo bà Xuân - Binh vận tỉnh nhảy núi. Việc đó Như Hồng nghe Sáu Thung nói chứ làm chi mà biết được... Chiến tranh, tối sáng nhập nhòa khó tránh oan khốc. May quá, chứ kêu đâu thấu trời!

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

Truyện ký của PHẠM THÔNG