Vì chủ quyền biên giới
Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng biên phòng với Mặt trận và người dân nơi biên giới của tỉnh cũng như giữa Quảng Nam với tỉnh bạn Sê Kông (Lào) đã giúp cho chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia luôn được giữ vững.
Tự quản đường biên, mốc giới
Ông Pơ Loong Dưu - Trưởng tộc Pơ Loong ở thôn Đắc Ôốc, xã La Dêê (Nam Giang) cho biết, ngày trước bà con người Cơ Tu, Tà Riềng mình có hiểu biết chi về đường biên giới; tầm quan trọng của việc bảo vệ cột mốc, đường biên, quốc giới càng không biết. Mãi cho đến khi được cán bộ biên phòng đến nhà tuyên truyền, vận động bà con mình tham gia vào Tổ tự quản đường biên, mốc giới thì lúc đó mọi người mới hiểu và tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới. “Được tuyên truyền, hướng dẫn, cùng với đồng bào ở vùng biên, người trong tộc Pơ Loong chúng tôi đã có thể nhận biết được các dấu hiệu về đường biên giới, cột mốc và có ý thức tham gia bảo vệ. Tôi cũng răn bảo người trong tộc không được vượt sang biên giới bạn trái phép; bà con phải chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chung tay cùng bộ đội biên phòng xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc” - ông Pơ Loong Dưu nói.
Lực lượng biên phòng và người dân thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi, tạo ổn định cho khu vực biên giới. Ảnh: Q.VIỆT |
Theo Thiếu tá Đỗ Hoành Minh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, để đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới thuộc địa bàn quản lý, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Giang cũng như người dân trên địa bàn các xã La Dêê, Đắc Tôi… tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát vùng giáp biên cũng như xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả của các Tổ tự quản bảo vệ đường biên, mốc giới, qua đó bảo đảm an ninh trật tự trong các thôn, xã. Người dân trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, di cư tự do, buôn bán ma túy, phá rừng, đào vàng trái phép… “Việc vận động thành lập các Tổ tự quản đường biên, mốc giới diễn ra chưa lâu nhưng đã huy động đông đảo người dân vùng biên tham gia. Đến nay, 10 tổ tự quản trên địa bàn 2 xã La Dêê và Đắc Tôi hoạt động khá hiệu quả, kịp thời cung cấp thông tin cho chúng tôi khi có vi phạm ở khu vực biên giới để xử lý ngay” - Thiếu tá Đỗ Hoành Minh nói.
Toàn huyện Nam Giang đã thành lập được 38 Tổ tự quản đường biên, mốc giới với sự tham gia của 2.129 người dân. Hàng năm, người dân Nam Giang cung cấp cho các lực lượng chức năng hơn 200 nguồn tin quý giá, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia. Bà Briu Gươnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ việt Nam huyện Nam Giang cho biết, việc thành lập các Tổ tự quản bảo vệ đường biên, mốc giới đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới trong thời gian qua. Biên giới, buôn làng bình yên đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. “Thời gian đến chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với lực lượng biên phòng, tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân hiểu và cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Trong tuyên truyền, chúng tôi triển khai các cách thức phù hợp hơn để nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới” - bà Briu Gươnh nói.
Thắm tình biên giới
Ngày 18.9.2013, huyện Nam Giang phối hợp với huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào) tổ chức cho 8 thôn và 8 bản vùng giáp biên làm lễ kết nghĩa, gồm: thôn Đắc Ôốc (xã La Dêê) với bản Đắc Tà Ọc Nọi; thôn Đắc Tà Vâng (xã Đắc Tôi) với bản Đắc Tà Ọc Nhày; thôn Pa Lan, Pà Ooi, Đắc Ngol (xã La Êê) lần lượt kết nghĩa với bản Đắc Điêng, Con Dông, Đắc Đôm; thôn A Xò, Con Zốt, BLăng (xã Chơ Chun) kết nghĩa với các bản Tăng Nóng, Ta Lăng, Tăng Dơi. Từ đó, nhân dân các thôn, bản thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giao lưu, tặng quà lẫn nhau trong các dịp tết, lễ. Nhiều đoàn công tác của huyện Nam Giang cũng như lực lượng biên phòng của tỉnh đã tổ chức thăm, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân các bản Lào vùng giáp biên. Mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, sẻ chia của chính quyền, nhân dân hai bên biên giới ngày một đầy đặn hơn, các lực lượng vũ trang của 2 tỉnh cũng thêm thắm tình hữu nghị. “Nhân dân hai bên biên giới thường xuyên gìn giữ mối quan hệ thân thiết. Các hoạt động văn hóa, phong tục tập quán, lao động sản xuất của nhân dân hai bên biên giới cơ bản tương đồng nên nghĩa tình càng bền chặt. Cũng nhờ đó, trong quá trình quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới không có tranh chấp. Chính quyền địa phương và nhân dân hai bên đều có chung mong muốn gắn bó bền vững mối quan hệ hòa hảo được xây dựng và vun đắp bấy lâu nay” - Đại tá Nguyễn Văn An, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết.
Ông Lê Văn Hường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Giang cho rằng, mô hình kết nghĩa thôn, bản biên giới giữa 2 huyện Nam Giang và Đắc Chưng đã góp phần thiết thực giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự ở khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ dân tộc, đoàn kết nhân dân. Ðể nhân rộng mô hình kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới, tỉnh cần đầu tư nguồn kinh phí hoặc huy động sự tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, để địa phương cũng như lực lượng biên phòng có thêm nguồn lực tổ chức hoạt động thăm hỏi, tặng quà, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân các bản Lào vùng giáp biên. Cùng với đó nên có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào tự quản đường biên, mốc giới. Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, từ nguồn ngân sách của trung ương, tỉnh sẽ bố trí kinh phí giúp các địa phương có đường biên giới đảm bảo hoạt động của phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. “Trong thời gian tới, Nam Giang nên mở thêm các đợt tập huấn giúp cho cán bộ và nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới học hỏi, bổ sung kiến thức vào kinh nghiệm thực tiễn cũng như sơ kết phong trào ở cấp xã, cấp huyện để đánh giá, triển khai tốt hơn. Huyện cũng nên tiếp cận các cơ chế, chính sách của tỉnh để phát triển tốt hơn về kinh tế, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực biên giới. Có vậy phong trào sẽ chuyển biến tốt hơn, càng đi vào chiều sâu” - ông Long nói.
QUANG VIỆT