Vững tâm vươn khơi bám biển
(QNO) - Trước lệnh cấm đánh bắt cá vô lý từ ngày 1.5 - 16.8 trên biển Đông của Trung Quốc, ngư dân Quảng Nam vẫn đoàn kết vươn khơi bám biển.
Gây hấn
Ra Hoàng Sa - Trường Sa bám biển, ngư dân Quảng Nam nói riêng và trên vùng biển cả nước nói chung không chỉ đối mặt với thiên tai rình rập mà còn thường xuyên bị nạn cướp biển và tàu thuyền nước ngoài quấy phá. Chỉ tính riêng năm 2016, hàng trăm ngư dân ngư dân Quảng Nam đánh bắt hợp pháp trên biển Đông phải gánh chịu nhiều thiệt hại, nguy hiểm tính mạng bởi ít nhất 3 vụ xâm hại do tàu thuyền Trung Quốc gây nên.
Mua bán cá tại bến đò xã Tam Quang sau chuyến biển từ Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN THỌ |
Đó là vụ việc xảy ra vào ngày 5.3.2016, tàu cá QNa-91865 do ông Trần Sinh ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành làm chủ phương tiện bị tàu Hải cảnh Trung Quốc bắn phá. Theo lời ông Sinh, vào thời điểm trên, tàu ông có 13 ngư dân, hành nghề lưới vây ở vùng biển Hoàng Sa. Bất ngờ tàu Hải cảnh 46101 của Trung Quốc xuất hiện, xua đuổi tàu cá QNa-91865 đồng thời phát loa, tuyên truyền rằng đây là vùng biển của họ. Sau đó, tàu Hải cảnh Trung Quốc 46101 dùng đạn bị sắt bắn vỡ kính và dàn bóng đèn trên tàu ông Sinh, đồng thời tiếp tục xua đuổi tàu cá Quảng Nam. Dù vậy, sau khi tàu Trung Quốc bỏ đi, ông Sinh cùng ngư dân kiên quyết ở lại để đánh bắt, đến ngày 19.3 mới về đất liền khai báo và sửa chữa tàu. Vụ việc khiến ông Sinh thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.
Cùng kịch bản vừa xua đuổi, vừa bắt loa ngang ngược cho rằng vùng biển thuộc lãnh thổ Trung Quốc, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tiếp tục cướp phá tàu cá QNa-91939 do ngư dân Võ Quang Thái ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành làm thuyền trưởng hôm 6.3.2016 cũng tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Lần này, cũng là tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46101.
Tàu cá QNa-91939 của ông Thái tại cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang) hôm 8.3.2016 sau khi bị tàu Hải cảnh Trung Quốc cướp phá. Ảnh: XUÂN THỌ |
Theo lời ngư dân, khi họ đang đánh bắt cá ở Hoàng Sa, thì tàu Hải cảnh Trung Quốc 46101 bất ngờ xuất hiện, rồi cho 13 người điều khiển ca nô áp sát tàu của ông Thái. Tiếp đến, 11 người cầm hung khí nhảy lên tàu ông Thái đập phá Icom để ngư dân không thể liên lạc về đất liền, cũng như dồn ngư dân về mũi thuyền trước khi cướp phá. Trước khi bỏ đi, số người này còn dọa đâm chìm tàu cá của ông Thái nếu không chịu rời khỏi vùng biển Hoàng Sa.
Bức xúc nhất là vụ tàu câu mực QNa-95959 có 34 ngư dân do ông Phạm Phú Thành ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình làm thuyền trưởng bị đâm chìm trong đêm tối 3.5.2016 tại Hoàng Sa. Vụ việc nghiêm trọng này khiến toàn bộ thuyền viên, chủ tàu đều trắng tay, lâm cảnh nợ nần, rất may họ giữ được tính mệnh.
Tàu cá của ngư dân Núi Thành tại bến cá Tam Quang chuẩn bị cho chuyến đi Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: XUÂN THỌ |
Vẫn vươn khơi bám biển
Tuy liên tục bị tàu Trung Quốc gây hấn, làm thiệt hại nhiều tài sản, uy hiếp tính mạng, nhưng hầu hết các ngư dân cũng như chủ tàu đều khẳng định trở lại Hoàng Sa để bám biển, bảo vệ chủ quyền.
Thuyền trưởng Phạm Phú Thành (xã Bình Minh, Thăng Bình) tâm sự: “Mặc dù tài sản hàng tỷ đồng nằm lại dưới đáy biển Hoàng Sa, nhưng chúng tôi may mắn còn sống, được trở về với vợ con. Bây giờ, điều chúng tôi nghĩ đến, là vẫn tiếp tục ra Hoàng Sa – Trường Sa để đánh bắt, vì đó đã là ngư trường truyền thống của mình”.
Cũng như thuyền trưởng Thành, thuyền trưởng Võ Xuân Thái (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cũng khẳng định như vậy. Một số ngư dân khác thì nói rằng, nếu như trước đây tình hình biển Đông chưa căng thẳng, Hoàng Sa - Trường Sa chưa “nóng” thì họ ung dung đánh bắt ngoài đấy. Bây giờ, khi tình hình phức tạp, họ càng cố gắng bám biển hơn, vì nếu lơi đi hay lùi bước, thì chủ quyền sẽ bị xâm hại. Bảo vệ chủ quyền cũng là bảo vệ miếng cơm của hàng triệu ngư dân Việt Nam.
Còn ngư dân Bùi Xuân Thành, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QNa-91991 khẳng định: “Chúng tôi phải ra đấy, vừa đánh bắt cá, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Họ cấm là điều rất vô lý, biển của mình mà. Chuyến này bán cá xong, là tôi ra Hoàng Sa”. Quyết tâm của ông Thành cũng là quyết tâm 14 ngư dân trước đây từng đồng cam cộng khổ...
Các lực lượng như biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư… luôn hỗ trợ, sát cánh cùng ngư dân. Trong ảnh là tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II tại Đà Nẵng ứng cứu đưa 34 ngư dân Quảng Nam về bờ an toàn hôm 5.5.2016. Ảnh: XUÂN THỌ |
Tăng cường đoàn kết trên biển
Để ngư dân yên tâm vươn khơi, bảo vệ chủ quyền, các ngành, nghiệp đoàn trong tỉnh đã có nhiều hành động để động viên ngư dân. Đặc biệt, các nghiệp đoàn nghề cá hay cơ quan ban ngành liên quan cũng chủ động theo sát tình hình để kịp thời hỗ trợ ngư dân đang hoạt động ở Hoàng Sa - Trường Sa.
Ông Nguyễn Hữu Khoa - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải (huyện Núi Thành) cho biết, hồi năm 2013, để giúp ngư dân yên tâm hơn ra khơi, Nghiệp đoàn nghề cá của xã Tam Hải được thành lập, đến nay có 29 tàu (mỗi tàu từ 14 đến 15 lao động) tham gia đánh bắt, giữ vững chủ quyền. “Anh em trong nghiệp đoàn nghề cá luôn đi theo đội với nhau nhằm hỗ trợ đánh bắt, cũng đoàn kết chống lại các hành động phá hại trên biển” - ông Khoa nói.
Cũng theo ông Khoa, từ đầu năm 2017 đến nay, mặc dù giá cá ngang cùng kỳ năm ngoái, nhưng thu nhập của ngư dân khá cao do năng suất khai thác đạt cao. Có chuyến biển trong vòng từ 7 -10 ngày, một tàu có thể thu về 300 - 400 triệu đồng.
Ông Trần Quang Kiến - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam, cho rằng lệnh cấm của Trung Quốc là vô lý và không có giá trị. “Vì trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, chỉ có lệnh cấm được ban ra bởi các cơ quan của Nhà nước Việt Nam mới có giá trị thực sự” - ông Kiến nhấn mạnh.
Ông Kiến cho biết, Hội Nghề cá tỉnh vẫn luôn theo sát, hỗ trợ ngư dân tiếp tục đánh bắt trên biển Đông thuộc phạm vi lãnh hải của Việt Nam một cách ôn hòa như trước đây.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông, ngoài liên kết trong tỉnh, các ngư dân Quảng Nam còn liên kết với các ngư dân tỉnh bạn. Qua đó, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nhau mỗi khi bị tàu Trung Quốc quấy phá hay bị tai nạn.
Nhờ vậy, trong những năm gần đây, đã giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người, mà vụ tàu cá QNa-94988 của ông Phạm Phú Trung làm thuyền trưởng kịp thời ứng cứu 34 ngư dân tàu ông Thành sau khi bị đâm chìm ở Hoàng Sa là một ví dụ. Hay như trước đó, vào đêm 16.6 rạng sáng 17.6.2015, ngư dân trên tàu cá QNa-94545 do ông Lê Đức Rí (xã Bình Minh) làm thuyền trưởng đã vật lộn trong sóng dữ, bất chấp hiểm nguy để cứu toàn bộ 46 ngư dân của tàu cá Quảng Ngãi, sau khi tàu này bị nạn và chìm ở Trường Sa trong điều kiện thời tiết vô cùng xấu.
Can trường, đoàn kết và quyết tâm vươn khơi làm ăn trên ngư trường truyền thống, những ngư dân Quảng Nam đang tiếp tục khẳng định chủ quyền vùng biển, vùng trời Tổ quốc.
XUÂN THỌ