Nhớ những ngày khói lửa

NGUYỄN HẢI TRIỀU 08/08/2013 08:47

(Tiếp theo và hết)
Đến mờ sáng, dọc theo các ngả đường làng tôi đã thấy thấp thoáng bóng các anh giải phóng quân quần áo xanh rừng, đầu đội mũ tai bèo chạy đi chạy lại. Một người chạy vào đứng trước cửa hầm nhà tôi và nói: “Bà con mau sơ tán khỏi làng để tránh máy bay địch đến ném bom. Nhanh lên bà con ơi!”. Nói xong, người ấy lại chạy sang những nhà khác. Tôi bước ra phía miệng hầm, mang gói quần áo mẹ đưa, một tay bồng con Lạc, tay kia dắt thằng Ri băng ra trước. Mẹ tôi đôi gánh trên vai, tay lôi con Lung, thằng Toàn, thằng Rân hối hả chạy theo đoàn người lánh nạn. Tiếng la khóc, gọi nhau, tiếng súng nổ, ánh chớp sáng lòa nhốn nháo cả một vùng quê. Vừa ra đến đầu làng, trời đã sáng rõ, nhìn cả không gian ngập chìm trong lửa đạn, thấy phía Hà Tân, Thượng Đức lửa cháy ngút trời. Những cột khói đen ngòm cao vút, lòng tôi thoáng nỗi lo âu cho cha. Chẳng biết giờ này ông đang ở đâu trong đám khói lửa mờ mịt kia và có được bình yên không? Tôi biết mẹ tôi cũng đang bời bời lo lắng. Sau một hồi nhốn nháo hoảng loạn, người dân làng tôi cũng băng qua được cánh đồng lúa đang trổ đòng, chạy xuống hàng tre phía biền ông Kình nơi bờ nam sông Con để đào hầm trú ẩn. Rồi suốt ngày đêm hôm đó, nhân dân làng tôi và các làng lân cận vừa trú tránh bom đạn vừa chứng kiến tận mắt cảnh chiến trường khốc liệt của những ngày đầu nổ ra chiến dịch Thượng Đức.

Ở ngoài biền sông Con được một ngày đêm. Khuya ấy, theo sự hướng dẫn của cán bộ cách mạng, gia đình tôi theo chân dân làng xuyên đêm, xuyên rừng tản cư lên nguồn để tránh vùng chiến sự đang nóng bỏng. Đi suốt một ngày, trèo dốc lội suối, chúng tôi đến được một nơi có tên gọi là Cột Bườm, cách chỗ súng nổ gần một ngày đường. Nhân dân được tổ chức tự quản, mọi người lo làm lán trại tạm thời để trú nắng mưa và đào hầm tránh máy bay. Mẹ tôi chọn một khoảnh đất bằng phẳng nơi góc rừng, bảo tôi phát dọn sạch sẽ. Phải mất hai ngày chặt cây, đốn nứa, có hàng xóm giúp đỡ mẹ con tôi mới dựng được một căn trại nhỏ kín gió và che được nắng mưa. Chúng tôi được cấp khẩu phần ăn mỗi ngày; người lớn một lon rưỡi, con nít một lon gạo. Chính quyền cách mạng vận động nhân dân phát rẫy trồng sắn, trồng rau để tự túc sau khi đã ổn định chỗ ăn, ở. Trong khi đó chiến sự vẫn tiếp diễn ở cứ điểm Thượng Đức. Tiếng súng cứ ùng oàng, từng tốp tù binh với nhiều sắc lính bị các anh chị du kích giải đi về phía căn cứ trên nguồn. Từng đoàn chiến sĩ giải phóng hối hả tiến về phía mặt trận. Thanh niên và những người dân mạnh khỏe vừa sơ tán lên được vận động đi khiêng thương, tải đạn phục vụ chiến trường.

Cả nhà nhận tin cha tôi mất vào ngày thứ sáu từ khi cả làng sơ tán lên Cột Bườm. Khi ấy tôi còn đang đốn nứa ở bên kia sông. Vác bó nứa về đến láng trại, thấy mọi người đứng chật cả lối vào, tôi linh cảm có chuyện chẳng lành. Mẹ và các em tôi khóc, cô Hai cũng khóc, còn tôi đứng chết lặng. Thế là từ nay người cha thân yêu, chỗ dựa vững chắc của gia đình không còn nữa! Chẳng biết số phận của gia đình tôi sẽ đi về đâu? Tôi nghe kể lại rằng, vào sáng ngày thứ hai súng nổ, cha tôi đang băng bó cứu chữa cho một số người bị thương cả dân và lính thì một loạt bom từ máy bay trút xuống, một trái rơi trúng làm sập cả trạm xá quận giết chết tất cả mọi người, trong đó có cha tôi. Sau này tôi biết thêm, thi hài cha tôi được chôn cất sơ sài ngay bên đống gạch ngói đổ nát của trạm xá. Rồi mãi hơn một năm sau đó, khi từ khu sơ tán trở về, anh em tôi mới có thể đem hài cốt của cha cải táng trên nghĩa trang gia tộc. Hôm nhận tin cha tôi chết, mẹ tôi đau đớn khôn cùng, nhưng rồi bà cũng tự gượng đứng lên. Tôi thầm nhủ rằng cả làng đâu chỉ có gia đình mình mất mát. Nào ông Gang ở xóm trên, bác Hòa, ông Tri, thằng Tặng ở xóm dưới và biết bao nhiêu người xấu số khác cũng đã ra đi. Chiến tranh, hòn đạn mũi tên có chừa ai đâu.Tôi an ủi mẹ và các em. Rồi nỗi đau cũng nguôi dần.

Sau mười ngày bom đạn ác liệt, Thượng Đức được giải phóng. Người dân khu dồn Hà Tân lũ lượt sơ tán lên nguồn gần nơi chúng tôi ở. Chính quyền cách mạng lo chỗ ăn, chỗ ở cho cả hơn mười lăm nghìn người. Cái đói khát, bệnh tật, sốt rét rừng… rình rập cuộc sống từng người, từng gia đình. Tôi là một trong những thanh niên đầu tiên được chọn vào đội du kích thôn, được vũ trang để về bảo vệ làng. Nghe đâu thời điểm ấy, lính thủy quân lục chiến, lính dù đang đổ quân nhằm tái chiếm Thượng Đức. Tôi cùng bạn bè theo hướng dẫn của cán bộ cách mạng về lại làng cũ. Mẹ tôi nhìn theo trong ánh mắt lo âu nhưng không nói gì. Những ngày ở làng, ngày đêm máy bay quần thảo trên trời thả bom và bắn phá mỗi khi phát hiện ra mục tiêu của quân giải phóng. Lại thêm pháo tăng tốc từ biển bắn lên không ngớt. Trên đồi 1062, chiến sự diễn ra ác liệt giữa bộ đội và lính dù suốt nhiều tháng ròng rã trước khi quân dù chịu thất bại, co cụm lại và chạy dài. Những ngày tôi làm du kích ở thôn rồi lên xã, mẹ và những đứa em tôi cũng thỉnh thoảng theo bà con xóm giềng về làng để cắt lúa, gùi cõng lương thực, thực phẩm lên khu sơ tán. Mẹ gặp tôi lại dặn dò đủ thứ chuyện, chỉ sợ rủi ro lại đến với gia đình như cha tôi đã ra đi. Tôi luôn trấn an cho mẹ yên lòng. Tôi muốn khẳng định bản thân mình với những gì tôi đang gặp trong cuộc đời. Thời gian này mặc dù Thượng Đức đã được giải phóng nhưng tranh chấp vẫn rất khốc liệt trên đồi 1062. Lực lượng du kích chúng tôi thay phiên cứ hai ba ngày được chỉ huy cử đi vào tận chân đồi 500 để chuyển thương binh và tiếp tế lương thực, đạn dược cho bộ đội đang chiến đấu. Đứa em gái kế tôi vừa về đến làng thì phát bệnh sốt ác tính. Rất may nhờ các anh bộ đội ở trạm phẫu tiền phương đang phục vụ chiến trường 1062 đóng ở làng Dục Tây cứu chữa mới qua khỏi.

Tôi được cử đi học khóa sư phạm cấp tốc do Ty Giáo dục Quảng Đà mở tại chiến khu Giằng vào thời điểm những trận đánh giữa bộ đội Sư đoàn 304 và quân dù ngụy trên đồi 1062 sắp bước vào giai đoạn kết thúc. Sau gần hai tháng, lớp học bế giảng. Lúc bấy giờ đã vào độ đầu xuân năm 1975. Bà con trên vùng sơ tán lần lượt trở về làng cũ. Tôi và một số đồng nghiệp khác được sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Giáo dục huyện làm nhiệm vụ tổ chức lớp học cho các em tại vùng giải phóng Thượng Đức. Những ngày tháng dạy học ở đây thật nhiều kỷ niệm khó quên. Chúng tôi vừa dạy học vừa cùng học trò lo cảnh báo để tránh các loạt pháo bầy từ sân bay Nước Mặn bắn lên Thượng Đức cho đến ngày giải phóng Đà Nẵng. Rồi cuộc Tổng tấn công và nổi dậy vào mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đã tròn 39 năm, những ngày khói lửa ngút ngàn ấy vẫn còn in đậm trong ký ức người dân Thượng Đức, trong đó có gia đình tôi. Những gian khó, mất mát ngày ấy sẽ mãi là dấu ấn khó phai mờ. Còn với quê hương tôi, chiến thắng Thượng Đức sẽ mãi là khúc ca bất tử về truyền thống kiên cường của vùng đất, con người nơi đây một thời bom đạn.

NGUYỄN HẢI TRIỀU

NGUYỄN HẢI TRIỀU