Cuộc di tản ngày 12.5.1968

NGUYỄN TƯỜNG VÂN (Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phước Sơn) 08/04/2013 08:00

Rất ít tài liệu viết về cuộc di tản ngày 12.5.1968 của quân đội Mỹ tại Phước Sơn. Trong ngày hôm đó, vận tải cơ C-130, C-123, trực thăng của không lực Hoa Kỳ đã vội vã đáp xuống sân bay Khâm Đức để giải cứu cho các quân nhân Mỹ và Việt Nam cộng hòa trước sức tấn công của quân Giải phóng vào cứ điểm quân sự Khâm Đức - Ngok-Ta-Vát, một cứ điểm nằm sâu trong vùng hậu cứ cách mạng, gần biên giới Việt - Lào.

Lực lượng đặc biệt Mỹ ngụy tại Khâm Đức.Ảnh tư liệu
Lực lượng đặc biệt Mỹ ngụy tại Khâm Đức.Ảnh tư liệu

Khâm Đức - Ngok-Ta-Vát: cụm cứ điểm quân sự

Cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức - Ngok-Ta-Vát nằm ở triền đông của dãy Trường Sơn hùng vĩ, trong khu vực rộng chừng 500ha, độ cao trung bình hơn 400m so với mặt biển, bao bọc nhiều núi cao từ 800 - 1.000m, dài hơn 3km, rộng hơn 1,5km, cách TP.Đà Nẵng 135km về hướng tây nam, cách Tam Kỳ 120km về hướng tây bắc. Phía nam cụm cứ điểm giáp suối Nước Chè, bên kia là rừng già 48 có điểm cao 676 (Tà Dê), chệch hướng tây nam có điểm cao 738 (Ngok-Ta-Vát); phía đông giáp suối Nước Trẻo và sông Đăk My; phía tây là những dãy núi cao, có đường 14 từ Hòa Cầm lên Đại Lộc, Thượng Đức, Nam Giang, ngược dòng Đăk My đến ngã ba Làng Hồi, băng qua thung lũng Khâm Đức, lên Tây Nguyên rồi nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Sau năm 1954, để tăng cường kiểm soát lên miền núi, Mỹ ngụy thiết lập hệ thống đồn bót từ bắc Hòa Vang lên Trung Mang, Bến Hiên, Thượng Đức, Bến Giằng, Khâm Đức, Tân An, Phước Lâm, Trà Đốc tạo thành vòng cung phòng thủ từ Hòa Vang đến Tam Kỳ. Đồng thời Mỹ ngụy bố trí lực lượng trấn giữ gồm 3 trung đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn đặc nhiệm, 18 tiểu đoàn bảo an, 75 tổng đoàn nghĩa quân và 12 đại đội dân vệ, với mục đích ngăn chặn phong trào giải phóng phát triển xuống đồng bằng. Ngày 24.6.1958, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 335-NĐ/CP, thành lập quận Phước Sơn. Năm 1961, cho xây dựng sân bay Khâm Đức để cơ động, ứng cứu giữa các cứ điểm trong vùng và Hạ Lào. Năm 1963, Mỹ thiết lập Trại Lực lượng đặc biệt Khâm Đức (Trung tâm Huấn luyện biệt kích Mỹ) do Mỹ trực tiếp huấn luyện.

Cũng tại đây, Mỹ đưa những toán biệt kích, viễn thám xâm nhập vào Hạ Lào và vùng hậu cứ của ta. Khi chiến tranh lan rộng và gia tăng cường độ, chính quyền Sài Gòn cho thành lập Chi khu quân sự Khâm Đức và bố trí lực lượng trấn giữ hơn 1.400 quân, gồm: Toán A-105 lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, 7 đại đội Biệt kích Lôi Hổ (lực lượng đặc biệt Việt Nam) cùng nhiều đơn vị quân chủ lực và địa phương, có cả công binh, pháo binh, do các cố vấn Mỹ và Úc chỉ huy.

Trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, cùng với Trại Lực lượng đặc biệt Lang Vei bị quân ta tiêu diệt, Mỹ ngụy nhận thấy nguy cơ cứ điểm Khâm Đức cũng sẽ bị quân Giải phóng tiến công. Vì vậy, giữa tháng 2.1968, chúng gấp rút mở cứ điểm tiền tiêu Ngok-Ta-Vát, có cả sân bay trực thăng để cơ động, ứng cứu và bảo vệ Khâm Đức từ xa. Tại đây, địch bố trí 2 đại đội dân sự chiến đấu (Biệt kích Lôi Hổ) thuộc lực lượng đặc biệt Việt Nam, 1 đại đội chủ lực (thuộc Sư đoàn Bộ binh số 2 ngụy), 1 trung đội pháo binh Mỹ (quân số 33 tên, thuộc Pháo đội D, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ), do 8 cố vấn Mỹ và 3 cố vấn Úc trực tiếp chỉ huy. Đồng thời chúng gấp rút nâng cấp sân bay Khâm Đức để máy bay vận tải C-130, C-123 cất và hạ cánh an toàn.

Tuy cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức - Ngok-Ta-Vát được xây dựng kiên cố và hỏa lực mạnh, nhưng là một cứ điểm cô lập, nằm sâu trong vùng kiểm soát của ta, mọi hoạt động tiếp tế, hậu cần của chúng đều phụ thuộc vào đường không. Với thế bố trí quân địch như trên, cho thấy lực lượng chi viện cho chiến trường Khâm Đức chỉ có thể là Sư đoàn lính thủy đánh bộ American của Mỹ.

Sức tiến công dũng mãnh của quân Giải phóng

Sau khi căn cứ Khe Sanh bị lực lượng quân Giải phóng tiến công, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 2 (Quân khu 5) phối hợp với quân giải phóng địa phương và nhân dân các dân tộc huyện Phước Sơn tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức. Đầu tháng 5.1968, phương án tác chiến đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phê duyệt và sau một thời gian chuẩn bị chiến trường, chiều 9.5, các mũi, các hướng của quân ta đồng loạt nổ súng tiến công tiêu diệt cứ điểm Ngok-Ta-Vát, chiến trận diễn ra vô cùng khốc liệt, địch tăng viện binh và dùng máy bay, pháo binh đánh trả quyết liệt vào trận địa quân ta. Song, trước sức tiến công dũng mãnh của quân giải phóng, chiều 10.5.1968 Ngok-Ta-Vát đã bị quân ta tiêu diệt gọn.

Thừa thắng xông lên, Trung đoàn 1 tiếp tục chuyển về hướng tây nam Khâm Đức, phối hợp với Trung đoàn 21, Đại đội Đặc công Sư đoàn, cùng lực lượng vũ trang huyện tiến công chi khu quân sự, Trại Lực lượng đặc biệt và sân bay Khâm Đức. Tuy bị Trung đoàn 31 (Quân khu 5) kìm chân tại Núi Ngang (Tiên Phước), nhưng quân Mỹ vẫn tăng viện Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 196 thuộc Sư đoàn American) lên chiến trường Khâm Đức. Nhưng khi đến nơi quân Mỹ vẫn không dám đánh chiếm các khu ngoại vi đã mất. Ngày 11.5, quân ta tiếp tục nã pháo dữ dội vào sân bay và đánh chiếm các mục tiêu trận địa khu trung tâm. Sáu giờ sáng 12.5, cụm cứ điểm Khâm Đức bị quân ta đã siết chặt không còn lối thoát, quân Mỹ ngụy cũng kịp nhận ra một Lang Vei thứ hai sắp kết thúc.

(Còn nữa)

NGUYỄN TƯỜNG VÂN
(Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phước Sơn)

NGUYỄN TƯỜNG VÂN (Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phước Sơn)