Anh Bảy Thành - Kỳ 1: Đến với cách mạng

NGUYỄN SỸ LONG 23/12/2013 08:17

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông là chỗ dựa tin cậy của đồng chí, đồng đội; lúc hòa bình, ông là cứu cánh của trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh. Đó là những gì tôi được nghe về nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo Đà Nẵng kiêm Chủ nhiệm Chương trình chữa bệnh tim bẩm sinh TP.Đà Nẵng: Trần Chí Thành.

  • Anh Bảy Thành - Kỳ 2: Theo chân người đội trưởng
  • Anh Bảy Thành - Kỳ cuối: Chưa về với đời thường

KỲ 1: ĐẾN VỚI CÁCH MẠNG

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống ở xã Tam Đàn (Phú Ninh), nguyên nhân khiến ông Trần Chí Thành đến với cách mạng là vì sự căm giận trước tội ác của kẻ thù.

Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm chính thức thiết lập bộ máy cai trị trên địa bàn Quảng Nam và chia vùng đất này thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Bấy giờ, Trần Chí Thành mới 15 tuổi, trong lúc giao thời nên việc nhận biết đúng - sai cũng chưa rõ ràng. Nhà có 8 anh em, cha là cơ sở của đồng chí Đinh Châu (cán bộ Huyện ủy Tam Kỳ được cài lại sau năm 1954), Thành là con thứ bảy nên người ta thường gọi là Bảy Thành.

Năm ấy, Trần Chí Thành đang học lớp 5 Phân hiệu 2, trường Phan Châu Trinh, đóng ở chùa Từ Long. Một hôm, thấy các thầy Nguyễn Nho Phát, Quách Xân dẫn học trò xuống ngã ba Chiên Đàn đấu tranh, anh cũng chạy theo chứ chưa biết mục tiêu, lý tưởng là gì. Bọn tay sai đã bắt thầy dạy toán Nguyễn Nho Phát và bắn bể đầu mấy người. Đám biểu tình vì thế cũng tan rã. Tuy nhiên, đến tháng sau, tay chân của Mỹ - Diệm mới tiếp quản, lùng sục bắt bớ những người theo kháng chiến cũ. “Lúc đó, tôi có biết chi là cách mạng. Ban đầu, cứ để yên xem chúng nó làm sao” - ông Trần Chí Thành nhớ lại. Sự chờ đợi của Bảy Thành và một số bạn bè đồng trang lứa đã được trả lời bằng chính sách thù địch của bọn tay sai.

Dẫu đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ông Thành vẫn không thể nào quên hình ảnh chúng chôn sống đồng chí Cao Thời (cán bộ kháng chiến được phân công ở lại sau năm 1954) tại Gò Dưa, thuộc ấp Thạnh Mỹ (Tam Đàn, Phú Ninh). Bọn công an ngụy bắt trói hai tay anh Thời gập vào ngực, sau đó đào hố thả xuống rồi lấp đất. Chưa hết, tối đến, đám phản bội, công an còn bới xác lên bí mật đem đi chôn chỗ khác. Từ đó, Bảy Thành nhận thấy chế độ bọn này rất tàn ác. Anh cùng các bạn giữ trâu là Bảy Cừ, Nguyễn Cung “lập nhóm ghét chính quyền”, kiếm chuyện nói xấu chúng. Bấy giờ, tại những nơi công cộng, bọn hội đồng xã viết khẩu hiệu ca ngợi Diệm: “Non sông nghiêng ngửa hai vai gánh/ Đất nước chung vui một mái chèo”. Nhóm của Bảy Thành lợi dụng đêm tối, bí mật sửa thành “Non sông nghiêng ngửa hai vai gánh đất/ Nước chung…”.

Ban đầu chỉ những nhận thức phản kháng giản đơn như vậy, nhưng tội ác của chính quyền tay sai gây ra cho nhân dân đã vô tình chuyển hóa thành ý thức hệ cách mạng trong đầu những thanh niên như Bảy Thành, Nguyễn Cung, Bảy Cừ... “Đây chính là lý do thất bại đầu tiên của Ngô Đình Diệm, chúng đã làm mất lòng dân ngay từ khi vừa tiếp quản” - ông Trần Chí Thành nhận xét. Cũng từ đấy, Bảy Thành chính thức tham gia hoạt động cách mạng hợp pháp, làm giao liên cho các đồng chí Đinh Huynh (Phó Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ), Đinh Thanh Trường là cán bộ được phân công ở lại sau năm 1954. “Mặc cho địch lê máy chém khắp mọi nơi, bọn mật thám ra sức truy lùng cán bộ nằm vùng của ta ở mọi ngõ ngách, thôn xóm, nhưng tôi đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao, sống hợp pháp trong lòng địch, vượt qua sự kiểm soát của quân thù, chuyển được thư từ bí mật của các đồng chí lãnh đạo Tam Kỳ đến các địa điểm, cơ sở quy định an toàn” - ông Trần Chí Thành nhớ lại những ngày tháng đen tối của cách mạng miền Nam. Có lần, Bảy Thành nhận nhiệm vụ chuyển một phong thư đựng tài liệu “tuyệt mật” của đồng chí Huyện ủy viên Đinh Thanh Trường gửi cho một cơ sở cách mạng ở xã Kỳ Hương (Tam Kỳ) bị địch nghi ngờ theo dõi. Anh may mắn phát hiện kịp, bình tĩnh giả vờ dừng xe lại, ngồi xuống đất, khom người nhai nuốt hết tài liệu. Sau đó làm như không có chuyện gì xảy ra, Bảy Thành thản nhiên đạp xe đi tiếp, nhưng được khoảng vài chục mét thì bị bọn cảnh sát ách lại lục soát khắp người. Chúng tra hỏi hăm dọa song không phát hiện được gì, buộc phải thả cho đi. Khi về báo cáo lại, Bảy Thành được đồng chí Đinh Thanh Trường cho biết đó là một chỉ thị rất quan trọng của cấp trên truyền đạt cho cơ sở, nếu tài liệu này lọt vào tay địch sẽ rất nguy hiểm đến cơ sở và phong trào.

Cũng trong giai đoạn đầu tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng hòa, các gia đình có liên quan với cách mạng đều bị tay chân của Ngô Đình Diệm bắt tập trung đi quản thúc để giám sát, cách ly, không cho tiếp tế, quan hệ với cán bộ nằm vùng. Mẹ và anh của Bảy Thành cũng bị chúng bắt đi. Do đó, tính mạng của cán bộ bị đe dọa nghiêm trọng. Hàng ngày, việc tiếp tế cơm nước ra hầm bí mật ở bìa rừng cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Trước tình trạng trên, Bảy Thành trăn trở suy tính làm sao vừa giữ được phong trào, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, tổ chức và đặc biệt là các đồng chí cán bộ. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, anh quyết định  phải bố trí các anh ấy ở bí mật trong nhà. Nói là làm, Bảy Thành sửa lại gian thờ ông bà làm hầm bí mật để nuôi cán bộ. Nhờ có gian thờ vừa kín đáo vừa bất ngờ, vừa thông thoáng này nên đồng chí Đinh Thanh Trường cùng một số cán bộ khác trú ẩn suốt thời gian dài mà địch không phát hiện ra.

Sự trưởng thành của Bảy Thành đã lọt vào tầm ngắm của đồng chí Nguyễn Xuân Cúc (còn gọi là Cúc Vọng), Huyện ủy viên Tam Kỳ. Đồng chí Cúc đã trực tiếp gặp gỡ, bồi dưỡng nghiệp vụ và giao công việc cụ thể cho anh xây dựng cơ sở cách mạng cốt cán và cơ sở trong lực lượng tề ngụy. Bằng sự nhanh nhẹn, tháo vát của mình, Bảy Thành từng bước tiếp cận đối tượng. Chỉ một thời gian ngắn, trong điều kiện phong trào cách mạng ở Quảng Nam bị địch đánh phá ác liệt, anh đã xây dựng được ở Kỳ Thịnh 10 cơ sở (trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn là cảnh sát trưởng ngụy quyền xã Kỳ Thịnh, một cơ sở rất tích cực của ta), xã Kỳ Lý 15 cơ sở, xã Kỳ Hương 20 cơ sở. Nhờ lực lượng này, phong trào quần chúng tham gia cách mạng vẫn được giữ vững ngay trong lòng địch.

Từ nhận thức giản đơn “ghét chính quyền” vì chúng tàn ác, đến trở thành một giao liên thông minh, gan dạ; một cơ sở kiên trung của Huyện ủy Tam Kỳ, Trần Chí Thành đã từng bước trưởng thành cả về mặt tư tưởng trên con đường hoạt động cách mạng của mình. Để rồi sau đó, người ta biết đến anh với vai trò là Đội trưởng Đội Công tác vũ trang tuyên truyền Tỉnh đường Quảng Tín, Bí thư Thị ủy Tam Kỳ, người tổ chức những trận đánh xuất quỷ nhập thần khiến cho địch mất ăn mất ngủ.

________
Kỳ 2: Theo chân người đội trưởng

NGUYỄN SỸ LONG

NGUYỄN SỸ LONG