Bác sĩ Thu Hà với Bệnh xá Quế Sơn (Tiếp theo và hết)

PHẠM THÔNG 11/09/2013 08:27

  • Bác sĩ Thu Hà với Bệnh xá Quế Sơn
  • Bác sĩ Thu Hà với Bệnh xá Quế Sơn (Tiếp theo kỳ trước)

Bác sĩ Thu Hà cẩn thận thoát lên trước. Kinh nghiệm chiến trường cho chị biết, sau khi rút, địch thường gài lại lựu đạn ở miệng hang. Chị bình tĩnh lần dò đến các hang khác có thương binh ẩn nấp. May rằng chúng không phát hiện thêm hầm nào; chúng cũng không tìm được kho chứa thuốc, chứa lương thực, thực phẩm. Chị liền chạy đến nơi giấu chị Xuân. Thu Hà nghe những người nấp ở hang gần đó kể lại, đồng chí Xuân chửi bọn địch và hô khẩu hiệu trong khi chúng xả súng giết chị. Là người chỉ huy cao nhất của bệnh xá, nhưng không thể đưa chị Xuân lánh khỏi sự truy sát dã man của giặc, bác sĩ Thu Hà vô cùng đau xót. Nhìn về phía khu vực đầu dốc, thấy cả một đống tro của 7 chiếc ba lô đồ đạc bị địch đốt cháy trụi, chị thầm nghĩ, thế là tất cả đã trắng tay. Riêng chị cũng không còn một chút tư trang nào ngoài bộ quần áo đang mặc trong người.

Chị tự an ủi rồi đi thẳng về phía suối rửa mặt, rửa bụi khói phủ kín người. Một mình ngồi trên tảng đá ven suối, nước mắt chị tuôn trào, người mệt lã, bụng đói rát rạt. Gạt nước mắt, chị quay lại tập trung mọi người nhanh chóng ổn định tư tưởng, tiếp tục những công việc gấp gáp của một bệnh xá thời chiến như: phân loại thương tích; chuẩn bị đưa thương binh xuống hầm mổ; chuẩn bị đèn măng-sông thắp sáng khi mổ; lo thuốc men, vô trùng dụng cụ; hội chẩn để trị thương... Hoàn cảnh khó khăn buộc thầy thuốc và bệnh nhân phải cùng nỗ lực để vượt qua tất cả. Bác sĩ Thu Hà rất cảm phục nhiều đồng chí thương binh vô cùng dũng cảm chịu đựng để chị thực hiện những động tác phẫu thuật không có thuốc gây mê. Các đồng chí ấy nghe được, cảm nhận được các động tác phẫu thuật, quá trình loại bỏ một bộ phận cơ thể của mình với sự rung chuyển đau đớn đến tim gan.

Lo túi bụi công việc chung, đến  khuya bác sĩ Thu Hà mới ra suối tắm, giặt bộ quần áo duy nhất còn lại, vắt thật khô rồi mặc luôn. Không có võng, chị phải nằm sạp; không tấm đắp, lạnh tê; không màn, muỗi đốt ngứa ngáy, thức suốt. Ngủ không được, nằm điểm lại, chị thấy đã mất nhiều thứ rất quý. Đặc biệt là đã mất hết những lá thư của anh Điền, người yêu đầu đời của chị.  Một xấp thư dày, chứa chan tình cảm của người yêu lâu nay được chị gìn giữ cẩn thận. Điền là một nghệ sĩ tài hoa được cử về chiến trường khu 5, chưa phục vụ nhân dân được bao nhiêu đã không may chết trong một vụ tai nạn nổ lựu đạn bên bờ sông Trường, Trà My. Nghe tin anh mất, chị như rơi từ trên đỉnh núi xuống vực thẳm. Chị đau khổ suốt nhiều năm. Tình yêu của Điền và chị là tình yêu lãng mạn của đôi trai gái tiểu tư sản nhưng tươi rói, trong veo như tình sông núi được cô đặc lại thành tình cảm lứa đôi thời chinh chiến. Chị luôn ám ảnh về mối tình đẹp và trong sáng ấy. Thế rồi tháng năm đời cũng vuông tròn và lệ cũng dần bớt hoen mi. Người phụ nữ giàu nghị lực Thu Hà đã chiến thắng bản thân, toàn tâm lao vào cuộc chiến đấu mà trong đó chuyện sống chết, lành lặn của từng con người đang phụ thuộc vào sự xử lý nhanh nhạy của chị. Hơi thở gấp gáp của cuộc sống thời chiến không cho phép chị dừng lại quá lâu với những suy tưởng, ước mơ nhỏ hẹp...

Từ năm 1966 mãi tới năm 1974, tám năm chiến trường, nhất là thời gian hơn 6 năm phụ trách Bệnh xá Quế Sơn, bác sĩ Thu Hà đã chỉ đạo và trực tiếp chữa trị cho hàng nghìn thương bệnh binh. Cùng với tập thể các thầy thuốc, nhân viên bệnh xá, chị dìu dắt thương bệnh binh lánh trớ hàng chục cuộc càn quét của địch... Và tại đây, bác sĩ Thu Hà đã chứng kiến biết bao hành động anh hùng của cán bộ chiến sĩ; chia sẻ với vô số hoàn cảnh đau thương giữa cuộc chiến này. Tất cả luôn khắc ghi nơi sâu thẳm nhất tâm hồn chị, luôn ám ảnh trong giấc mơ đời chị.

Tháng 5.1974, bác sĩ Thu Hà được lệnh của Ban Dân y khu 5 ra miền Bắc học tập, đào tạo thêm. Về gặp mẹ, chị kể lại chuyện chiến trường, bỗng mẹ khóc òa khi nghe tư trang của con bị giặc đốt cháy trong một trận càn chỉ còn lại mỗi bộ quần áo mặc trên người, sau nhiều ngày nhờ đồng bào, đồng chí gửi cho mới có để thay. Bà nghẹn ngào thốt lên: “Mẹ biết con vào chiến trường là hứng chịu sự hy sinh, nhưng mẹ không thể ngờ tới con gái của mẹ gian khổ đến mức thế này”. Chị phải động viên mẹ: “Con gái của mẹ về được là quý rồi. Đặng Thùy Trâm là bạn học của con cùng vào Nam với con, nhưng Trâm đã ra đi vĩnh viễn tại chiến trường Quảng Ngãi rồi. Thôi mẹ đừng khóc vì con nữa. Bà con miền Nam còn phải tiếp tục hy sinh nhiều lắm mẹ ơi!”.

Bây giờ bác sĩ Thu Hà đã 72 tuổi, về thăm lại Quế Sơn, gặp lại đồng đội, ôn lại quãng đời dữ dội mà ý nghĩa tại Bệnh xá Quế Sơn, chị rưng rưng tâm sự:

- Tôi đã già rồi, lại sinh sống với gia đình mãi tận thành phố Nha Trang, cách xa Quế Sơn quá, chẳng làm được gì hơn cho đồng chí, đồng nghiệp. Thu Hà này sống được cho tới ngày hòa bình là nhờ sự che chở, bảo vệ của đồng chí, đồng nghiệp, của Chi bộ Bệnh xá và Huyện ủy Quế Sơn. Ơn nghĩa ấy tôi có thể nào quên. Sự hy sinh của các chiến sĩ, của các thầy thuốc trong kháng chiến hết sức lớn lao. Tôi mong rằng các đồng chí lãnh đạo Quế Sơn xây dựng Tượng đài Bệnh xá Quế Sơn, trong đó có ghi đầy đủ tên tuổi và công lao của các chiến sĩ ngành y toàn huyện đã một thời cống hiến cho kháng chiến. Đó là tấm lòng tưởng nhớ của hậu thế, là di tích lịch sử giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu, là biểu tượng nhắc nhở những người thầy thuốc ngày nay và mai sau luôn phải học tập, noi gương những liệt sĩ, những chiến sĩ thầy thuốc Quế Sơn năm xưa đã trọn đời hy sinh cho sự nghiệp nhân đạo cao cả của ngành y, góp phần giành lại độc lập, tự do cho quê hương, dân tộc.

PHẠM THÔNG

PHẠM THÔNG