Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Lập xã Bình Tân (tiếp theo và hết)

Ký sự HỒ DUY LỆ 16/04/2013 08:43

  • Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Rút lui chiến thuật
  • Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Quyết tử ở Đồi Dân
  • Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Điểm tựa lòng dân
  • Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Thế trận thiên la

Trên dưới 200 dân chạy từ Bình Dương lên, không thể ở cùng một thôn, một xã. Ngoài các gia đình neo đơn, quá khó khăn được một số cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu, còn lại, bà con tự chọn nơi thích hợp với hoàn cảnh của mình mà trụ lại. Một số hộ gia đình ở gần đập An Lý gần đồn Đất Đỏ, một số gia đình lên đập Đồng Linh, một số lớn lên Bình Phú, sau này hình thành xã dân Bình Dương 2, gọi là xã Bình Tân. Lên đến nơi thì cái đói hiện ra. May đang mùa gặt, kho lương thực của huyện còn đầy, nhưng cũng chỉ được thời gian đầu. Khi còn ở dưới quê, gạo mắm hết thì xin dân. Thương binh cũng gửi hầm của dân, các mẹ các chị nhịn ăn, nhịn uống, để cháo gà, cơm, cá chăm sóc tận tình như con em ruột thịt của mình. Chừ dân lên đây, để dân đói sao đành. Nhiệm vụ đầu tiên là lo cái ăn cho hơn 200 con người, lớn, nhỏ, già, trẻ và đau, sốt. Lo gạo và thuốc chữa bệnh như là một mệnh lệnh chiến đấu. Gặp mùa lúa chín, nhiều bà con ta tranh thủ đi gặt lúa thuê, chiều về nhận trả công bằng lúa, cùng với lúa mót được. Gặp trời không có nắng, chặt củi rừng đốt lửa, lấy tấm tôn bỏ lúa lên sấy, lúa khô giã thành gạo. Hết mùa gặt, dù đã gùi được gạo của lương thực huyện cấp cho, nhưng theo tiêu chuẩn cán bộ huyện, bà con ăn không thấy no. Đói, lội vào vườn hoang kiếm cái ăn, lại bị sụp hầm bẫy heo, đạp phải kẹp bắt chồn... Dân vừa “ly hương” khó khăn trăm bề.

Sau khi khiêng thương binh lên đến trạm phẫu của huyện, các cô ý tá còn sót lại cũng phải tham gia giải quyết khó khăn. Lê Thị Bảy có một nhiệm vụ mới, không ai giao là... “đi xin”. May là có khá nhiều cán bộ các ban ngành của huyện là dân Bình Dương, nên mở miệng xin không xấu hổ. Một hôm, đường ra Phú Thọ - Bình Định bị địch phục, không lấy gạo được. Trên đường về, vừa leo lên Dốc Tranh đồi bà Phán, Lê Thị Bảy bỗng thấy Lê Dũng Hường trên đường từ Bình Lãnh về đang cong lưng cõng một gùi to, liền hỏi: “Cõng chi nặng rứa anh Hường?”. “Nếp”. Dũng Hường vừa thở vừa trả lời, rồi hỏi Bảy đi đâu về. Không cần nghe Bảy trình bày “hoàn cảnh”, Dũng Hường trút hơn nửa gùi nếp cho Bảy. Nghe tin dân đói, anh Lâm, chị Thư huyện đội, chị Thu tuyên huấn, chị Vọng an ninh, ông Bửu phó bí thư… cũng mang gạo, mỳ chính… đến chi viện cho bà con xã Bình Tân.

Khi sơ tán rời căn cứ lõm Bàu Bính lên núi, chỉ còn 3 đảng viên và một số du kích. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lê Đình Thông ký quyết định Lê Sỹ Nhớ làm Bí thư (Lê Sỹ Nhớ bị tai biến mất trước tết Quý Tỵ 2013), Phan Chí Hướng làm Phó Bí thư Bình Tân. Huyện ủy giao nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu tập trung lo cái ăn, chỗ ở cho dân nơi đất mới, lãnh đạo việc giúp dân trồng sắn, trồng khoai. Bên du kích, Xã đội trưởng Nguyễn Thị Một chỉ đạo du kích đi cõng gạo, mắm, muối. Sau một thời gian ngắn, cũng Lê Đình Thống ký quyết định điều Lê Sỹ Nhớ sang làm Phó Ban Tuyên huấn Huyện ủy; Phan Chí Hướng làm Bí thư Bình Tân. Nhận chức Bí thư, Phan Chí Hướng cùng Xã đội trưởng Nguyễn Thị Một đi gặp bà con địa phương xin lỗi, trình bày hoàn cảnh, mong bà con thông cảm, đồng thời đề nghị bà con học cách trồng sắn, trồng khoai. Dân làm nông trên đất cát khó ai bì, vậy mà khi lên đất sỏi, đất đồi gò, không cuốc được lát cuốc cho ra dáng một nông dân, không biết trồng thứ gì cho mau có cái ăn. Một thời gian thì người xã Bình Tân của vùng đông cát cũng trồng được khoai lang trên đất đồi gò vùng tây. Bà con còn mang những củ khoai lang to đưa đi triển lãm ở tỉnh.

Sau một thời gian, Huyện ủy quyết định Trịnh Thị Huyền và Phan Thanh Long về lại Bình Dương bắt liên lạc với tổ công tác của Lê Thanh Nghị. Bằng mọi cách, thành lập chi bộ, hình thành đội công tác nhằm sớm phục hồi và xây dựng lại phong trào. Nghe quyết định, cả hai đều thấy lo. Trong khi Phan Thanh Long còn bâng khuâng, tứ bề là địch, đi con đường nào để đến được vùng đông và khi đến nơi rồi, không dân, tức là không có điểm tựa, vậy sẽ ăn đâu, ở đâu, làm việc với ai. Nghĩ đến lúc chia tay bà con Bình Tân, Phan Thanh Long chảy nước mắt. Vì nhiệm vụ Đảng giao, Trịnh Thị Huyền đồng ý trở lại vùng đông, nhưng đề nghị cho người đưa đi xuống tới đất Xuyên Trà rồi sẽ tự đi theo con đường hợp pháp qua đường số 1.

Lúc bấy giờ từ thôn Một đến thôn Tư Xuyên Trà (huyện Duy Xuyên) là vùng giải phóng, còn rất ít dân bám trụ sống như du kích. Riêng thôn Tư Xuyên Trà, dân có thể đi chợ Bà Rén. Nếu bí quá thì lẻn vô ở với chị em trong khu dồn. Địch phát hiện hỏi thì nói sợ bom đạn chạy ra Đà Nẵng, nay về lại quê… Hơn 2 tháng sau khi nhận quyết định, cả Huyền và Long đều đến thôn Tư Xuyên Tân. Mấy tuần dựa vào du kích và Đội công tác Xuyên Tân, họ gặp được mấy anh em của Lê Thanh Nghị từ Bình Dương qua sông.

Trịnh Thị Huyền cùng Phan Thanh Long, Lê Thanh Nghị bám lại địa phương hình thành bộ phận lãnh đạo xã Bình Dương, cùng các đội công tác của Bình Giang, Bình Triều, đứng tại Xuyên Tân. Các anh chị bám địa bàn, nối liên lạc với bà con trong khu dồn, thị trấn và TP.Đà Nẵng. Từng bước tổ chức đưa dân về, xây dựng thành những cơ sở hợp pháp, bán hợp pháp nối liên lạc với dân trong khu dồn, trong vùng địch, xây dựng lại phong trào cho vùng đông Thăng Bình. Sau một thời gian xây dựng củng cố lực lượng, Bình Dương có được 2 chi bộ, chi bộ Đội công tác do Trịnh Thị Huyền làm Bí thư và Chi bộ hợp pháp sống trong khu dồn do Phan Thị Xí làm Bí thư. Chi bộ hợp pháp xây dựng được một số cơ sở trung kiên như Nguyễn Thị Nghĩa, Phan Thị Năm (Thủy), Phan Thị Thanh, Nguyễn Thị Hiến, Bùi Thị Yến… ở khu dồn đồi Ông Mong và  Võ Thị Mân, Nguyễn Thị Mẫn, Phan Thị Lanh, Lê Thị Khung…ở khu dồn đồi Ông Cà.

Ký sự HỒ DUY LỆ

Ký sự HỒ DUY LỆ