Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Thế trận thiên la

Ký sự Hồ Duy Lệ 10/04/2013 07:34

Ngày 16.4 tới, tại Thăng Bình, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Huyện ủy Thăng Bình tổ chức hội thảo khoa học “Căn cứ lõm Bàu Bính - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm”. Dịp này, Báo Quảng Nam trích giới thiệu Ký sự “Bàu Bính, căn cứ không rào vi” của nhà báo, nhà văn Hồ Duy Lệ, góp phần làm rõ vị trí, vai trò của căn cứ lõm Bàu Bính (nay thuộc thôn 4, xã Bình Dương) đối với phong trào cách mạng các xã vùng đông Thăng Bình cũng như những địa phương lân cận thuộc huyện Duy Xuyên và TP.Hội An trong những năm 1971 - 1972.

THẾ TRẬN THIÊN LA

Tháng 8.1970, sau khi Bí thư Đảng ủy Phan Thanh Bình hy sinh, Huyện ủy Thăng Bình cử Nguyễn Nửa, Huyện ủy viên thay Phan Thanh Bình làm Bí thư Đảng ủy Bình Dương. Chưa kịp ổn định tinh thần, củng cố tổ chức, bố trí lại đội ngũ thì Nguyễn Nửa hy sinh. Huyện ủy cử Ủy viên Ban Thường vụ - Trần Ngộ về thay, đồng thời phân công Phan Thanh Bốn làm Xã đội trưởng thay Dương Tấn Điện đã hy sinh. Từ thời điểm này xuất hiện cụm từ “căn cứ lõm” Bàu Bính và cây dương thần - cây dương độc nhất còn sót lại, mình đầy thương tích. Điều kỳ lạ, trên chót vót của cây có tổ đôi chim sáo - một biểu tượng của sự sống tưởng chừng rất mong manh nhưng kiêu hãnh và đầy thách thức. Cây còn thách thức với đạn bom, thì người Bình Dương, người vùng đông Thăng Bình cũng thi gan với bom đạn của quân đội Mỹ, chư hầu và tay sai.

Có 2 cái mốc kỷ niệm làm anh em cựu du kích nhớ cái ngày 16 tháng Giêng năm Tân Hợi (nhằm ngày 11.2.1971). Trước tết, Đảng ủy xã Bình Dương được truyền đạt tinh thần của Huyện ủy là phải tập trung phá âm mưu bình định của địch. Cụ thể, đánh bọn hội đồng, dù là bọn hội đồng lưu vong, không cho chúng theo lính kéo về Bình Dương. Ba Tân và Trịnh Minh Đức giao cho tổ du kích mật một nhiệm vụ vô cùng khó khăn là diệt tên Xã trưởng Phan Kế Nhu. Sáng 16 tháng Giêng, Phan Kế Nhu về xúm nhau đánh bạc trong khu dồn Thanh Ly. Phương án của tổ du kích mật là diệt xã trưởng bằng 2 quả M26 hoặc 2 kíp nổ hẹn giờ. Hôm ấy, xét thấy không thể xử dụng M26 vì sợ gây thương vong cho bà con mình ở chung quanh, du kích Hoàng Hà nhét một kíp hẹn giờ ở túi quần sau của Phan Kế Nhu. Cái kíp hẹn giờ nổ chỉ làm Nhu bị thương.

Anh em nhớ, rằm tháng Giêng năm ấy, bà con mời tổ công tác ăn xôi, chè. Khi ngồi ăn, Phan Thanh Long nói vui: “Chừ anh em mình cùng ngồi ăn đây. Nhưng không biết đột kích vô khu dồn lần này, lúc lui về, sẽ vắng ai?”. Đêm đó du kích đánh vô đốt cháy khu dồn, thì sáng hôm sau (16 tháng giêng năm Tân Hợi) địch mở trận càn quy mô lớn với xe bọc thép, với lính dù Lữ đoàn 196 của Mỹ đổ xuống đất Bình Dương nhằm đưa bọn hội đồng “lưu vong” và “bình định nông thôn” về. Ngày đầu tiên chống càn, anh em thấy lá cờ 3 que treo trên đồi Cà, bèn nói với nhau: “Bọn hội đồng về bình định đây”. Ngày thứ Hai, địch bắt đầu lùa dân thôn 2 về đồi Cà. Lính đi càn về cũng chốt tại đồi Cà. Liền tối đó, xã đội bố trí tổ du kích bò vào tập kích một đội nghĩa quân ở đồi Thơm. Năm ngày sau, anh em thấy chúng treo cờ 3 que trên đồi Hạp; hôm sau bắt dân thôn 1 vô đồi Hạp. Mấy hôm sau chúng treo cờ 3 que trên đồi Mong; hôm sau, chúng dồn dân thôn 3 vào đồi Mong. Chúng bố trí quân chốt từ đồi ông Tài, đến đồi ông Mong, đồi ông Cà, đồi ông Ban, đồi ông Hạp, đồi ông Đối, đồi ông Diệp, đồi ông Tôn, lập nên ba khu dồn: một khu dồn ở đồi ông Cà thôn 2, một khu dồn ở đồi ông Hạp thôn 1 và khu dồn ở đồi ông Mong thôn 3. Cạnh mỗi khu dồn có một chốt điểm gồm dân vệ và lính bảo an. Từ xã Bình Dương đến các xã Bình Nam, Bình Giang, Bình Triều, Bình Trung có 22 đồn bốt địch. Địch dồn dân 7 xã vùng đông Thăng Bình vào trong 16 khu dồn, chúng xem như một cái mốc “thắng lợi bước đầu” của chiến dịch bình định vùng đông Thăng Bình của Quận trưởng Nguyễn Minh Đăng.

Khi 7 xã vùng đông chỉ còn lại thôn 4 - Bàu Bính và một phần thôn 5 của xã Bình Dương, rộng chừng 2km là còn dân và còn du kích, Đảng ủy xã chọn khu vực Bàu Bính thượng làm căn cứ trụ lại. Bấy giờ, ở phía bắc giáp một thôn của xã Duy Nghĩa có khoảng 30 hộ dân bám trụ. Qua sông Trường Giang, về phía tây chỉ còn Đội công tác của thôn Ba và thôn Tư xã Xuyên Tân cùng một số dân bám trụ như du kích - địa bàn vô cùng quan trọng nối 3 vùng tây, trung và đông của Duy Xuyên và vùng đông Thăng Bình.

Vùng đất trụ lại rất gần đồn của lính Đại Hàn - cái đồn khống chế khu vực giáp ranh của Bình Dương - Xuyên Thọ - Xuyên Phước. Là vùng đất có địa thế thuận lợi để bám trụ đánh địch, khi có nhiều bờ thổ, khe nước - nơi du kích bố trí trận địa mìn dày đặc, với những hầm hào. Ở đây còn có những lùm dừa nước ven sông để núp tránh bom pháo, bám trụ chiến đấu. Cả vùng đất này là một trận địa vừa chìm trong cát, vừa nổi trên cát làm cho quân thù không tài nào hình dung và rất sợ bị thúc ép vào cái “thiên la địa võng” này của quân và dân Bình Dương. Cho nên, là chỗ dựa cuối cùng của vùng đông, căn cứ lõm Bàu Bính bị bao vây tứ bề mà không hề đơn độc. Các chiến sĩ của Đại đội 15, Đại đội 9 của Huyện đội Thăng Bình, các Tiểu đoàn 70, 72, 74 thuộc Tỉnh đội Quảng Nam, các Tiểu đoàn 25, R20 thuộc Tỉnh đội Quảng Đà... và cả cán bộ phong trào như dân vận, binh vận, đấu tranh chính trị, công tác thành phố của Quảng Nam, của Quảng Đà… cũng thường xuyên về đứng trên đất Bình Dương. Tùy theo diễn biến của tình hình, từng thời điểm cho phép, bộ đội cùng với du kích Bình Dương tổ chức những trận đánh bất ngờ làm tiêu hao sinh lực và tinh thần địch; tổ chức các trận diệt ác, phá kèm, vận động bà con phá banh khu dồn. Nhiều bà con về làng bám trụ làm chỗ dựa cho du kích.

Từ Bàu Bính nhìn về phía tây, qua con sông Trường Giang là Hà Lam - Hương An, là quận lỵ Thăng Bình với đồn bốt dày đặc. Nhìn về phía nam, qua bãi cát dài là căn cứ quân sự Tuần Dưỡng. Nhìn về phía bắc, bên kia là nơi hội tụ của ba con sông Bà Rén, Trường Giang và Thu Bồn. Nhìn về phía đông là biển bao la, trực thăng, xe tăng, hải thuyền của quân thù chỉ sau 30 phút xuất kích là đến nơi. Địch không tiếc đạn bom băm nát xóm làng ven sông, không chịu được “cái gai” Bàu Bính làm nhức mắt.

(Còn nữa)

Ký sự Hồ Duy Lệ

Ký sự Hồ Duy Lệ