Cuộc gặp gỡ kỳ diệu

HỒNG VÂN 22/01/2014 08:24

Câu chuyện cựu chiến binh Trương Văn Minh ở Tam Hiệp (Núi Thành) gặp cha trên đường hành quân trong những năm chống Mỹ đến bây giờ vẫn được nhắc đến như là “cuộc gặp gỡ kỳ diệu”.

Cựu chiến binh Trương Văn Minh (phải) và đồng đội. Ảnh: H.VÂN
Cựu chiến binh Trương Văn Minh (phải) và đồng đội. Ảnh: H.VÂN

Ngày 1.6.1968 với cựu chiến binh Trương Văn Minh là ngày không thể nào quên. Sau chiến dịch Khâm Đức, ông cùng các chiến sĩ Đại đội Trinh sát Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) về Tam Kỳ chuẩn bị chiến trường cho trận đánh mới. Đến sông Tranh, mọi người dừng nghỉ ngơi. Đang thèm thuốc lá mà không kiếm đâu ra thì các ông phát hiện phía trước có một bác cán bộ mang ba lô cùng một cần vụ ngồi nghỉ trên mỏm đá.

Sống vì nghĩa cả

Là lính trinh sát, trực tiếp chôn hoặc chứng kiến nơi nhiều đồng đội hy sinh, cựu chiến binh Trương Văn Minh tâm nguyện dành phần đời còn lại “đi tìm đồng đội”. Nguồn động viên lớn của ông là một người bạn trinh sát tên Nguyễn Công Hùng (hiện ở Đống Đa, Hà Nội) liên tục vào thăm, hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện cho ông đi gặp gỡ thân nhân liệt sĩ, từ đó thêm quyết tâm cho ông đi tìm đồng đội. Với chiếc xe máy cà tàng, có khi ông vượt hàng trăm cây số đồi núi lên tận huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) khảo sát, nghiên cứu địa hình. Đã có hơn 20 hài cốt liệt sĩ có danh tính được ông tìm thấy ở vùng đất Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ông còn cùng đồng đội qua tận bên Lào tìm bằng được hài cốt chỉ huy trung đoàn Phan Dương Tuyến hy sinh khi đánh đường 9 - Nam Lào. Ông cũng đã lên danh sách hơn chục cái tên liệt sĩ sẽ đi tìm trong năm 2014, dù nay đã bước qua tuổi 70.

Bạo dạn tiến lại gần bắt chuyện, Trương Văn Minh hỏi thưa: “Dạ, bác ở đâu lên?”. Ông già không nói. Minh hỏi lại lần nữa. Sợ lộ bí mật, ông già hơi bực: “Đồng chí hỏi tôi làm gì, có cần thiết không?”. “Cháu muốn xin bác vài lá thuốc”. Ông già móc trong ba lô ra 2 lá thuốc khô. Đem về chia cho 6 người, 2 lá thuốc chẳng thấm tháp đâu. Minh lại liều chạy qua: “Hỏi thật, bác ở đâu lên đây?”. “Sao chú cứ hỏi tôi hoài vậy?”. Anh chàng cần vụ người dân tộc thiểu số nhìn Minh gườm gườm, liên tục đụng đậy khẩu súng. “Nghe bác nói hình như giọng Tam Kỳ nên hỏi thăm. Cháu quê Tam Kỳ”. “Thế cậu ở xã nào?”. “Dạ, Kỳ Khương”. “Thôn nào?”. “Khương Đại”. “Con ai?”. “Dạ con ông Phan”... “Trời, con trai tôi!”. Bác cán bộ sau phút giây thảng thốt bước đến ôm Minh và bật khóc. Không nhớ mặt ba chỉ nghe mẹ nói ông đi thoát ly, mà lúc đó Minh còn nhỏ xíu, không ngờ gặp ba ở đây, anh sung sướng không nói nên lời. Đồng đội ùa đến chia vui cùng hai cha con. Người cha - tên là Trương Quân, cán bộ giao bưu - lôi trong ba lô ra xấp thuốc lá bảo Minh chia cho anh em.

Hai cha con đến nghỉ ở một trạm liên lạc. Ông Quân vào làng đồng bào xin con gà bằng nắm tay và ang nếp để chiêu đãi con trai. Cả hai hì hục giã, nhưng cuối cùng chẳng ăn được xôi vì quá nhiều sạn. Cha con tâm sự suốt một đêm về quê hương, gia đình, về kỷ niệm khi Minh còn bé thơ rồi chia tay phần ai nấy đi.

Có cha tiếp thêm sức mạnh, Trương Văn Minh đánh giặc càng hăng. Tháng 4.1975, Đài Phát thanh muốn phỏng vấn một chiến sĩ trinh sát trong đoàn quân thần tốc của Sư đoàn 2 giải phóng Đà Nẵng, Minh được chọn. Người cha đã về nhà trước, nghe con trên đài, nói với vợ: “Thằng Minh nhà mình còn sống bà à!”. Sáu tháng sau, xong nhiệm vụ Minh mới về thăm nhà và vỡ òa trong hạnh phúc đoàn tụ gia đình. Ông Trương Quân sau này làm Bí thư Đảng ủy Sở Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Minh ra quân, không muốn vào cơ quan bưu điện vì sợ ảnh hưởng đến cha nên về quê làm nông, tham gia hoạt động tại địa phương.

HỒNG VÂN

HỒNG VÂN