Anh Bảy Thành - Kỳ cuối: Chưa về với đời thường

NGUYỄN SỸ LONG 25/12/2013 08:40

Cuối năm 2003, được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt, Chương trình Chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh ra đời, do ông Trần Chí Thành làm chủ nhiệm. Từ đó đến nay, đã có 650 trẻ bệnh tim bẩm sinh của Quảng Nam và TP.Đà Nẵng được hỗ trợ phẫu thuật, giúp các em có sức khỏe tốt, hòa nhập với cộng đồng.

  • Anh Bảy Thành - Kỳ 2: Theo chân người đội trưởng
  • Anh Bảy Thành - Kỳ 1: Đến với cách mạng
Ông Nguyễn Bá Thanh (trái) và ông Trần Chí Thành chia sẻ niềm vui cùng cháu Nguyễn Thành Hưng (Đà Nẵng) sau 2 lần thông động mạch, 3 lần phẫu thuật.  (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Ông Nguyễn Bá Thanh (trái) và ông Trần Chí Thành chia sẻ niềm vui cùng cháu Nguyễn Thành Hưng (Đà Nẵng) sau 2 lần thông động mạch, 3 lần phẫu thuật. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Tiếp chuyện chúng tôi trong căn phòng nhỏ, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP.Đà Nẵng - Trần Chí Thành bồi hồi nhớ lại những ngày đầu sáng lập hội cũng như khai mở một chương trình mang nặng ý nghĩa nhân văn. Theo đó, khoảng tháng 6.2002, sau khi từ nhiệm Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - Nguyễn Bá Thanh gặp ông và nói niềm trăn trở: “Tôi thấy cơ chế của Nhà nước mình muốn giúp cho ai thì thủ tục hành chính phức tạp quá. Giờ thành lập một hội, tôi sẽ chịu trách nhiệm làm chủ tịch danh dự đứng đầu chỉ đạo tìm nguồn gây quỹ để ai khó khăn bức xúc lắm thì mình cứu giúp kịp thời”.

Mối bận tâm của người cán bộ lãnh đạo cũng chính là điều ông Thành tâm đắc. Nhưng trong bối cảnh, nhiều hoạt động từ thiện đã được tiến hành trong xã hội, vậy bắt đầu từ đâu cho có ý nghĩa? Do đó, ông đã đề xuất với ông Nguyễn Bá Thanh: “Cái gì họ chưa làm thì mình làm. Cái gì mà các tổ chức chính trị chưa tham gia vô, còn là bức xúc của xã hội thì mình sáp vô”. Sau đó, ông Thành và các cộng sự tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học để tìm “việc cần làm”. Qua sàng lọc, vấn đề tim bẩm sinh là chưa có nhà tài trợ. Từ đó, Chương trình Chữa tim bẩm sinh được hình thành do ông Trần Chí Thành làm Chủ nhiệm với 2 nội dung chính: Tất cả trẻ em bệnh tim bẩm sinh phải được cứu chữa; Đề nghị UBND thành phố đầu tư cho ngành y tế và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng thành lập đơn vị tim mạch. Từ cái buổi ban đầu ấy, đến nay sau tròn 10 năm, đã có 650 trẻ em bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn Quảng Nam (100 trường hợp) và Đà Nẵng được cứu chữa với tổng số tiền lên tới 27,5 tỷ đồng.

Trong hành trình mang nặng chữ “tâm” của ông Trần Chí Thành và các cộng sự, nhiều tình huống xảy ra cũng căng thẳng không kém gì hồi chiến tranh đi phát động quần chúng. Ông bộc bạch: “Tôi từng tham gia chiến đấu, có tổ chức chiến dịch như Xuân Mậu Thân với nhiều nguy hiểm, nhưng cũng chưa căng thẳng bằng việc đưa 45 em từ Đà Nẵng ra Hà Nội mổ tim. Vì cha mẹ các em nói ngày xấu không đi, năm nay “hạn tam tai” không đi, chừ ra Hà Nội biết làm răng. Tiền mình cho hết, họ cũng không đi. Tôi đành khắc phục bằng cách lựa ngày tốt để đi, còn ngại “hạn tam tai” thì bảo người không phải “tam tai” đưa đi”. Vấn đề tài trợ thì không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Ông Thành ví dụ, như khi ký hợp đồng với tổ chức nước ngoài tài trợ cho trẻ em Đà Nẵng, đối tác thấy một số cháu quê Quảng Nam đã gạt khỏi danh sách với lý do: “Quảng Nam tổ chức này đã giúp rồi”. Tương kế tựu kế, ông Thành liền hướng dẫn các cháu chuyển hộ khẩu từ Quảng Nam ra Đà Nẵng. Ban đầu, các cháu được nhập khẩu vào nhà ông ở phường Thạch Thang (Hải Châu, Đà Nẵng). Nhưng về sau số lượng trẻ em bẩm sinh được cứu chữa ngày càng nhiều lên, ông bèn nhờ đến bạn bè người thân cho các cháu được nhập khẩu vào gia đình họ. Đối với các cháu có cô, dì, chú bác tại Đà Nẵng thì ông hướng dẫn nhập khẩu vào đấy. Cứ như vậy, cả 100 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh quê ở Quảng Nam đã được phẫu thuật.

“Trường hợp tôi nhớ nhất là cháu Lê Trương Khởi Minh ở Hòa Minh, Liên Chiểu. Cố nó ở Điện Bàn, hy sinh trong chống Mỹ, ông nội nó vô Sài Gòn tham gia Xuân Mậu Thân cũng hy sinh. Tôi từng hoạt động cách mạng nên rất đồng cảm với con em đồng đội. Vừa rồi, tôi đã xin thêm cho cháu một chiếc xe đạp” - ông Trần Chí Thành tâm sự. Trong 650 cháu được cứu giúp là 650 chuyến đi kỷ niệm của ông Trần Chí Thành, vì ông đến từng nhà để khảo sát. Với con em đồng đội, ông không thể nào quên lần về xã Tam Thái (Tam Kỳ) năm 2011 thăm gia đình đồng chí Huỳnh Hoàng (nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Tam Kỳ, hy sinh năm 1971), người cùng hoạt động với ông trong kháng chiến. Ở đây, ông Thành gặp cháu Huỳnh Thị Tường Vi (SN 2006), con anh Huỳnh Tấn Đông và là cháu nội đồng chí Huỳnh Hoàng, bị bệnh tim bẩm sinh. Ông đã đưa hồ sơ của cháu Vi về nhập khẩu tại nhà mình và tổ chức phẫu thuật cho cháu 10 ngày sau đó. “Chúng tôi có Ban liên lạc các đồng chí nguyên là Tỉnh ủy viên thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Tôi là Phó ban nên hằng năm vẫn đến thăm anh em, hoặc thắp hương cho những người đã khuất” - ông Thành lý giải.

Chiến tranh đã lùi xa, người cán bộ cách mạng năm xưa nay cũng đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn đau đáu nguyện ước: “Cố gắng hết lòng làm sao cho tất cả các em bị tim bẩm sinh từ 1 đến 20 tuổi được cứu chữa kịp thời”. Có lẽ chính vì thế mọi người vẫn gọi ông một cách bình dị là anh Bảy Thành.

NGUYỄN SỸ LONG

NGUYỄN SỸ LONG