Bác sĩ Thu Hà với Bệnh xá Quế Sơn

PHẠM THÔNG 09/09/2013 07:59

Năm 1968, bác sĩ Bệnh xá trưởng Hoàng Vân đang giảng bài cho lớp y tá xã thì bom Mỹ thả trúng khu vực bệnh xá, anh hy sinh. Ban Dân y Quảng Nam điều bác sĩ Thu Hà về phụ trách Bệnh xá Quế Sơn. Việc đưa một nữ bác sĩ sức vóc yếu mềm về phụ trách bệnh xá tại một chiến trường ác liệt là quyết định táo bạo của lãnh đạo, song cũng phát sinh vài ý kiến lo ngại. Riêng Thu Hà, chị rất tự nguyện, tự tin đi về phía tuyến lửa.

Trở về phục vụ tại chiến trường miền Nam là ước mơ của Thu Hà khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Y Hà Nội. Và, đã vào chiến trường rồi thì Thu Hà có sá chi phận nữ nhi, trước mặt chị bây giờ là một bệnh xá với cả trăm thương bệnh binh đang cần sự sống. Với tấm bằng bác sĩ trên tay, với trách nhiệm đảng viên, lại là người chỉ huy cao nhất ở đó, chị tự nhủ phải kiên cường mà bước tới.

Từ Ban Dân y tỉnh đóng ở vùng rừng núi Tiên Lãnh, Thu Hà lên đò Trạm ông Sắn vượt sông Tranh qua Phước Gia, Phước Trà đến Cây Gỗ Vuông (một địa danh ở chiến khu Quảng Nam) rồi băng xuống Đồng Làng - nơi Bệnh xá Quế Sơn đóng. Đường không xa, nhưng đâu được suôn sẻ. Thu Hà phải bám sát giao liên để lách những nơi thường có Mỹ lết phục kích, tránh trớ tàu rọ tàu gáo, mãi hai ngày trời mới tới nơi.

Về Bệnh xá Quế Sơn, Thu Hà cùng đồng chí Phan Như Lâm là một thanh niên rất năng nổ vừa mới đề bạt làm Chính trị viên đơn vị giải quyết một số vấn đề hậu sự còn lại cho đồng chí Hoàng Vân. Mẹ của Hoàng Vân mới mất vì pháo giặc trước đó mấy tháng. Đồng chí là người cuối cùng của gia đình ngã xuống trong cuộc chiến này. Bây giờ gia đình Hoàng Vân không còn người để thờ phụng. Trong làn hương khói giữa rừng núi âm u, Thu Hà khấn vái mong cho linh hồn Hoàng Vân siêu thoát, mong anh bình an nơi chín suối. Trong thời khắc tổn thất đau thương, Thu Hà động viên mọi người tập hợp lực lượng, xốc lại đội hình tiếp bước anh Hoàng Vân.

Địch đã định vị để ném bom “tọa độ” vùng này. Xong những việc cần thiết, Thu Hà cùng với các đồng chí trong Chi ủy chỉ đạo mọi người dìu dắt thương bệnh binh cấp tốc đến nơi ở mới. Trú chân ở chỗ mới một thời gian, Thu Hà nhận thấy bệnh xá tuyến huyện mà nằm sâu trong chiến khu, an toàn nhưng không đáp ứng được yêu cầu cấp bách của chiến trường. Đánh nhau liên miên, bom pháo ngút trời, cả huyện ngày nào mà không có người bị thương. Thế nhưng buồng thương luôn ít bệnh nhân. Đường từ vùng đông, vùng Trung Quế Sơn lên tới Bệnh xá huyện quá xa, cáng thương, cáng bệnh rất nguy hiểm. Vì thế dẫu với trình độ y tế thấp, phương tiện thuốc men sơ sài họ cũng đành để lại chữa trị tại chỗ còn hơn đưa đi chưa tới bệnh xá mà đã chết dọc đường vì bom pháo, vì phục kích, vì lũ cuốn trôi...

Trước tình hình như vậy, bác sĩ Thu Hà bàn với Chi bộ gặp lãnh đạo huyện để trình bày ý định xin dời bệnh xá về thung lũng Quế Sơn. Cho dù về vùng trung gần các căn cứ của địch, tình hình ác liệt hơn nhiều, nhưng điều quan trọng nhất là ngành y phải phục vụ hết mình cho kháng chiến; lương y trong thời chiến phải bằng mọi giá phải chia sẻ nỗi đau của đồng bào, đồng chí. Quyết tâm cùng với sự phân tích các mặt lợi - hại của lãnh đạo bệnh xá đã thuyết phục các đồng chí lãnh đạo huyện đồng ý cho dời Bệnh xá Quế Sơn về vùng trung.

Đến chân núi phía đông nam dãy Bằng Thùng, thấy thế núi nơi đây khá hiểm lại có nhiều hang đá mà các đồng chí hoạt động trong thời bí mật đã từng làm căn cứ; qua tham khảo ý kiến của cán bộ địa phương, lãnh đạo bệnh xá quyết định chọn nơi này làm địa điểm đóng quân. Với tinh thần trụ lại lâu dài, sau khi căng tăng cho thương bệnh binh trú tạm, 18 cán bộ nhân viên bệnh xá lao vào thực hiện các nhiệm vụ cần kíp nhất. Như những lần dời cơ quan trước, một số đồng chí lo chặt cây làm hầm trú ẩn, làm hầm phẫu thuật, làm lán trại, làm sạp nằm cho thương bệnh binh, đào bếp Hoàng Cầm... Một số đồng chí đi đồng bằng, hoặc lên “đường dây Xã hội chủ nghĩa” ở tận biên giới Lào cõng gạo, cõng thuốc.

Người ở nhà phải làm việc bằng ba bằng bốn để dành thêm nhiều nhân lực cho công việc gùi cõng hàng hóa. Họ phải làm việc rất vất vả, một thân chia làm ba, vừa phục vụ công tác chuyên môn, vừa lao động xây dựng bệnh xá, vừa cảnh giới địch, luôn trong tư thế sẵn sàng đưa thương bệnh binh đi lánh càn... Còn người đi gùi cõng là lãnh trách nhiệm nặng nhọc và nguy hiểm. Đưa được cân gạo, cân muối, cân mắm cái, bịch xì dầu, thùng dầu ăn, gói mỳ, lọ thuốc... về tới bệnh xá là đổi bằng nước mắt, mồ hôi và máu...

Trong những năm 1969 - 1972, cuộc chiến ở đỉnh điểm ác liệt, địch vây riết khắp các nẻo đường. Nhiều lúc thuốc ống, thuốc tiêm, hóa chất lấy từ đường dây Bắc Nam về hoặc móc mấu từ đồng bằng lên ngày càng khó. Thu Hà cho các đồng chí dược tá đi sưu tầm cây lá để rửa vết thương, xà phòng không có phải dùng nước tro giặt gạc, giặt băng, bôi mặt vết thương sạch mủ bằng mật ong rừng, súc các ổ áp-xe bằng nước muối, nước trầu không...

Lương thực thực phẩm cũng cạn kiệt. Thu Hà không nỡ phân công anh chị em tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ tiếp tế cho đơn vị. Vì phân công các đồng chí đi gùi cõng là gần như đưa những em còn quá non tơ vào chỗ chết. Có lần chị về thăm gia đình của một đồng chí trong đơn vị, mẹ đồng chí có ý trách, Thu Hà nói trong nước mắt: “Dì thông cảm, ngày nào cũng vậy dù là chẵn hay lẻ thì cách mạng cũng cần đến các cháu. Mong dì hiểu cho...”. Nói là vậy, nhưng trong lòng Thu Hà vẫn thầm vái: “Thành, Thách, Kim, Thương...ơi! Các em đẹp trai đẹp gái của chị ơi! Hãy tha lỗi cho chị nhé. Cuộc chiến này còn lâu dài, sống chết là việc vô thường, biết đâu chị cũng sẽ đến gặp các em. Cái chết của chúng ta như vệt sao băng giữa trời, sau này biết có ai còn nhớ không, nhưng tất cả thế hệ của chúng ta hôm nay vẫn luôn sẵn sàng nằm xuống cho đất nước đứng lên”.

(Còn nữa)

PHẠM THÔNG

PHẠM THÔNG