Vì chủ quyền an ninh biên giới

ALĂNG NGƯỚC 18/05/2016 09:05

Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 8.4.2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết 02), những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, ngành, địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Mỗi cán bộ, chiến sĩ, mỗi đồn biên phòng đã thực sự là chỗ dựa tin cậy cho người dân ở các tuyến biên giới, xứng đáng với truyền thống anh hùng của lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam - tiền thân BĐBP tỉnh.

Lãnh đạo BĐBP tỉnh ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2016 - 2020 với các địa phương. Ảnh: A.NGƯỚC
Lãnh đạo BĐBP tỉnh ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2016 - 2020 với các địa phương. Ảnh: A.NGƯỚC

Phát huy sức mạnh tổng hợp

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 02, công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của tỉnh tiếp tục được tăng cường một cách toàn diện và sâu rộng, tạo chuyển biến mạnh mẽ ở các tầng lớp nhân dân vùng biên, nhất các huyện Tây Giang và Nam Giang với 142km đường biên giới đất liền tiếp giáp với nước bạn Lào. Cùng với nâng cao ý thức cảnh giác, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh biên giới,… BĐBP tỉnh đã phối hợp với các địa phương khu vực biên giới đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Hiệu quả từ công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), từng bước giảm tỷ lệ hộ đói nghèo hàng năm theo chuẩn mới. Đặc biệt, phát huy hiệu quả vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cư dân miền núi cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới trong tình hình mới. Đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 02, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói: “Thông qua các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự ở xóm, bản khu vực biên giới,… các cấp ủy đảng, chính quyền đã nỗ lực xây dựng đơn vị, địa bàn vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân. Qua đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.

“Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo trong tình hình mới, cần tiếp tục xây dựng lực lượng nòng cốt trong dân. Mỗi người dân là một chiến sĩ BĐBP. Bà con đi biển, đồng bào trên rừng, khi phát hiện có vụ việc cần báo cáo ngay cho BĐBP. Nên bố trí ổn định cán bộ BĐBP tăng cường về xã gắn với bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước. Cán bộ tăng cường phải nắm tình hình, phối hợp tổ chức truy quét quyết liệt các vụ việc đào đãi vàng, phá rừng, nhất là ở các vùng giáp ranh, biên giới”. (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường)

Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động theo tinh thần Nghị quyết 02, BĐBP tỉnh phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo; thực hiện tốt đề án tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới. Theo đó, đến nay đã phối hợp xây dựng 69 tổ với gần 4 nghìn hộ dân miền núi đăng ký tham gia tổ tự quản đường biên cột mốc; xây dựng 39 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, không sinh con thứ 3 trở lên và hoàn thành 60 cột mốc chủ quyền và 7 cọc dấu mốc biên giới trước thời hạn. Đại tá Văn Ngọc Quế - Chính ủy BĐBP tỉnh cho hay, ngoài tổ chức gặp mặt già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng DTTS, đơn vị còn phối hợp tổ chức nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng với hàng trăm lượt cán bộ thôn, xã và người có uy tín tham gia. Bên cạnh thực hiện tốt công tác dân vận và phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, BĐBP tỉnh cũng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách tham mưu cho Tỉnh ủy trong việc triển khai Nghị quyết 02 phù hợp với tình hình thực tiễn tại mỗi địa phương, góp phần đem lại hiệu quả thiết thực. Giai đoạn 2011 - 2016, BĐBP tỉnh đã giới thiệu 119 đảng viên công tác ở các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn nơi đơn vị đóng chân. Toàn lực lượng hiện có 74 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người DTTS.

Hiệu quả “kép”

Ông Đoàn Thanh Thuận - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Giang nói, không chỉ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức ở các tầng lớp nhân dân, Nghị quyết 02 còn tác động tích cực đến công tác cán bộ tại các địa phương miền núi, nhất là cán bộ người DTTS đang công tác tại các xã biên giới khó khăn. Ông Thuận dẫn chứng ví dụ thực tế ở Tây Giang, vào năm 2003 điều kiện kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ đói nghèo hơn 86%. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ vừa thiếu lại yếu cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Năm 2005, kể từ khi có chủ trương tăng cường cán bộ BĐBP về công tác tại các xã biên giới, huyện Tây Giang đã tạo điều kiện bố trí, sắp xếp chức danh phù hợp. Đồng thời tổ chức nhiều buổi làm việc với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thống nhất quy chế phối hợp, quản lý cán bộ BĐBP tăng cường đảm bảo theo quy định. Nhờ vậy, đến nay bộ mặt nông thôn miền núi của Tây Giang đã có nhiều khởi sắc; kinh tế có bước phát triển so với trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến cuối năm 2015 còn 48,05%.

Tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Ảnh: HỒNG ANH
Tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Ảnh: HỒNG ANH

Là địa phương có 6 xã biên giới tiếp giáp nước bạn Lào với 72km đường biên, Nam Giang được xác định có vị trí chiến lược quan trọng trong việc tăng cường hợp tác, hữu nghị trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh với nước bạn Lào. Theo ông Chờ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang, qua 5 năm triển khai thực hiện theo các nội dung Nghị quyết 02, nhiều chương trình hợp tác, hoạt động kết nghĩa giữa địa phương với chính quyền huyện Đắc Chưng (Sê Kông, Lào) cũng được tổ chức, đưa công tác đối ngoại phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Năm 2014, lần đầu tiên chính quyền hai huyện Nam Giang và Đắc Chưng tổ chức hội nghị thường niên, ký kết các nội dung hợp tác phát triển, cũng như đẩy mạnh giải quyết các vấn đề tồn tại về thủ tục kết hôn và phối hợp làm tốt công tác tôn tạo, tăng dày 35 cột mốc biên giới quốc gia. Đặc biệt, những năm qua Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc trở thành cầu nối giao thương, giúp hoạt động giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng thuận lợi, phổ biến. “Ngoài việc hỗ trợ cho nhân dân Đắc Chưng bò giống cùng nhiều mặt hàng thiết yếu như muối, gạo, dầu ăn,… từ năm 2014 chúng tôi cũng hỗ trợ thêm cho huyện bạn mỗi năm 200 triệu đồng, giúp phát triển sản xuất, ổn định đời sống” - ông Nhiên cho biết.

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 02 mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo trong tình hình mới là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, góp phần tăng cường đảm bảo an ninh biên giới, chủ quyền biển đảo. Do vậy, cùng với việc tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác biên phòng, BĐBP tỉnh, các cấp ngành cần tăng cường chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ trong công tác nắm tình hình địa bàn, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

BĐBP Quảng Nam được thành lập ngày 19.5.1961, tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam luôn dựa vào nhân dân, nêu cao ý thức tự lực tự cường, không ngừng lớn mạnh ở cả vùng giải phóng cũng như trên địa bàn địch chiếm đóng, lập nên những chiến công vẻ vang, góp phần cùng cả nước hoàn thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với nhiệm vụ mới là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã đoàn kết trên dưới một lòng, làm tốt nhiệm vụ công tác biên phòng, đấu tranh phòng chống hiệu quả các loại tội phạm trên 2 tuyến biên giới của tỉnh.

Với những chiến công, thành tích đã đạt được trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP tỉnh được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: BĐBP tỉnh và 10 đơn vị trực thuộc, 9 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; 1 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới. BĐBP tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất (năm 2010); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2009), hạng Nhì (2014); Huân chương Chiến công hạng Ba (2008); cùng nhiều Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành trung ương; Cờ thi đua và Bằng khen của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh...

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC