Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Quyết tử ở Đồi Dân

Ký sự HỒ DUY LỆ 12/04/2013 07:41

Từ vườn Giáo Thế nhìn ra phía biển Xuyên Phước, qua ba đám ruộng đất đậu phụng, qua ba bốn cái bờ thổ cao lút đầu, qua một mương cạn đầy cỏ thì đến đồi cát lưa thưa cây dương liễu bị bom pháo làm cho còi cọc, cành nhánh tả tơi và dứa dại. Trong những lùm dứa dại trên đồi cát gần nhà ông Dân - nên gọi là Đồi Dân - có căn hầm bí mật của Đảng ủy xã Bình Dương. Hầm khá kiên cố và rộng, khi bí quá có thể ở cả chục người. Hôm ấy, trú trong hầm, ngoài Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Tân (Ba Tân) và bảo vệ Hồng, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Trịnh Minh Đức, có Võ Thị Thanh - Trưởng ban và Đoàn Thị Tám - Phó ban Đấu tranh chính trị tỉnh. Bất ngờ thấy Ngô Văn Trá và Đoàn Minh Long ôm mìn cùng lựu đạn chạy ngời ngời chưa biết rúc đâu, Ba Tân bảo xuống hầm. Đáng lẽ Huyện đội trưởng Đoàn Công Thành trú ở  hầm Ban chỉ huy Huyện đội, cách hầm Ba Tân hơn 600m về phía ngoài bãi cát biển. Nhưng Võ Thị Thanh kéo Đoàn Công Thành cùng rúc chung hầm để tiện việc bàn bạc với Ba Tân về phối hợp công tác quân sự và đấu tranh chính trị. Như vậy, trong hầm có cả thảy 7 người. Hôm ấy là ngày mùng 7 tháng giêng, nhằm ngày 21.2.1972.

  • Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Thế trận thiên la
  • Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Điểm tựa lòng dân

Dù đang trong những ngày tết, mới sáng sớm hôm đó, địch đưa 2 tiểu đoàn cùng 15 xe tăng M118, M113 yểm trợ tiến vào đầu làng Bàu Bính. Chúng quần cả buổi sáng nhưng không phát hiện được gì. Đi sâu vào Bàu Bính thượng thì chúng không dám. Trời quá trưa, chúng quay đầu xe lui ra hướng Duy Nghĩa. Anh em ta nghe tiếng xe nhỏ dần, nghĩ bọn chúng rút quân, vả lại ai cũng muốn mở nắp công sự lên thở. Bất ngờ, qua ống nhòm, bộ binh địch phát hiện anh em hầm huyện đội mở nắp công sự leo lên, bèn gọi 2 xe tăng quay đầu tiến vào khu vực Đồi Dân. Chúng bắn tới tấp vào căn hầm huyện đội, xông tới ném lựu đạn xuống miệng hầm đang mở toang. Hầm huyện đội có 3 nam, 6 nữ, tất cả đều hy sinh.

Bước sang buổi chiều, sau khi “thu thắng lợi” từ căn hầm huyện đội, địch tổ chức đội hình tiến vào Đồi Dân. Đoàn Công Thành và Ba Tân lệnh đào đất chôn tài liệu; dồn súng và lựu đạn ra phía miệng công sự. Tất cả sẵn sàng chiến đấu nếu địch phát hiện miệng hầm. Đoàn Công Thành chỉ huy chiến đấu, ra lệnh chỉ bắn súng dài, có 2 cây AK và AR15 và dồn lựu đạn M26 ra phía miệng hầm, sẵn sàng ném trả. Địch còn cách hầm hơn 200m. Chúng tiến chậm, la lối nhau đã thấy miệng hầm. Chúng gọi đầu hàng. Các chiến sĩ trong công sự sẵn sàng tư thế chiến đấu.

Huyện đội trưởng Đoàn Công Thành hé nắp hầm ném quả M26 làm chết tên lính, chúng lui ra, anh chồm lên ném tiếp quả M26 nữa thì bị một loạt đạn vào bả vai, lui xuống hầm. Tức thì Trịnh Minh Đức và Ba Tân ném liên tiếp 2 quả M26 vọt lên. Đoàn Công Thành lệnh bảo vệ Hồng cầm cây AR15 ra miệng hầm bắn khống chế. Võ Thị Thanh lấy cây AR15 giành bắn và bảo Hồng đào một miệng hầm khác từ lỗ thông hơi ở phía tây để anh em thoát. Y sĩ Long vọt lên cùng lúc với Đoàn Thị Tám, bị trúng đạn, bò ra bờ ruộng chui xuống cây cỏ và dương liễu ngã đổ ngổn ngang núp. Đoàn Thị Tám bị bắn bể gót chân, bươn qua đám thổ đầy cỏ, ào xuống cỏ bèo ẩn thân. Hồng đào được cái lỗ to rúc lọt người, Đoàn Công Thành hối mọi người thoát nhanh, để Thành tự lo liệu.

Ngô Văn Trá vừa vọt lên khỏi miệng công sự thì thấy Ba Tân chạy. Chưa kịp kéo nằm xuống, Ba Tân bị trúng đạn ngã xuống cách miệng công sự khoảng 10m. Cách miệng công sự hơn 100m, Trịnh Minh Đức bị trúng đạn mất cánh tay mặt. Điên máu, nghe tiếng bọn chúng la bắt sống, không còn biết sợ, Ngô Văn Trá đứng trên miệng công sự, liều chết ném lựu đạn, hai tay hai khẩu K54 bắn tới tấp về phía địch. Trong lúc đó, Đoàn Công Thành lục gùi lấy miếng sâm ngậm, lệnh Trá bình tĩnh bắn cầm cự vì nghe 2 phát B40, B41 nổ, biết có anh em đội du kích và bộ đội V15 yểm trợ. Đúng là, quả B40 và B41 của xã đội gồm Phan Thanh Long, Xang, Hộ bắn vào 2 chiếc xe tăng muốn tiến lại phía công sự, buộc chúng phải lui ra. Nhờ vậy, Đoàn Công Thành, Hoàng Minh Long, Đoàn Thị Tám, chạy thoát ra khỏi khu vực Đồi Dân. Chiều xuống, địch lui ra phía biển. Chờ tối du kích chia nhau, người tìm anh em, người kéo thi thể Ba Tân và Trịnh Minh Đức ra bờ mương giấu, bứt cỏ và lá dương liễu che tạm... Đến sáng hôm sau, địch rút đi, anh em du kích mới tìm ra y tá Hoàng Minh Long, ngực còn nhét mảnh áo đẫm máu; lôi Đoàn Thị Tám từ dưới bèo lên. Sau khi tập hợp, biết ai còn ai mất, Võ Thị Thanh đề nghị Ngô Văn Trá và anh em ai còn khỏe thì bám ra Đồi Dân lấy thi thể Ba Tân, Trịnh Minh Đức. Đồng thời tìm tài liệu của Bí thư Huyện ủy Ba Tân và Huyện đội trưởng Đoàn Công Thành. Ngô Văn Trá cùng Võ Thị Thanh ra, mò xuống công sự đào đất quơ hết tài liệu. Quý nhất là tài liệu của Ba Tân, có nghị quyết vừa đi họp Huyện ủy về, có tài liệu ghi tên các cơ sở mật, có bảng mật mã của Huyện đội  trưởng Đoàn Công Thành.

Hôm sau, Ngô Văn Trá cùng các y tá tập trung chữa trị vết thương cho Đoàn Công Thành, Hoàng Minh Long và quyết định cưa cái chân bị trúng đạn sắp rời ra của Đoàn Thị Tám. Đúng là “điếc không sợ súng”, toàn tay ngang, thuốc men ít ỏi, trong cái hầm của Trần Ngộ, dưới ánh đèn dầu lửa mờ mờ đầy ám khói đen như bù hóng mà đội phẫu thuật dám mổ, dám cưa.

*        *
*

Lúc bấy giờ cấp ủy không ép và cũng không động viên bà con bám trụ, ngược lại còn làm lơ để bà con tìm đường đi. Ở lại thì cùng du kích đánh địch, ra đi thì có cách đánh địch theo kiểu ra đi. Lãnh đạo huyện đã nghĩ tới chuyện đưa dân đi nơi khác, nhưng chưa tính ra sẽ đi đâu. Nhiều địa phương gần núi thì đã cho dân chạy vào núi. Nhưng dân mà rời khu vườn chạy vào núi sẽ giáp ngay với đói, với đau thì vô cùng nan giải. Còn dân mà rời quê cát ra Đà Nẵng thì biết kiếm sống bằng cách nào? Xây dựng một trận địa có yếu tố lòng dân hay đưa dân rút khỏi căn cứ Bàu Bính luôn là nỗi trăn trở. Không đưa dân đi thì ngày nào cũng có người chết vì bom đạn, vì tàn sát, vì bị bắt ép vào các khu dồn. Bờ mương, đất thổ bị cày lấp, đồi nổng không còn bóng cây. Một số người dân vì nhiều hoàn cảnh khác nhau phân tán khắp nơi để bảo tồn lực lượng, để tránh bớt bom đạn quá sức ác liệt và cũng để kiếm cái ăn cho bản thân. Khi còn bám vồng khoai, bờ thổ, có củ khoai, đùm mắm, bà con đem giấu đâu đó rồi nhắn anh em đến lấy. Khi chạy vô khu dồn hay ra Đà Nẵng, bà con biết chắc anh em sẽ thiếu đói, sẽ trông mong. Vì vậy, bà con bằng nhiều cách, đi bán bánh mì, bàn cà rem, bán rau, bán áo quần may sẵn,... để nuôi thân và để có tiền chi viện cho cách mạng...

(Còn nữa)

Ký sự HỒ DUY LỆ

Ký sự HỒ DUY LỆ