Cảm tử diệt ác ôn
Cuối năm 1973, Nguyễn Thanh Hùng được đồng chí Nguyễn Hòa - Phó ban An ninh Quảng Nam giao làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt tại vùng Trung Quế Sơn với nhiệm vụ tiêu diệt tên ác ôn P.S. Bởi y đã gây nhiều tội ác với nhân dân, với cách mạng. Đã nhiều lần ta lập kế hoạch tiêu diệt nhưng đều bất thành.
Tổ công tác gồm có Nguyễn Thanh Hùng, Đức (người Quế Sơn) và 3 đồng chí khác quê Tam Kỳ là Liên, Tân, Diếu. Từ Ban An ninh tỉnh đóng ở vùng Sơn - Cẩm - Hà, tổ công tác lên đường đến vùng Trung Quế Sơn. Đến Nghi Hạ, Thanh Hùng liên hệ với Sáu Long - người của bộ phận B3 thuộc An ninh tỉnh làm nhiệm vụ phản gián, đang cắm chân tại vùng Trung Quế Sơn. Anh Long bố trí cơ sở tại địa phương mà anh đã xây dựng trong mấy năm nay để phối hợp hành động với tổ công tác diệt ác do Hùng phụ trách.
P.S. vốn là con một gia đình cố nông, cha chết sớm, mẹ lấy chồng khác, hắn đi ở đợ cho một gia đình địa chủ. Sau mấy năm Mỹ Diệm đến tiếp quản vùng Sơn Trung, P.S. đã nhảy ra cộng tác với giặc. Và bằng những thủ đoạn của một cố nông vô học đã lưu manh hóa, chỉ trong vòng mấy năm P.S. trở thành người có của trong vùng. Và cũng từ đó, đi kèm với những tội ác mới, tên P.S. lần lượt được thăng cấp bậc lên đến Liên trung trưởng nghĩa quân Quế Sơn.
Hùng nằm tại hầm bí mật nhà cô Ngân, cách gò Đồng Mặt một cây số. Cự ly đó quá xa sào huyệt của P.S. Anh đề nghị Sáu Long bố trí cho anh ra ở nhà cô Chín em ruột anh ta. Như vậy Hùng vào ngay nhà mẹ Sáu Long để ẩn mình. Bởi qua chị Ngân, Hùng biết tên P.S. thường ăn cơm và đánh bài tại nhà Bà Công, ở chân gò Đồng Mặt, nằm sát phía nam mép đường 105. Từ nhà cô Chín theo đường mòn đi vào phía nam, đến mép đường 105, băng đường lộ sang nhà bà Công chỉ có 150m.
Đêm đến, Hùng lần tới nhà cô Chín. Nhà trống hoác, chỉ có chỗ chuồng heo kín đáo hơn. Nghiệt nỗi, trong chuồng còn có con heo thịt chưa bán kịp. Không thể vào đó ẩn mình được. Hùng bèn đến nhà bà An, cách nhà cô Chín về phía đông nam độ 100m, sát đường 105 hơn và ẩn trong đống bã mía chịu trận với kiến lửa. Đến tối thì chị Chín tới nhà bà An thông báo: “Em kêu người bán heo rồi. Bán rẻ như cho. Em cũng đã dọn sạch chuồng heo, bỏ rơm mới, dù sao nằm ở đó còn hơn ở trong đống bã mía kia”.
Hùng từ biệt bà An, sang nhà Chín. Khoảng 10 giờ trưa hôm sau, Chín từ đường 105 về báo P.S. đi càn ở Phú Thọ vừa về, đang ngồi ăn cơm tại nhà bà Công. Nghe tin, Hùng bật dậy. Trong nháy mắt anh đã cải trang thành một tên lính Sư đoàn 3 rồi lách khỏi nhà, lững thững đi về phía địch. Sau năm phút, anh tới mép đường 105. Nhà bà Công, phía mặt hướng ra đường che rất kín, anh không thể nhìn thấy người đang ở trong nhà. Cách nhà bà Công độ 20m là quán bán tạp hóa của bà Quân. Tại đó, bọn thuộc hạ của P.S. đang đánh bài la ó om sòm. Hùng điềm tĩnh xông thẳng vào quán bà Quân, giả giọng Nam Bộ: “Có Rubi quân tiếp dụ, bán cho một gói”.
Vừa cầm gói thuốc anh vừa nhìn sang nhà bà Công. Thấy một tên có râu quai nón ngồi ăn cơm, xác định đúng là tên P.S. Hùng thoáng nghĩ: “Có chết, lần này cũng phải hoàn thành nhiệm vụ”. Anh thả súng AR15 nằm ngang, đu đưa bên hông, thản nhiên bước qua thửa đất trống tiến thẳng sang nhà bà Công. Bọn lính trong nhà bà Quân vẫn vô tư la ó theo những con bài sát phạt.
Nhìn thấy tên lính Sư đoàn 3 bước thẳng đến hướng mình đang ngồi, P.S. gắt lớn: “Ông H. ra xem, thằng lính Sư 3 nào dám đến khu vực này. Cái thằng trông bộ nghênh ngang, lất xấc kia kìa”. Một tên có râu mép từ nhà bà Công vội bước ra đưa tay ngăn Hùng, lên tiếng trịch thượng: “Chú đi đâu, trình giấy tờ xem”. Tay trái Hùng đè mũi súng, gạt xéo tránh chỉa thẳng nòng vào người H. để hắn không nghi ngờ rồi tìm thế hành động. Anh thừa biết đó là Nguyễn H., Liên trung đội phó nghĩa quân, thuộc hạ đắc lực của P.S.. Anh bước dấn tới hai bước, cách tên H. độ 1,5m thì dừng lại. Anh nạt lớn, cố ý kích động tên P.S.: “Ông là ai mà hỏi giấy tờ tôi. Giấy tờ của ông đâu, trình cho tôi xem trước. Đ.mẹ, ông S. còn phải dạ thưa Đại úy Sáu. Ông là cái thá gì mà hỏi giấy tờ lính của Đại úy Sáu. Đại úy Sáu mà biết thì sẽ vặn họng các ông”.
Sau ngày hòa bình, trong những năm 1980 - 1984, Nguyễn Thanh Hùng lại nổi lên như một gương sáng - một sĩ quan công an tài năng đã từng bắt gọn và loại trừ những tên cướp nguy hiểm trên đường phố. “Hùng CD” là biệt danh do người đời gọi về anh. Bởi khi “Hùng CD” - Đội trưởng Đội săn bắt cướp (Công an Quảng Nam - Đà Nẵng) đã nhấn tay ga chiếc xe máy CD thì những tên cướp dù chạy xe liều mạng đến mấy cũng phải đầu hàng người công an tài năng và anh dũng này. |
P.S. nghe Hùng lớn tiếng liền bỏ mâm cơm bước ra, rút súng ngắn, gằn hỏi: “P.S. đây. Mày là thằng nào mà dám xấc láo với tau”. Hắn đứng dựa thế một đống củi, đồng thời nấp phía sau lưng tên H.. Súng của Hùng đã mở khóa từ trước. Anh biết chắc súng của S. và H. vẫn chưa sẵn sàng.
Hùng thả rời tay trái khỏi nòng để mở túi ngực lấy giấy tờ. Nòng súng giao động đúng ngay chấn thủy tên H. đang đứng thẳng hàng với P.S.. Hai tên cách nhau độ 3m. Nhanh như cắt, anh kẹp tay phải, bóp cò. Đạn trúng ngay tim, tên H. ngã uỵch. Đạn xuyên táo làm trọng thương tên S.. Hắn ngã quỵ. Hùng nện luôn 2 phát vào bụng y rồi anh vừa chạy vừa hô: “Việt cộng... Việt cộng giết ông S. rồi...”.
Bọn nghĩa quân quơ súng thì Hùng đã băng qua khỏi đường, chạy xéo vào xóm nhà bà An. Gặp bọn lính Sư 3 đi chợ về, anh hô: “Chạy nhanh! Việt cộng tấn công ban ngày”. Bọn lính nghe hô, tháo chạy tán loạn. Hùng nhanh chóng chui vào đám mía trốn thoát.
Hùng cố sức chạy tới bờ suối lớn chảy ra cầu Chợ Đụn, nơi anh thường hẹn cô Ngân đến gặp thì dừng lại đợi tin. Anh nhìn đồng hồ, đã 11 giờ trưa. Như vậy từ khi rời nhà cô Chín đến lúc quay về tại đây chỉ có một tiếng đồng hồ. Anh thoáng nghĩ, Tổ công tác của anh chuẩn bị một năm trời chỉ cho một tiếng đồng hồ này đây. Hai giờ chiều, chị Ngân giả dạng người cắt cỏ đến đưa cho Hùng một chai nước, một gói cơm và báo tin: “Thằng H. chết tại chỗ, P.S. bị thương nặng, trực thăng đã đưa xuống bệnh xá Hương An”. Đang trong tâm trạng phấn khích, nghe tin P.S. chỉ bị thương, Hùng không nuốt nổi cơm. Đến 6 giờ chiều, chị Ngân lại đến đưa cơm và báo tin mới: “Tên S. đã chết tại Hương An”. Hùng mừng đến trào nước mắt, vì đã trừ khử được mối họa lớn cho dân, cho cách mạng.
PHẠM THÔNG