Ngôi nhà xưa thương nhớ

DUY HIỂN 30/03/2013 08:23

Năm 1966, Mỹ đổ quân xuống Phú Ninh, chiến tranh bắt đầu bùng lên khốc liệt. Ba và chú tôi lần lượt theo ông nội đi kháng chiến. Nhà quạnh quẽ hẳn. Đêm đêm pháo giặc từ đồn Chóp Chài bắn xuống, cái chết rình rập cả trong giấc mơ.

Lúc ấy tôi mới vừa sinh ra. Sau này mẹ kể lại, đêm nào cũng nằm bên miệng hầm, hễ nghe tiếng pháo “đề pa” là ôm tôi vọt xuống hầm. Bọn giặc bắn cầm canh nhằm khủng bố tinh thần dân làng tôi để dễ bề lùa vào ấp chiến lược. Đúng y sau đó là một cuộc xúc tát, mọi người lần lượt buộc phải vào sống trong ấp chiến lược - thật ra là trại giam trá hình, ngày hai buổi sáng chiều đi về quê cũ làm ăn phải qua trạm kiểm soát của mấy tên nguỵ quyền và dân vệ. Nấn ná, bà nội tôi chỉ dời căn nhà nhỏ vào ấp chiến lược, căn nhà rường ba gian bằng gỗ mít vẫn để lại quê cũ. Nhưng rồi đêm bộ đội đặc công tiêu diệt đồn Núi Làng, địch pháo kích, ngôi nhà trúng đạn pháo bốc cháy. Đứng ở dưới ấp nhìn về, thấy lửa đỏ một góc trời, bà và mẹ tôi lòng đau như cắt…

 Ngôi nhà nhỏ dời vào ấp chiến lược trở thành chỗ tá túc chính của bà nội và ba mẹ con tôi. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Có những đêm đang ngủ ngon, chị em tôi choàng dậy chạy theo mẹ rúc hầm vì tiếng súng chát chúa, khói lựu đạn cay sặc sụa. Sau này tôi mới biết đó là các chú của đội công tác luồn vào tận trong ấp chiến lược diệt bọn ác ôn. Những gia đình có người theo Việt cộng, địch sắp xếp vào một khu vực để dễ bề kiểm soát, thế nhưng đêm đêm mấy bác, mấy chú, anh chị trong họ tộc tôi vẫn tìm cách đột nhập về. Có lần chú tôi mang vào tận nhà một bó chè xanh hái tận trên căn cứ. Bà tôi ôm bó chè mà lòng như lửa đốt vì lính phục đầy quanh nhà. Khi chú lặn vào bóng đêm đầy bất trắc mà không có tiếng nổ nào vang lên, bà tôi mới đi nằm được.

Ở trong ấp chiến lược bị bọn chỉ điểm, cảnh sát chìm thường xuyên dòm ngó nhưng mọi người trong họ tộc tôi vẫn tìm cách tiếp tế cho mấy chú, mấy cô trong đội công tác - phần lớn đều là con em. Vải, áo mưa, giấy pơ-luya, đèn pin, thuốc tây, máy thu thanh... là những thứ trên cứ rất cần. Muốn mua cũng phải tìm những nơi tin cậy, họ biết rõ là mua tiếp tế cho cộng sản nhưng không hề khai báo gì. Mỗi bận đi chợ, mẹ tôi lại nghĩ ra một kế gì đó để mang những thứ ấy về: Khi thì giấu trong thùng mắm, gùi rau, có lúc nhờ những những người lính quen chở đi chở về. Đem về giấu ở nhà rồi lại phải nghĩ cách chuyển cho lọt qua cổng ấp luôn có bọn ác ôn, lính, dân vệ kiểm soát. Bọn chúng mà bắt được thì tù rục xương. Với bà và mẹ tôi, cách mạng đơn giản là những người thân ở trên cứ, thiếu thốn mọi bề luôn chờ được giúp đỡ.

Nhưng rồi mất mát dồn dập giáng xuống ngôi nhà của bà nội tôi. Liên tiếp chỉ trong năm 1969, chú tôi, ba tôi và ông nội lần lượt ngã xuống. Trong vòng kiểm soát gắt gao của địch, nhà đâu dám lập bàn thờ. Đêm mẹ tôi úp mặt vào gối khóc lặng lẽ. Bà tôi thì không một giọt nước mắt. Nhưng đêm đêm bà vác cuốc ra giẫy cỏ quanh nhà. Suốt đời tôi không bao giờ quên tiếng cuốc sàn sạt ấy. Tôi vẫn nhớ như in những đêm ấy trăng sáng lắm, ánh trăng chiếu xuyên qua liếp tre dọi vào tận chỗ tôi nằm, soi rõ dáng bà tôi đơn chiếc. Có lẽ những đêm đau thương ấy, nước mắt bà tôi đã chảy ngược vào lòng.

Cuộc chiến tiếp diễn, thỉnh thoảng lại có những trận pháo kích, lính địch hành quân giải tỏa. Bà tôi lại cõng tôi chạy về bản quán của bà, nơi ấy có phần yên ắng hơn. Hồi đó tôi không hiểu lắm nhưng bây giờ ngẫm lại có lẽ trong tâm khảm bà, tôi - thằng cháu trai duy nhất - là niềm hy vọng cuối cùng của bà chăng? Tôi lúc nhỏ suy dinh dưỡng nặng, nên lên 8 tuổi bà tôi vẫn chưa cho đi học, bà bảo nó mà học chắc lớn không nổi. Rồi mẹ tôi thúc quá bà tôi cũng đồng ý. Chính tay bà tôi đi mua những tập vở mới, thơm mùi giấy về cho tôi vào lớp vỡ lòng. Lâu lâu bà lại thưởng kẹo bánh nếu tôi được điểm tốt.

Chính tại ngôi nhà tranh bé nhỏ, tôi tận mắt thấy bọn an ninh đưa xe bịt kín vào tận hiên, kéo mẹ tôi, thím họ, chị họ tôi lên xe chở xuống nhà lao Quảng Tín trong sự kinh hoàng của chị em tôi. Cũng ngay trước sân nhà, bọn chỉ huy dân vệ đã cầm những gốc tre đực phang vào cái lưng gù của ông nội chú tôi, cho đến khi ông nằm quay đơ. Ông nội tôi từ thời trai trẻ đã đi theo cách mạng, bà tôi quen xoay xở. Bà làm ruộng, cắt tranh gánh đi bán, tráng bánh tráng, bánh bèo, bánh tổ…, mùa nào thức nấy lần hồi nuôi thân. Rồi một hôm bà tôi vác đòn xóc đi đốn củi và đi mãi không về. Bà vướng mìn ngay tại Ngọc Nha, vùng đất nay đã chìm dưới hồ thủy lợi Phú Ninh…

Thiếu bà, ngôi nhà chỉ còn ba mẹ con tôi, cảm giác càng quạnh quẽ. Tối, chị em tôi cứ túm áo mẹ vì sợ. Mẹ thỉnh thoảng cũng đi đốn củi, tôi đứng ngồi không yên cho đến khi thấy bóng mẹ về, mồ hôi đầm đìa trên lưng áo. Thỉnh thoảng lại có người chết vì đi đốn củi, chiếc xe bò dùng để chở củi lại thành dụng cụ tải thương. Rồi chiến tranh cũng lắng dần. Quê tôi sắp giải phóng. Tôi nhớ mãi ngày 24.3.1975. Buổi sáng hôm ấy,  tiếng súng râm ran khắp nơi. Mẹ tôi dọn mâm cơm ngoài hiên. Nồi cơm toàn khoai, mùa gặt chưa tới. Tôi quấy quá vài miếng rồi bỏ đũa, bụng chẳng thiết ăn vì trong lòng tràn ngập cảm giác bất an. Đột nhiên mẹ bảo tôi đi trước lên nhà ông nội chú, mẹ sẽ dẫn chị tôi đi sau. Tôi quày quả ra đi, một lúc sau mẹ cũng rời khỏi căn nhà. Xe tăng, bộ đội theo đường cái tiến xuống Tam Kỳ. Gần trưa, chị tôi chạy về rồi tức tốc lên báo: “Mẹ ơi, ai phá mất cái nhà mình!”. Mẹ con tôi chạy về. Một cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt. Nóc nhà thủng một lỗ to bằng cái nong. Cột kèo, đòn tay, phên vách, giường, phản bị băm vằm, gãy đổ, văng tung tóe khắp nơi. Nền nhà như bị ai xới tung lên. Con bò tôi thường chăn dắt bị mảnh đạn găm đầy mình, máu chảy lươm tươm, may không trúng chỗ hiểm nên thoát chết. Thì ra một quả đại bác đã rơi trúng nhà. Cái cối đá giã gạo trúng đạn năm nào sứt một tai, giờ sứt thêm một tai phía đối xứng… Những năm tháng chiến tranh, ngôi nhà tôi không một phút bình yên, tiếc thay nó lại rời bỏ mẹ con tôi khi ngày hòa bình đã đến

Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu cái gì đã giúp gia đình tôi thoát chết một cách kỳ lạ. Trở về quê cũ, mẹ tôi dựng nhà mới đơn sơ, phên làm bằng rơm trộn đất sét. Lần hồi rồi nhà cửa cũng khang trang hơn, nhưng trong tôi vẫn in sâu hình dáng ngôi nhà xưa thương nhớ - nơi mà soi vào đó, tôi hiểu hơn cái giá của cuộc sống yên bình hôm nay…

DUY HIỂN

DUY HIỂN