Ký ức xóm Chín Chủ

HÀN GIANG 23/03/2013 05:41

Xóm nhỏ ấy có cái tên thật lạ, nhưng đằng sâu cái tên là những ký ức “dữ dội” của một thời…

Tại bến sông Hương Biều, người dân xóm Chín Chủ ngày trước dựng ngôi miếu thờ anh linh các thế hệ cha anh đã hy sinh.
Tại bến sông Hương Biều, người dân xóm Chín Chủ ngày trước dựng ngôi miếu thờ anh linh các thế hệ cha anh đã hy sinh.

Xóm nhỏ kiên trung

Ngày ấy, cái xóm nhỏ nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu của con sông La Thọ và Cổ Cò, được bao bọc bởi các lũy tre dày. Bởi cả xóm chỉ có 9 gia đình sinh sống nên được gọi là xóm Chín Chủ (thuộc thôn Đông Hồ, xã Điện An cũ, huyện Điện Bàn). Do địa thế hiểm yếu, nên xóm trở thành địa bàn chiến lược của lực lượng cách mạng. Không chỉ là nơi ẩn trú, hoạt động an toàn của cán bộ cách mạng, nơi đây còn là trạm kết nối các đầu mối của Huyện ủy Điện Bàn và Đà Nẵng, các chuyến hàng phục vụ cho hoạt động của một vùng cách mạng rộng lớn. Do vậy, người dân trong xóm đã phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Bao phen đạn bom cày xới, bao lần đối mặt với đòn roi tra tấn tàn khốc, dã man của kẻ thù nhưng người dân ở đây không hề nao núng, vẫn kiên cường bám đất, giữ làng, ra sức chở che, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Sự hung bạo của kẻ thù khi ấy chỉ càng thổi bùng thêm ngọn lửa uất hận, căm thù trong lòng người.

Bà Nguyễn Thị Tân - nguyên Phó ban Binh vận xã Điện Thắng (cũ) cho biết, để buộc người dân rời bỏ xóm làng nhằm cô lập lực lượng cách mạng, kẻ thù tổ chức nhiều trận càn quy mô lớn với sự tham gia của các cánh quân chủ lực cùng các loại vũ khí hạng nặng vào thôn Đông Hồ. Chúng dùng những ngón đòn dã man, tàn khốc nhất như chôn sống, mổ bụng hoặc bắn chết để đàn áp tinh thần người dân nhưng mọi âm mưu của chúng đều thất bại. “Ở Đông Hồ, nhất là xóm Chín Chủ, người dân nào địch cũng cho là làm cách mạng nên gặp mặt là chúng bắt bớ, tra tấn, bắn giết không nương tay. Nhưng người đi trước ngã xuống thì lớp con cháu kế cận lại đứng lên, càng thêm vững vàng, kiên cường trước sự hung bạo của kẻ thù” - bà Tân thổ lộ.

Ông Lê Văn Thi - nguyên là bộ đội huyện Điện Bàn bồi hồi nhớ lại: Năm 1968, cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt. Khi ấy, đồng chí Nguyễn Hồng Thắng - Bí thư Huyện ủy Điện Bàn xuống tận cơ sở động viên cán bộ, nhân dân địa phương và khẳng định, nếu mất dân của vùng Đông Hồ (thuộc xã Điện An, một phần xã Điện Thắng cũ) thì sẽ mất Điện Bàn, mà mất Điện Bàn thì sẽ mất Đà Nẵng. Lúc bấy giờ vùng Điện Bàn được xem là “đèn pha, áo giáp” đối với cách mạng Đà Nẵng. Đến năm 1971, trước tình hình địch đánh phá khốc liệt, với nhiều thủ đoạn tàn độc, đồng chí Hồ Nghinh cũng đã trực tiếp về xóm Chín Chủ làm công tác tư tưởng cho cán bộ đảng viên, rồi từ đó triển khai ra các Đảng bộ xã Điện Thắng, Điện An, phát động phong trào kiên trì bám đất, giữ làng, nêu cao quyết tâm đánh đuổi kể thù xâm lược. Vì vậy, lực lượng của ta cùng với nhân dân địa phương đã nêu cao quyết tâm bám trụ, lần lượt đẩy lùi các đợt đánh phá ác liệt của địch, giữ vững thành trì cách mạng vùng Đông Hồ, trong đó có cái nôi cách mạng xóm Chín Chủ đến ngày cách mạng toàn thắng.

Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng làng Đông Hồ.Ảnh: HÀN GIANG
Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng làng Đông Hồ.Ảnh: HÀN GIANG

“Ngày 28.3.1975, tại xóm Chín Chủ, theo lệnh của Mặt trận 4, đồng chí Lê Công Thạnh - Phó Tư lệnh chính trị Mặt trận 4 thành lập Tiểu đoàn 4 (bao gồm lực lượng của Huyện đội Điện Bàn và Hòa Vang) do đồng chí Lê Ngọc Đường - Huyện đội trưởng Huyện đội Điện Bàn chỉ huy, đánh từ Tứ Câu xuống Hòa Quý ra Ngũ Hành Sơn rồi tham gia đánh sân bay Nước Mặn góp phần làm nên thắng lợi giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng” - ông Thi kể.

Xây dựng địa chỉ đỏ

Sau ngày giải phóng, do đây là vùng đất thấp lụt nên các hộ dân của xóm Chín Chủ đã di dời đến nơi ở mới, và sáp nhập thôn Đông Hồ về xã Điện Hòa. Cuộc sống mới với nhiều đổi thay, tuy nhiên nỗi niềm với xóm cũ đi cùng những năm tháng đấu tranh cách mạng hào hùng, bi tráng vẫn luôn là ký ức “dữ dội”, không dễ gì phai nhạt trong tâm khảm của người dân. Nơi ấy, giờ lũy tre vẫn rợp bóng mát, đồng bãi thêm bát ngát biếc xanh màu của lúa, của đậu, ngô khoai. Ngay tại bến sông Hương Biều, người dân của xóm Chín Chủ ngày trước chung công, góp của dựng nên miếu nhỏ để hương khói phụng thờ, tưởng nhớ các thế hệ cha anh đã chiến đấu hy sinh giữ đất, giữ làng.

Ông Lê Văn Nuôi - Bí thư Chi bộ thôn Đông Hồ chia sẻ: “Toàn thôn Đông Hồ có 151 liệt sĩ, 29 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, riêng xóm Chín Chủ đã có 11 liệt sĩ, 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 7 thương binh. Vào cuối tháng 3 này, khu di tích xóm Chín Chủ sẽ được khởi công xây dựng. Đó sẽ là nơi lưu giữ, nhắc nhớ về những năm tháng đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh đã ngã xuống cho độc lập tự do hôm nay. Góp thêm một địa chỉ đỏ giáo dục về truyền thống yêu nước của quê hương Quảng Nam”.

HÀN GIANG

HÀN GIANG