Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 4)

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH 21/04/2017 09:13

  • Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 3)
  • Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 2)
  • Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 1)

KỲ 4: PHẢN ỨNG TRƯỚC HÀNH ĐỘNG TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN

Ngay từ năm 1972, tình hình Biển Đông đã có những dấu hiệu chẳng lành, khi Trung Quốc đã liên tục có những hành động xâm nhập, do thám quần đảo Hoàng Sa và các nước trong khu vực ngày càng lên tiếng đòi tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Từ đấy Việt Nam Cộng hòa (VNCH) xúc tiến hơn việc nghiên cứu những cơ sở lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với cả hai quần đảo này. Bấy giờ, trong công văn mật gửi Thủ tướng Chính phủ, Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm có đề xuất giải pháp củng cố chủ quyền của VNCH bằng các hoạt động cụ thể như: (1). Phổ biến vấn đề cho báo chí đăng tải để khuyến khích nhân dân khai thác hai quần đảo, qua các hình ảnh hay phim thời sự về các đảo; (2). Dựa trên các khảo cứu của người Pháp để lại, việc khai thác phốt phát trên hai quần đảo cần được thực hiện trong 6 tháng gió mùa đầu xuân, không cần phải đặt căn cứ khai thác cố định và nên chở phốt phát bằng thuyền buồm mới có lợi; (3). Phái các tàu hải quân thám hiểm các đảo chưa thăm viếng, báo cáo phúc trình kèm theo hình ảnh; (4). Xây cất đài khí tượng, đài viễn thông hoặc mọi công tác cần thiết để bảo đảm an ninh lưu thông tại Biển Đông; (5). Gia tăng hoạt động kiểm soát và thám sát của hải quân; (6). Bảo trợ các hoạt động có tính cách khoa học, như khảo cứu động thực vật tại các đảo, xem đó cũng là một hình thức chiếm hữu thật sự các đảo không người; (7). In tem bưu chính về hai quần đảo để xác nhận chủ quyền Việt Nam dưới mọi khía cạnh; (8). Khai thác nông nghiệp và nước ngọt đối với các đảo có thể khai thác được ở quần đảo Trường Sa.

Tàu cá có vũ trang của Trung Quốc khiêu khích chiến hạm của Hải quân  Việt Nam Cộng hòa tại đảo Hữu Nhật (15.1.1974). Nguồn: UBND huyện Hoàng Sa.
Tàu cá có vũ trang của Trung Quốc khiêu khích chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng hòa tại đảo Hữu Nhật (15.1.1974). Nguồn: UBND huyện Hoàng Sa.

Về phía quân đội, Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Trần Văn Chơn, trong phiếu trình Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng quân lực VNCH ngày 12.12.1972 cũng đề xuất việc củng cố chủ quyền đối với hai quần đảo “không chỉ thực hiện thuần túy bằng giải pháp quân sự mà cần phải thực hiện song song với các kế hoạch thuộc về kinh tế, hành chánh và ngoại giao”. Theo đó, về quân sự cần phô trương uy thế quốc gia bằng cách duy trì thường trực tại chỗ những đơn vị của quân đội có đủ khả năng bảo vệ trên các đảo. Về hành chánh phải tổ chức bộ máy chánh quyền theo hệ thống hành chánh để chứng minh hành động của quốc gia trên các quần đảo. Về kinh tế, cần tạo môi trường thuận lợi trong việc khai thác hải sản để thu hút dân chúng đến mưu sinh tạo thêm yếu tố pháp lý với sự hiện diện của người dân Việt Nam trên các quần đảo. Về ngoại giao phải minh chứng với quốc tế chủ quyền của VNCH trên các quần đảo bằng các yếu tố pháp lý căn bản như đã chiếm đóng một lãnh thổ vô chủ, có lịch sử chứng minh, với một hành vi quốc gia có tính liên tục và đã thông tri cho quốc tế biết.

Ngay sau khi được tin Trung Quốc đưa quân đến nhóm phía tây của quần đảo (15.1.1974), 11 giờ 30 ngày 16.1.1974, Nội các VNCH tổ chức ngay phiên họp nghe báo cáo tình hình và thông báo chỉ thị của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho Bộ Ngoại giao, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân. Biên bản tóm lược phiên họp Hội đồng Nội các cho biết nội dung chỉ thị như sau:

1. Bộ Ngoại giao làm tất cả mọi hành động còn làm được có tính cách quốc tế và pháp lý quốc tế từ khía cạnh lịch sử đến công pháp quốc tế để xác nhận thêm lần chót chủ quyền của VNCH trên quần đảo Hoàng Sa; thông báo ngay bằng mọi cách cho quốc gia vi phạm; phổ biến một cách rộng rãi những hành động và tuyên cáo hoặc tuyên bố v.v. của Chánh phủ ngay trong ngày 16.1.1974.

2. Đối với tàu và ghe lạ đang hiện diện tại các đảo, hải quân phải sử dụng tối đa luật lệ quốc tế đến và dẫn độ với mục đích đuổi đi. Nếu phía vi phạm sử dụng vũ lực thì đáp lại bằng vũ lực.

3. Cho lính hải quân đổ bộ lên đảo Robert (tức đảo Hữu Nhật) và đảo Duncan (Quang Hòa), nhổ cờ lạ, cắm cờ Việt Nam, đuổi người lạ đi.

. Hải quân có nhiệm vụ ngăn ngừa mọi hành động cắm cờ và đổ bộ người lên các đảo còn lại, ví như đảo Drumond (Duy Mộng) và đảo Money (đảo Quang Ảnh).

5. Hải quân, nếu cần, phải được tăng cường phương tiện để bảo vệ tối đa chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Croissant (nhóm đảo Lưỡi Liềm) và bằng mọi hành động thích ứng khi cần.

Trích lục khai tử quân nhân Nguyễn Thành Trọng trong trận hải chiến Hoàng Sa, ngày 19/1/1974. Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng.
Trích lục khai tử quân nhân Nguyễn Thành Trọng trong trận hải chiến Hoàng Sa, ngày 19/1/1974. Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng.

Hội đồng Nội các cũng quyết định:

a. Bộ Ngoại giao: Phản đối ngay theo đường lối quốc tế, qua Liên hiệp quốc, việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của VNCH tại quần đảo Hoàng Sa; trong nước, trong ngày 16.1.1974 phải làm tuyên bố chính thức với những lời lẽ mạnh mẽ và cương quyết phản đối, có thể họp báo, truyền hình và phát thanh.

b. Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân: Cho thực hiện khẩn cấp kế hoạch tái chiếm đảo Cam Tuyền (tức đảo Robert, tên Việt Nam là đảo Hữu Nhật) và đảo Quang Hòa; Bộ Tư lệnh Hải quân cho tuần tiễu kiểm soát và bảo vệ các đảo còn lại thuộc quần đảo Hoàng Sa và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; chiếm đóng ngay những đảo có thể ở được; Bộ Tổng Tham mưu yểm trợ phương tiện cần thiết cho Bộ Tư lệnh Hải quân để thực hiện các kế hoạch đã đề ra.

Cuộc hải chiến Hoàng Sa diễn ra. Có 75 binh sĩ VNCH hy sinh; 48 binh sĩ và nhân viên dân sự, cùng với 1 nhân viên Mỹ vừa mới được cử ra Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt giữ; 2 tàu HQ-4 và HQ-5 của Hải quân VNCH trúng đạn; tàu HQ-16 bị hư hại nặng phải dần rút khỏi vòng chiến. HQ-10 là tàu nhỏ nhất bị chìm. Sau này, trong loạt bài “Hải chiến Hoàng Sa” đăng trên báo Thanh niên, một người trực tiếp chiến đấu với nhiệm vụ phụ tá sĩ quan hải hành (chịu trách nhiệm an ninh cho tàu khi đi trên biển) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 là ông Phạm Ngọc Roa hiện ở thôn Tân Hưng, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng kể lại: “Sau 3 ngày căng thẳng, khi nhận được lệnh chiến đấu thì ai cũng quyết tâm chứ không sợ sệt gì cả, sống chết gạt bỏ sang một bên. Đây là cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo của chúng ta. Đất của mình, đảo của mình mà họ vô cớ đến dùng sức mạnh lấn ép, chiếm, thì chúng ta dù có yếu đi nữa cũng sẽ chiến đấu để bảo vệ… Khi rút lui khỏi trận chiến, chúng tôi biết muốn trở lại Hoàng Sa sẽ khó khăn hơn. Chúng tôi cảm thấy bất lực, không nhận được sự giúp đỡ khi chiến đấu với đối thủ mạnh hơn rất nhiều. Tất cả anh em đều buồn vì người lính đã không hoàn thành nhiệm vụ”.

(Tư liệu trong bài được trích dẫn từ các tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông tư liệu Đệ nhị Cộng hòa và Phông tư liệu Phủ Thủ tướng).

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH

Kỳ cuối: Chiến dịch ngoại giao

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH