Ký ức ngày giải phóng

DIỄM LỆ 22/03/2013 08:02

10 giờ 30 phút ngày 24.3.1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới bay trên nóc tỉnh đường Quảng Tín, đánh dấu ngày giải phóng Quảng Nam. Hình ảnh ấy không bao giờ phai mờ, nhất là với người được giao thực hiện nhiệm vụ: ông Trần Phú Ninh.

Tuổi đã cao nhưng ông Ninh vẫn miệt mài với hoạt động giúp đỡ nạn nhân da cam.Ảnh: D.LỆ
Tuổi đã cao nhưng ông Ninh vẫn miệt mài với hoạt động giúp đỡ nạn nhân da cam.Ảnh: D.LỆ

Nhắc lại thời trai trẻ, ông Trần Phú Ninh (sinh năm 1946, tên thật là Trần Đăng Phục, lúc ở tù có tên là Võ Quyết Đức, hiện ở tại khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) không thể nào quên chuyện xung phong đi bộ đội, sau đó được điều về Trung đội đặc công 75A. Nhiệm vụ chủ yếu của trung đội là chiến đấu trong lòng địch, xây dựng lực lượng chính trị, các cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ địch; địa bàn hoạt động ở khu vực tỉnh đường Quảng Tín và một phần vành đai Chu Lai. Giai đoạn này, ông Ninh nhớ nhất trận đánh tiêu diệt Sư đoàn bộ Sư đoàn 2 của địch vào tháng 5.1965. “Trước khi 16 đồng chí trong đội xung trận, đã có lễ truy điệu sống vì chúng tôi đều xác định cảm tử. Trận đó toàn đội đã tiêu diệt 52 tên địch, trong đó có 3 tên cố vấn Mỹ. Anh em chỉ bị thương, không ai hy sinh, riêng tôi bị rớt xuống giếng không vớt được nên sau bị địch bắt tù” - ông nhớ lại.

Sau năm 1975, ông Ninh được cử đi học, rồi về lại quê hương, trải qua nhiều nhiệm vụ ở Tam Kỳ, giúp nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau chiến tranh. Ông về hưu năm 2002, tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ khối phố Mỹ Thạch Bắc. Từ 2007, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.Tam Kỳ, sau đó tái đắc cử nhiệm kỳ 2 (2013-2018).

Riêng về hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, ông rất nhiệt tình xốc vác. Hồi mới thành lập, công tác vận động giúp đỡ nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn, ông đã cùng những cộng sự kiên trì thuyết phục các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ. Hết nhiệm kỳ đầu tiên, hội đã vận động được hơn 1 tỷ đồng giúp đỡ  hàng trăm trường hợp. “Mỗi lần trao món quà hay khoản tiền do các nhà hảo tâm giúp đỡ nạn nhân, tôi lại nhủ lòng mình cố gắng thêm chút nữa, còn sức khỏe thì còn làm” - ông Ninh tâm sự.

Mãi đến năm 1973, ông Ninh lần lượt bị giam ở nhà lao Con Gà (Đà Nẵng), Quảng Tín, Non Nước rồi đến nhà lao Phú Quốc. Ông không còn nhớ đã bị tra tấn bao nhiêu lần, nhưng cứ sau mỗi lần bị tra tấn ông càng thêm kiên định ý chí cách mạng. “Anh em đồng chí trong tù đấu tranh chính trị dưới nhiều hình thức như tuyệt thực, đào hầm bí mật để vượt ngục, nhân ngày lễ tết của ta thì anh em cùng nhau mặc đồ đen hát những bài ca cách mạng… Khí thế đấu tranh trong nhà lao dù bí mật nhưng rất mạnh mẽ, ta có tổ chức Đảng, Đoàn hoạt động bài bản, giúp anh em nương tựa vào nhau, động viên cùng chiến đấu”.

Năm 1973, toàn bộ tù cách mạng ở Côn Đảo được trao trả theo Hiệp định Paris, ông Ninh về làm nhiệm vụ ở tỉnh Tây Ninh, rồi được Quân khu 5 đón về lại đơn vị cũ, bấy giờ đã là Đại đội V18. Sau, ông được điều qua Đội công tác phường 4 khu 1, tiếp tục nhiệm vụ bám cơ sở, đi vào nội thị để xây dựng lực lượng chuẩn bị cho ngày giải phóng.

Khi thời cơ đến, vào đêm 23 rạng sáng 24.3.1975, ông Ninh đang nấu cơm dưới bếp thì được đồng chí Phan Bá Cung (đội trưởng) gọi lên giao nhiệm vụ một cách bất ngờ. “Lúc đó, tôi được giao một lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, 2 miếng lương khô và súng để làm nhiệm vụ dẫn đầu một đội vượt sông Trường Cửu. Đến 5 giờ sáng 24.3, cả đội tiến thẳng vào tỉnh đường Quảng Tín, cùng lúc đó có một đội xe tăng tiến từ Kỳ Thạnh ra. Đến 10 giờ 30 phút, tôi đã treo lá cờ của cách mạng lên nóc tỉnh đường, quân ta chính thức làm chủ tỉnh đường Quảng Tín, tiếp tục giải phóng toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Lúc đó niềm phấn khởi làm sao mà diễn tả hết, nước mắt rơm rớm, lòng rạo rực phấn chấn không biết nói làm sao” - người chiến sĩ cách mạng nhớ lại. Sau khi lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc tỉnh đường, ông Ninh cùng đồng đội tiếp tục mở cửa nhà lao Quảng Tín giải thoát cho đồng đội… Hiện tại, lá cờ này được lưu giữ tại Nhà truyền thống TP.Tam Kỳ.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ