Đại đội trưởng anh hùng (tiếp theo và hết)
|
Năm 1970, toàn đơn vị được lệnh xốc quân tinh gọn vượt đường 1 xuống đánh đồn Nghĩa Hòa (Bà Năng). Đánh đồn Nghĩa Hòa, ta không thể kiểm tra chuẩn bị trước được vì địch đóng đại đội trên một mỏm cát, chung quanh cát trắng mênh mông. Địch bố phòng ngăn chặn quân ta bằng 6 lớp rào kẽm gai đơn và hàng rào bùng nhùng, một lớp rào bằng tre cây mứt nhọn đóng tréo, kẹp chặt bằng 3 lớp kẽm gai. Một phương án tác chiến mới của đơn vị Đặc công V16 được hình thành, từ suy nghĩ táo bạo của Đại đội trưởng C1 Ngô Viết Hữu: Dùng dầu phụng bôi lên toàn thân rồi vùi cát dính, đó là cách ngụy trang phù hợp và tốt nhất. Sau đó hành quân áp sát, chọn hướng bí mật tiềm nhập, xác định đến đâu không thể bí mật được nữa hoặc lộ thì phá rào vượt vật cản, chuyển từ mật tập qua cường tập.
Kế hoạch được triển khai trong một đêm sương mù dày đặc. Đến 4 giờ sáng, quân ta hoàn toàn áp sát, địch không hề hay biết. Lợi dụng sương mù, đồng chí Hữu nắm tổ thọc sâu đột nhập vào lô cốt chỉ huy địch đánh bộc phá cũng là lệnh cho toàn trận địa đồng loạt cấp tập phủ đầu địch. Quá bất ngờ không kịp trở tay chống đỡ cũng không kịp chạy thoát, chỉ 10 phút sau ta diệt gọn đại đội địch, thu vũ khí. Trời cũng vừa hừng đông, đồng chí Hữu nhanh chóng kiểm tra, xốc lại đội hình rồi hình thành phương án tác chiến tiếp theo. Anh quán triệt cho đơn vị: Giờ ta ở giữa lòng địch, trời đã sáng nên việc rút lui an toàn là không thể, nếu ra ngoài không lợi dụng lô cốt địch để phòng thủ và tận thu vũ khí địch để đánh địch thì sẽ gặp tổn thất lớn.
Triển khai xong đã là 7 giờ sáng. Lúc này 1 chiếc máy bay trực thăng địch từ Tuần Dưỡng bay xuống để kiểm tra khảo sát lại đồn Nghĩa Hòa đêm qua bị tấn công. Hữu ra lệnh bí mật sẵn sàng và đợi lệnh. Chiếc trực thăng địch đảo 2 vòng cao và rộng rồi thu hẹp hạ thấp, thấy yên tĩnh nên dường như muốn hạ cánh ngay đồn. Đồng chí Hữu bắn loạt đạn đầu tiên, chiếc trực thăng lảo đảo, chòng chành rồi bốc cháy rơi về hướng Hà Lam. Đến 9 giờ sáng, địch cho 7 xe tăng và xe bọc thép từ hướng Hà Lam dàn hàng ngang tiến xuống đồn Nghĩa Hòa, vừa đi vừa hạ nòng súng bắn vãi đạn. Lần này đồng chí Hữu vẫn yêu cầu toàn đội bí mật đến cùng, sẵn sàng đợi lệnh. Đồng chí lấy khẩu B40 và quyết định sẽ bắn xe đi đầu, phân 3 khẩu B40 còn lại bắn 3 chiếc tăng khác. Địch vừa tiến vừa bắn, còn khoảng hơn 100m, Hữu bắn phát đạn đầu tiên, chiếc M113 bùng cháy, 3 khẩu B40 còn lại bắn tiếp làm 1 chiếc cháy, chiếc khác đứt xích. Thế là toàn bộ bọn địch và xe còn lại quay đầu tháo chạy.
Đại đội trưởng Hữu nhận định tiếp, qua 2 lần kiểm tra phản công đều bị thất bại, địch có thể cho rằng ta chiếm đồn cố thủ nên sẽ dùng bom pháo để hủy diệt. Anh ra lệnh bí mật lợi dụng địa hình rút về men sông áp sát làng dân để tránh bom pháo. Khi ta áp sát làng, nhân dân đã bỏ đi lánh nạn từ sớm nên không có vấn đề gì xảy ra. Đợi tối, đồng chí tổ chức bám địch vượt đường đưa chiến sĩ bị thương (1 người) và đơn vị về lại căn cứ an toàn.
Đến cuối năm 1970, do yêu cầu nhiệm vụ, cấp trên điều đồng chí Hữu về Ban Đặc công Tỉnh đội Quảng Nam. Đầu năm 1972, theo chỉ đạo, toàn chiến trường mở chiến dịch rộng lớn liên tục gây sức ép để đàm phán ở Hội nghị Paris giành thắng lợi. Mở đầu chiến dịch, đơn vị C1, V16 Đặc công được giao chủ công tập kích địch ở đồn Chà Vu, Tam Phước, Bắc Tam Kỳ. Đồng chí Hữu được phân công giúp đơn vị chuẩn bị chu đáo nhiều chốt điểm, trong đó có Chà Vu. Phương án tác chiến được phê duyệt, nhưng trước giờ G của trận đánh 6 tiếng đồng hồ, địch bất ngờ điều 1 đại đội đóng từ đồn Ông Dương lên tăng cường cho đồn Chà Vu. Tin từ trinh sát báo về, chỉ huy đơn vị còn đang nghiên cứu thảo luận thì đồng chí Hoàng Minh Thắng và đồng chí Đỗ Thế Chấp chỉ huy Tỉnh đội trực tiếp xuống đơn vị có đồng chí Hữu đi cùng.
Kiểm tra củng cố tư tưởng và quyết tâm bổ sung phương án từ diệt gọn 2 đại đội lên diệt gọn 3 đại đội địch, chỉ huy Tỉnh đội có chút phân vân về người chỉ huy trận đánh thì đồng chí Hữu đề xuất ý kiến xin được trực tiếp chỉ huy. Cấp trên đồng ý, đồng chí Hữu bắt tay ngay vào quán triệt cho chi bộ, chi đoàn, quân nhân xác định toàn bộ trận đánh không thay đổi chiến thuật, trang bị binh lực, hỏa lực. Và khẳng định, tuy địch có tăng cường nhưng quân mới bổ sung điều kiện bố trí, phòng ngự chưa thể thay đổi kịp, hỏa lực địch không thể phát huy tối đa.
Đúng 1 giờ sáng ngày triển khai trận đánh, toàn bộ các mũi quân của ta đã chiếm lĩnh áp sát lớp rào cuối cùng trận địa địch. Đúng giờ G, đồng chí Hữu ra lệnh thọc sâu thì mũi trưởng quay lại báo xin thêm ít phút. Đồng chí Hữu quay lại nói sẽ vừa thọc sâu vừa chỉ huy chung, nếu để chậm sẽ mất thời cơ. Nói xong, đồng chí quay lại ra hiệu toàn tổ theo mình lách qua nhiều lớp địch canh gác trong màn sương đêm. Trong tích tắc, từ trung tâm lô cốt chỉ huy địch phát ra tiếng nổ vang trời, cũng là lệnh cho toàn trận địa bung lên theo hướng vị trí đã phân công đánh phủ đầu áp đảo. Toàn bộ hỏa lực địch bị tê liệt, không một tên địch nào chống cự, sau vài phút ta làm chủ hoàn toàn mỏm A đồi Chà Vu. Phát hiện mỏm đồi B địch còn lẹt đẹt bắn trả, đồng chí Hữu nắm tổ vượt thẳng mỏm B để chi viện, tiêu diệt gọn quân địch. Thắng lợi vang dội, tin vui vừa đến, chỉ huy sở Tỉnh đội có lệnh lui quân. Trên đường rút quân của ta, bất ngờ địch phản kích bằng pháo, một tin buồn đau nhói cắt lòng cán bộ, chiến sĩ Đại đội C1 cũng như toàn bộ đơn vị V16 và chỉ huy sở: đồng chí Ngô Viết Hữu đã anh dũng hy sinh...
Đại đội trưởng Ngô Viết Hữu hy sinh trong khi tuổi đời mới vừa tròn 23. Đây là tổn thất lớn của gia đình và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam. Đồng chí hy sinh để lại bao bài học về lòng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo cho binh chủng đặc công nói chung, tạc ghi dấu ấn khó phai mờ trong truyền thống anh hùng của Đơn vị V16 Đặc công Tỉnh đội Quảng Nam. Tháng 6.1976, đồng chí Ngô Viết Hữu được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
THANH TƯỜNG
(Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Văn Vân)