Người quyết giữ Hòn Giang - Bài cuối: Trận chiến Hòn Giang

THANH TƯỜNG 07/11/2013 08:34

Trong trận chiến Hòn Giang, dù bị thương, cận kề với cái chết nhưng Vũ Công Đích vẫn chỉ huy chiến đấu kiên cường, quyết giữ chốt đến cùng.

  • Người quyết giữ Hòn Giang - Bài 1: Nuôi chí hờn căm

Tháng 7.1974, Tiểu đoàn 70 đánh ở Hòn Giang ròng rã cả ngày trời. Sau khi chiếm chốt, chỉ huy Tỉnh đội giao cho Đại đội Công binh chốt giữ. Đích cùng các đồng chí May, Tôn, Bình và một đồng chí thông tin trực tiếp giữ chốt, do anh làm tiểu đội trưởng. Trước khi vào trận, bà con làng Xuyên Trà (Quế Xuân), thôn 3 (Phú Hương) cõng gạo, cõng đạn, tiếp sức cho các chiến sĩ rất chu đáo. Đích và anh em thật sự xúc động trước sự quan tâm lo lắng của người dân địa phương và càng tự hào vì mình được về chiến đấu chốt giữ giữa lòng dân. Riêng đối với Đích, cha và các anh hy sinh, đồng đội tổn thất, nỗi đau này đã thấm vào máu thịt tim gan của mình nên anh đã nguyện thề rằng còn cái áo rách cũng chiến đấu đến cùng.

Ngày 8.7.1974, khoảng 8 giờ sáng, Tiểu đoàn 1 thuộc Sư đoàn 2 biệt động quân ngụy từ ngã tư đường xe lửa gần đập Khe Gũ đổ ra đông như kiến. Đến 9 giờ sáng, chúng hò hét tiến lên nhằm chiếm lại Hòn Giang. Đích bình tĩnh chỉ huy anh em chống trả. Anh cùng đồng đội dùng súng trường, đại liên, lựu đạn, B40, B41 tấn công tiêu diệt nhiều tên, làm tan rã đội hình địch. Sau khi rút lui, địch cho pháo ở Núi Quế, Chu Lai, Trà Kiệu nã liên tục gần 2 tiếng đồng hồ hòng băm nát Hòn Giang. Bom giày đạn xới, Bình mất tinh thần, đòi bỏ chốt. Bình nói với Đích: “Anh có bắn tôi cũng xuống”. Đích vận động thuyết phục mãi nhưng Bình sợ quá không nghe, bỏ chốt. Đồng chí May và chiến sĩ thông tin bi quan bảo: “Chừ anh tính sao chứ tôi bị ép bom, lại đau đầu gối nữa, không chạy được”. Đích bảo: “Còn lương khô tụi bay ăn đi, chờ chúng lên, mình đánh trận nữa rồi bay xuống trước, tau xuống sau”.

Pháo địch chuyển làn, đội hình chúng tiếp tục tràn lên nhưng đều mắc phải sự kháng cự mãnh liệt. Thấy tình thế không thể chiếm chốt được, chúng liền gọi 4 máy bay phản lực lên ném bom hòng thiêu trụi ngọn đồi. Ngưng ném bom, quân địch lại tràn lên quyết tâm chiếm chốt, nhưng không ngờ sự phản công của ta lại càng quyết liệt hơn. Chiến đấu với địch đến 12 giờ trưa, đồng chí Tôn không may trúng đạn hy sinh. Tiếp đó, lúc 1 giờ chiều, đồng chí May bị địch bắn tỉa. Đích trườn lên lôi May xuống thì bị đạn bắn sớt qua đầu. Tai phải bị sứt, máu ra đầm đìa, anh tự băng bó quanh đầu chỉ để lòi 2 con mắt. Đồng chí thông tin vẫn ở trong hầm giữ máy PRC25, ngoài trận địa chốt giữ chỉ còn mỗi mình Đích. Địch tiếp tục tràn lên, Đích dùng lựu đạn kháng cự mãnh liệt. Giao thông hào bao quanh chốt nhưng thực tế anh không ở dưới đó mà di chuyển bên ngoài để cơ động đánh địch, nên bao nhiêu đạn pháo dồn vào giao thông hào đều vô hiệu quả. Khi địch tràn lên chiếm chốt tấn công vào giao thông hào thì bị Đích dùng lựu đạn tiêu diệt dễ dàng. Đặc điểm của chúng là ào lên một cánh, anh nắm được điểm này nên cơ động qua lại, dùng lựu đạn chặn cắt đội hình và bắn nghi binh lừa địch, khiến chúng không đoán được đội hình giữ chốt của ta còn bao nhiêu người và ở đâu...

Liên tiếp tấn công vẫn không chiếm được chốt, đến 7 - 8 giờ tối địch đành phải lui quân co cụm về đường xe lửa để bảo toàn lực lượng. Sau trận chốt giữ Hòn Giang, qua sáng hôm sau, Đài Phát thanh Mặt trận giải phóng có bài khen ngợi “Ba người chốt giữ kiên cường” là anh Đích cùng các đồng chí Tôn, May. Sau trận đánh, Đại đội Công binh lo mai táng đồng đội, đưa Đích đi Bệnh viện CK42 Tỉnh đội, rồi đưa đi Bệnh viện C17. Sau 1 tháng, vết thương được chữa lành, Đích trở về đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu.

“Vua Mìn”

Sau ngày giải phóng, Đại đội Công binh được điều động về đứng chân tại xã Tam Ngọc (Tam Kỳ). Đích giữ chức Tiểu đội trưởng, chỉ huy rà phá bom mìn từ đường Trà My xuống Tam Kỳ, ngã ba Ngọc Khô và sân bay Chu Lai. Tiếp tục hành trình dò gỡ bom mìn, Đích cùng đơn vị hành quân về chốt Lùm Đình (chợ Gò, Phú Diên). Đồn này, giải phóng năm 1975 địch bỏ chạy hết. Gần 300 quả mìn ba càng, mìn ríp và mìn cải tiến (81, 60) ken dày không ai dám đụng tới. Đích được đơn vị giao gỡ số mìn này. Trọng trách khá nặng nề, anh bình tĩnh tìm phương án tối ưu. Quan sát kỹ, anh thấy rằng muốn lấy được 1 quả mìn 3 càng nhất thiết phải lấy 2 quả mìn ríp 2 bên. Còn mìn 81, 60 chúng treo lơ lửng trên bờ rào, phía dưới chúng để 2 hòn gạch chờ sẵn, nếu lấy 1 đầu thì đầu kia mìn rớt xuống chạm vào gạch sẽ nổ. Đích bình tĩnh quan sát, lấy 2 đầu dây cước mà chúng treo trái mìn cải tiến quấn vào dây kẽm gai, lấy ghim chốt an toàn rồi gỡ. Đích kiên trì gỡ cả  một ngày trời, rồi dồn cả thảy lại nổ hủy luôn lượt. Tiếp đó, chỉ huy đơn vị cử Đích đi gỡ mìn tăng khu vực dọc đường lộ từ Tiên Phước xuống Tam Kỳ. Cả thảy 25 quả, mỗi quả mìn tăng kèm theo 2 quả mìn ríp. Phát hiện mìn, anh xăm thuổng quanh, lấy mìn ríp 2 bên rồi mới gỡ mìn tăng.

Rà phá bom mìn xong, đơn vị sáp nhập vào Đại đội 19 Công binh Hải Vân thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đứng chân tại Hòa Nam, có nhiệm vụ rà phá bom mìn ở Nam Ô, Hòa Khánh; Hòa Hải, Non Nước (Đà Nẵng). Hàng nghìn quả bom mìn các loại của địch và ta đều được gỡ dọn sạch, trả lại mặt bằng cho dân xây dựng và sản xuất.  Với tài dò gỡ mìn, Vũ Công Đích được đồng đội gọi là “Vua Mìn”.
Tháng 10.1977, vì hoàn cảnh gia đình, Vũ Công Đích xin nghỉ chế độ phục viên, về làm an ninh thôn, rồi hoạt động trong Hội Cựu chiến binh xã Quế Phú.

THANH TƯỜNG

THANH TƯỜNG