Người hùng đất Quế
Vào một buổi chiều mùa hè năm 1955, Lê Quang Bửu đang luyện võ cho đồng đội thì nghe tiếng mõ khua vang, ông liền cho mọi người lui vào rừng rậm. Khi lệnh cho các đồng chí của mình tìm nơi ẩn nấp, Lê Quang Bửu dặn người em cùng họ là Lê Quang Tập: “Chú cho anh em bảo vệ đồng chí Bí thư Huyện ủy Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương) lách theo đường đã bố trí, đi về phía sau núi Ông Hường này rồi băng qua hướng Duy Xuyên. Tôi sẽ thực hiện kế đánh lạc hướng địch”. Dặn dò xong, Lê Quang Bửu bất ngờ vụt chạy qua mặt bọn địch đang tiến đến, cố ý để lộ tông tích. Địch hô hoán “Việt cộng! Việt cộng!...” rồi tập trung hỏa lực bắn và đuổi nạp theo. Lúc ẩn lúc hiện, ông dùng mình làm “mồi” nhử địch. Khi địch ra xa khu vực Huyện ủy đang đóng quân, ông nhanh chóng biến vào rừng, chui tọt xuống một hang đá hẹp mà chỉ có mình ông biết. Như kế hoạch định, ở phía núi Ông Hường, các đồng chí trong Huyện ủy cũng nhanh chóng thoát hiểm.
Sau trận bị lộ căn cứ này, ông Bửu đề xuất với lãnh đạo Huyện ủy dời cơ quan về vùng đông Quế Sơn. Vì ở đó, các đồng chí trong Huyện ủy nắm được nhiều cơ sở và thuộc địa hình hơn. Ở Trung Lộc, thế núi hiểm nhưng tình hình chính trị không thuận. Mặt khác, về vùng đông sẽ mở ra cơ hội bắt liên lạc với Tỉnh ủy dễ hơn. Đúng như nhận định của ông, về vùng đông, Huyện ủy Quế Sơn hình thành được đường dây từ bến Trà Đình theo đường sông qua Bàn Thạch, xuống Hội An bắt được liên lạc với Tỉnh ủy. Từ đó, phong trào quần chúng đấu tranh đòi kẻ địch thực hiện Hiệp thương thống nhất đất nước tại Quế Sơn được đẩy mạnh hơn nhiều. Về đây, Lê Quang Bửu cũng thay tên, đổi họ thành Hà Đông để tiếp tục nằm vùng, hoạt động bí mật tại quê nhà.
Qua thử thách, lúc này Hà Đông được Huyện ủy Quế Sơn phân công làm Đội trưởng Đội công tác vùng đông Quế Sơn, bao gồm các xã Phú Hương, Phú Phong, Phú Diên, Phú Thạnh, Phú Hiệp, Phú Thọ, Hà Đông. Tại quê nhà, ông đã cùng với đồng chí, đồng đội kiên cường bám trụ, nằm vùng xây dựng hàng trăm cơ sở cách mạng. Tuy phải bí mật hoạt động trong vùng địch tái chiếm sau Hiệp định Giơnevơ theo đường lối đấu tranh bất bạo động, nhưng Hà Đông luôn tâm sự với những người đồng chí rằng: “Đối với bọn Mỹ Diệm ngoan cố này, chỉ phải tiến hành đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị mới có thể thống nhất được đất nước”. Vì vậy, ông rất chăm lo việc lập căn cứ để luyện tập võ thuật, chiến thuật và kỹ thuật quân sự cho đội công tác. Hà Đông thường kéo cả đội công tác lên Hố Răm - Hòn Mồ, gần đập Khe Vũ, ven làng An Lộc - Phú Hương để tập luyện. Ông cho các đội viên học những miếng võ hiểm, dùng để đánh địch, thoát thân. Với ông, mọi vật dụng trong tay đều có thể trở thành vũ khí tự vệ. Ông thường nhắc nhở mọi người: “Chúng ta không bao giờ khoanh tay để địch bắt sống, phải tìm mọi cách chống trả, nếu còn cơ hội”.
Hà Đông còn lên dãy núi giáp ranh giữa ba xã Phú Diên, Phú Hương, Phú Thọ tìm hang động để giấu gạo, muối do cơ sở tiếp tế nhằm bảo đảm cho việc hoạt động lâu dài tại địa phương. Ông lựa những cái hang có miệng rộng cỡ đủ một người nghiêng mình chui lọt để giấu gạo muối. Cất giấu xong, ông tìm những hòn đá điệp màu, to vừa khít để bịt, ngụy trang miệng hang. Và, bao giờ ông cũng dành cho mình một cái hang tuyệt đối bí mật. Hà Đông rất kiên cường nhưng vô cùng nhạy cảm. Ông luôn ở thế sẵn sàng tiến công địch. Đối mặt với chuyện sinh tử, lâu ngày đã luyện ông trở thành người cảnh giác và xử lý nhanh nhạy trước mọi tình huống.
Sau Hiệp định Giơnevơ chỉ vài năm, địch đã thiết lập khá hoàn chỉnh bộ máy chính quyền tay sai đồng thời với việc tăng cường đàn áp, trả thù vô cùng dã man những người kháng chiến cũ. Những đồng chí ở lại hoạt động bí mật như Hà Đông đều bị địch giết chết hoặc bắt cầm tù. Ông Lê Phận, ông Nguyễn Liếu ở thôn 4, thôn 5 Trà Đình - Phú Phong, ông Ngô Tuận ở Phương Trì - Phú Hương và rất nhiều người khác bị địch bắt tra tấn đến chết, cơ sở bị bể vỡ hàng loạt. Trong tình hình vô cùng đen tối đó, các đảng viên còn lại phải nằm yên. Nhưng Hà Đông vẫn dựa vào những cơ sở trung kiên tiếp tục hoạt động. Bọn địch ở quận lỵ Quế Sơn giao trách nhiệm cho Hội đồng hương chính các xã vùng đông chỉ huy bọn dân vệ ngày đêm bố ráp quyết bắt sống cho được Hà Đông. Chúng còn treo giải thưởng: “Ai bắt được tên Việt cộng nguy hiểm Hà Đông sẽ được chính quyền quốc gia thưởng hai triệu rưỡi đồng” (giá trị tương đương cả trăm cây vàng). Tuy nhiên, Hà Đông vẫn thường xuất hiện trong các làng quê của 6 xã vùng đông này mà địch không làm gì được.
Có một hôm, Hà Đông bị bọn dân vệ Phú Hương vây ráp. Ở trong thế tử, ông chui vào nhà tên Khuê cảnh sát. Vừa thuyết phục vừa khống chế, ông buộc tên Khuê phải đưa mình ra đồng để trốn thoát khỏi vòng vây của địch. Bà Luận ở thôn 1 - Mông Nghệ, Phú Hương là cơ sở “ruột” của Hà Đông, sau này thường kể với mọi người: “Ông Bửu (Hà Đông) đúng là người “xuất quỷ nhập thần”. Địch giăng giăng khắp các lối xóm, chúng quyết phục bắt cho được ông. Nhưng, trời vừa sập tối đã thấy ông ngồi sau chái nhà rồi. Lúc ông ta vác trên vai cây cuốc đi tháo nước ruộng, lúc gánh trên vai nhắm ngọn lang, khi thì mang một xâu lờ đặt cá..., ông có đủ kiểu cải trang để qua mắt địch, đến tiếp xúc cơ sở. Ông kiên cường bám trụ. Ông là người giữ lửa cách mạng tại quê hương này”.
Năm 1957, Đội công tác vùng đông chỉ còn lại Hà Đông và Lê Quang Tập. Sau khi bắt được liên lạc cấp trên, ông bàn với ông Tập rằng: “Chú phải tìm đường vượt tuyến ra miền Bắc. Anh em mình cần phải sống một người để tiếp tục sự nghiệp cách mạng lâu dài sau này”.
Năm 1959, địch khủng bố vô cùng khốc liệt, cơ sở cách mạng tại 6 xã vùng đông bị đánh trốc gần hết, Huyện ủy Quế Sơn rút lên vùng núi cao thuộc huyện Phước Sơn, Tỉnh ủy cũng dời lên các huyện Hiên, Giằng. Hà Đông không thể tự mình hoạt động trong khi đã mất hết liên lạc với cấp trên, ông phải len lỏi vượt núi băng rừng lên Phước Sơn. Hầu hết người dân tộc Cơ Dong, Giẻ Triêng lúc này là chỗ dựa quần chúng tin cậy của các đồng chí hoạt động nằm vùng ở rừng núi Quảng Nam, họ rất cảnh giác với thương lái người Kinh. Phần Hà Đông hoàn toàn không biết phong tục tập quán, không biết tiếng dân tộc nên bị họ bắt giữ tra hỏi đủ điều. Ông vừa chân thành vừa hết sức mưu trí mới thuyết phục được họ dẫn đường. Dò la tin tức hàng tháng trời, vượt qua vô vàn hiểm nguy, Hà Đông mới bắt được liên lạc với các đồng chí Trần Huấn, Hoàng Thành Lê - lãnh đạo Huyện ủy Quế Sơn.
(Còn nữa)
PHẠM THÔNG