Người hùng đất Quế (tiếp theo và hết)

PHẠM THÔNG 07/05/2013 08:28

Lê Quang Bửu (tức Hà Đông) về được căn cứ cũng là lúc các đồng chí lãnh đạo huyện ủy vừa đi tiếp thu Nghị quyết 15 của Trung ương ở tỉnh ủy về phổ biến lại. Được Nghị quyết 15 của Trung ương soi sáng, Hà Đông như mở cờ trong bụng, liền nhận nhiệm vụ quay trở lại đồng bằng tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến đấu mới, hợp với tâm nguyện của mình lâu nay. Đội công tác do Hà Đông phụ trách được bổ sung thêm Lê Quang Tập và vài đồng chí khác tập kết ra Bắc mới trở vào Nam. Hà Đông cùng với các đội viên triển khai kế hoạch bắt nối lại cơ sở cách mạng ở 6 xã trong địa bàn phụ trách, đồng thời rút ngay một số thanh niên ở các xã tăng cường cho đội công tác và bổ sung lực lượng cách mạng tuyến trên. Đấu tranh vũ trang là bước đột phá đưa cuộc cách mạng ở vùng đông Quế Sơn và toàn chiến trường lên một chất lượng hoàn toàn mới.

  • Người hùng đất Quế

Vào những năm 1960, qua nhiều trận diệt ác phá kèm, từng bước thành lập những “căn cứ lõm” tại vùng đông Quế Sơn, Hà Đông - Đội trưởng công tác nổi lên như một người hùng. Người đàn ông hơn 30 tuổi này hiên ngang đánh thẳng vào sào huyệt của địch.

Ông Lê Quang Tập là người cùng họ, cùng vào sinh ra tử với Hà Đông một thời, nay đã 85 tuổi, sống tại làng Mông Nghệ, xã Quế Phú, nói với tôi: “Chuyện trực tiếp chiến đấu, lên kế hoạch và chỉ huy chiến đấu, chuyện thoát hiểm của Hà Đông từ năm 1960 mãi đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng nhiều vô kể. Tôi chỉ kể một vài chuyện ấn tượng nhất về ông ấy”.

Năm 1960, Hà Đông chấp hành lệnh trên ra phối hợp với các đồng chí ở Duy Xuyên rút lên căn cứ một số thanh niên. Trên đường về căn cứ, ông cho quân nghỉ đêm tại một hang động ở đèo Đá Mái, ngay chân phía bắc Hòn Tàu (hiện nay là vùng đập thủy điện Duy Sơn). Không biết nguyên nhân gì mà bị lộ. Địch huy động hàng trăm lính bảo an, dân vệ và bắt ép nhân dân dùng đèn gió, mõ, gậy vây ráp tất cả cửa ngõ ra vào. Địa hình rừng núi khá thuận lợi, nhưng Hà Đông không cho đánh địch mở đường máu. Vì bọn chúng đẩy dân áp sát phía trước, nổ súng thì dân chết. Các ông bàn nhau và quyết định nằm riết trong hang, chờ cơ hội. Hà Đông biết trong đám dân thường và cả trong đám dân vệ có người là cơ sở của ta. Ông bày kế: “Cho những thanh niên mới thoát ly lẻn ra khỏi hang, lẫn vào đám đông để bắt nối và trao đổi kế hoạch với họ”. Đêm ấy, những người dân thường là cơ sở của ta đột nhiên “nổi máu hăng” xông lên vây ép Việt cộng, hỗ trợ đắc lực cho nghĩa quân tiêu diệt Việt cộng, nhưng không thành. Khi lui ra, họ để lại nhiều đèn gió, mõ, gậy. Tối hôm sau họ cũng hăng hái xông vào mở đường cho bọn nghĩa quân thì ta bất ngờ nổ súng bắn dọa. Họ vờ hoảng loạn tháo chạy. Cùng lúc, các đồng chí của ta cũng tay cầm đèn gió, tay cầm mõ, lẫn cùng đám người kia chạy ra khỏi hang, biến mất.

Giữa năm 1962, theo tin tình báo từ trên cung cấp, Đội công tác vùng đông Quế Sơn lập phương án đánh đoàn tàu quân sự từ Đà Nẵng vào chi viện cho Tỉnh đường Quảng Tín mở cuộc hành quân lớn vào chiến khu Quảng Nam. Hà Đông cho khảo sát địa thế đoạn đường sắt chạy qua Quế Sơn, tìm chỗ thuận lợi để đặt mìn. Dây điện giăng để bấm mìn quá ngắn, anh em trong đội công tác đề nghị chỉ dùng khối thuốc nổ 8kg. Hà Đông không đồng ý, vì như vậy không đủ sức làm lật tàu. Dù có nguy hiểm đến tính mạng cũng phải đánh khối thuốc 12kg, ông kiên quyết: “Có chết vì khối bộc phá này cũng phải đánh. Tôi là người trực tiếp bấm mìn, các đồng chí hãy làm tốt công tác hỗ trợ chiến đấu”.

Cái khó là khối thuốc quá lớn, dây điện lại quá ngắn, có thể sẽ giết chết người bấm mìn. Hà Đông chọn nơi bấm mìn là cống Xã Điển, cho đồng đội đặt quả mìn trên đường ray, cách cống độ 5m, ngụy trang thật khéo. Chỉ như vậy mới có cơ may còn sống sót. Đúng như dự tính, ông bấm mìn, đoàn tàu lật, gây cho địch thương vong lớn, làm vỡ kế hoạch hành quân của địch. Hà Đông bị sức ép của khối thuốc nhưng ông nhanh chóng gượng dậy, vọt khỏi cống cùng đồng đội rút êm vào đám rừng còi cọc nằm ven đường sắt.

Sau trận đánh lật đoàn tàu lửa của địch, Hà Đông lên sa bàn đánh tiêu diệt Chi khu I cảnh sát Mộc Bài và hội đồng các xã Phú Phong, Phú Hương. Ông chịu trách nhiệm đánh thọc vào mũi chính, nằm ở trung tâm. Đó là Chi khu cảnh sát Mộc Bài. Lê Quang Tập đánh vào Hội đồng xã Phú Phong, cách đó 1km. Ba người khác đánh vào Hội đồng xã Phú Hương, nằm phía trên đường 1.

Hà Đông cùng anh Thành và anh Bảy cải trang thành lính biệt kích, thản nhiên đi vào cổng chính chi khu. Qua khỏi cổng, các ông nhanh chóng chia 3 hướng xông thẳng tới mục tiêu. Hà Đông tiếp cận ngay phòng làm việc của tên Phó cục trưởng Cảnh sát Quế Sơn, Trưởng chi khu Mộc Bài. Chỉ một phát súng ngắn nổ gần, ông hạ gục ngay tên này. Các ông Thành, Bảy cũng áp sát các mục tiêu vạch trước, tiêu diệt gọn quân địch. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng giữa ban ngày, bọn địch quá bất ngờ không kịp trở tay. Trong khi rút lui, ông Bảy không may trúng đạn hy sinh. Cùng lúc, hai mũi kia tuân thủ kế hoạch đã định, nổ súng diệt nhiều tên ác ôn trong mâm hội đồng của các xã Phú Phong, Phú Hương.

Trong khoảng thời gian này, người hùng Hà Đông “tả xung hữu đột”, khi trực tiếp, lúc chỉ huy tiêu diệt hàng chục tên ác ôn, khiến cho bọn ngụy quân, ngụy quyền tại vùng đông Quế Sơn khiếp vía, mở ra cơ hội cho nhân dân vùng lên phá ấp chiến lược, giải phóng gần như toàn bộ các thôn, ấp vào những tháng cuối năm 1964 đầu 1965.

Cùng với lòng quả cảm, Hà Đông còn là một chiến sĩ cách mạng đầy thao lược về quân sự và chính trị. Ông rất có tài nhận định tình hình, vận động và tổ chức các phong trào quần chúng. Vì vậy, đầu năm 1966 ông được Đảng bộ Quế Sơn bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy rồi kinh qua nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, tiếp tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.

Bây giờ, ông Hà Đông - Lê Quang Bửu đã trở thành người thiên cổ. Nhưng, hình ảnh kiên trung cùng với những câu chuyện đầy mưu lược của ông trong suốt 20 năm trường kỳ chống Mỹ vẫn còn đọng lại trong tâm trí đồng đội, đồng chí, trong lòng mỗi người dân vùng đông Quế Sơn. Hà Đông là một trong số ít chiến sĩ kiên cường bám trụ giữ lửa cách mạng tại một vùng quê Quảng Nam trong những ngày đen tối nhất. Ngọn lửa ấy đã bùng cháy lên, góp phần thiêu rụi mưu đồ đen tối của đế quốc Mỹ và tay sai trong ngày 30.4.1975, đưa đất nước ta đến thống nhất, độc lập và tự do.

Ý nghĩa toàn bộ cuộc đời chiến đấu của Hà Đông là vậy đó. Ông xứng đáng cho thế hệ chúng ta ngày nay tôn vinh là một bậc anh hùng.

PHẠM THÔNG

PHẠM THÔNG