Điểm tựa vùng biên
Từ khi được thành lập, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan đã sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Giang củng cố hệ thống chính trị, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: XUÂN NGHĨA |
Điểm tựa hòa bình
Ngày 7.7.1975, Đồn Biên phòng A Xan được thành lập, tiền thân là Đồn 44 Atu đóng tại bản Atu, xã Ch’Ơm, huyện Hiên cũ, sau về đóng tại thôn Arầng 1, xã Tr’Hy, Tây Giang. Đơn vị phụ trách địa bàn 2 xã A Xan và Tr’Hy với đường biên giới dài 20km, quản lý, bảo vệ 7 cột mốc, từ cột mốc 695 đến 691. Từ cơ sở vật chất những ngày đầu còn nghèo nàn, đơn sơ, đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, xây đồn, lập trạm, bảo đảm nơi sinh hoạt, công tác. Đơn vị luôn bám sát, thực hiện nghiêm mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cùng với sự tin yêu, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, đơn vị đã lập nhiều chiến công xuất sắc.
Nói đến những ngày đầu về công tác tại Đồn Biên phòng A Xan, Đại tá Nguyễn Văn An - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam luôn nhắc lại với niềm tự hào. Vào thời điểm đó đường sá đi lại khó khăn do địa hình hiểm trở nên lên được đồn phải mất gần một tuần cắt rừng, còn về bản làng gần nhất cũng hết vài giờ đồng hồ. Nhưng với phương châm “Vững biên cương phải yêu thôn bản”, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng A Xan luôn động viên, sát cánh bên nhau vượt khó, tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị gắn với bám bản giúp dân, phối hợp cùng địa phương củng cố hệ thống chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Đặc biệt, trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, đơn vị có 8 đồng chí tham gia; bên cạnh đó, cử nhiều lượt CBCS làm công tác ở địa bàn ngoại biên nước bạn Lào để đấu tranh phòng chống tội phạm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động xâm nhập của bọn phản động vào địa bàn nội địa chống phá chính quyền cách mạng.
Song song với nhiệm vụ đảm bảo trật tự an ninh biên giới, CBCS Đồn Biên phòng A Xan thường xuyên phối hợp cùng huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) trao đổi thông tin bảo vệ đường biên cột mốc hòa bình hữu nghị. Nhắc về những cống hiến tạo nên chỗ dựa của nhiều thế hệ lãnh đạo cùng CBCS đơn vị đã dày công góp sức giúp cho đồng bào khu 7 phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới, Thiếu tá Bùi Đức Hạnh - Chính trị viên Đồn Biên phòng A Xan cho hay, bây giờ về các bản làng vẫn còn nghe nhiều câu chuyện cảm động già làng kể với con cháu về tình cảm của người lính biên phòng dành cho thôn nóc gian khó mấy mươi năm trước. Cũng theo Thiếu tá Bùi Đức Hạnh, CBCS đơn vị còn hành quân sang 6 bản Tà Vàng, Ba Lê, Chi Tơ, Keo, Achinh, Ka Uông - Ating, thuộc cụm bản Tà Vàng, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, giúp dân sản xuất, khám chữa bệnh và phối hợp tuần tra bảo vệ cột mốc.
Trong 40 năm qua, CBCS Đồn Biên phòng A Xan vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, UBND huyện Tây Giang... tặng 186 bằng khen, giấy khen. Đơn vị nhiều năm liền đạt danh hiệu Quyết thắng; Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. |
Ngoài nhiệm vụ được giao, đơn vị còn thường xuyên tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác ngoại giao nhân dân, đối ngoại biên phòng, tổ chức kết nghĩa giữa các bản hai bên biên giới của huyện Tây Giang và các huyện Đắc Chưng, Kà Lừm, tỉnh Sê Kông. Qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị và lực lượng có liên quan xử lý hàng trăm vụ với hàng nghìn đối tượng vi phạm pháp luật, vượt biên trái phép; phối hợp với các cơ quan và lực lượng chức năng truy quét đẩy đuổi hàng chục vụ với hàng trăm đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Những chiến công thầm lặng của CBCS Đồn Biên phòng A Xan đang viết tiếp trang sử hào hùng về truyền thống của đơn vị và Bộ đội Biên phòng tỉnh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ biên giới Tổ quốc, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tình quân dân
Chia sẻ về những đóng góp của đơn vị, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Xan - Thượng tá Trần Đắc Đồng bảo rằng, trong quá trình công tác, CBCS đơn vị đã không quản ngại khó khăn, gian khổ và luôn gắn bó máu thịt với đồng bào Cơ Tu bản địa, với bản làng biên giới bằng những việc làm thiết thực. CBCS Đồn Biên phòng A Xan đã đóng góp hàng nghìn ngày công tham gia cùng nhân dân làm đường liên thôn, liên xã; xây dựng trường học ở các thôn và các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt. Đơn vị còn đặt máy xay xát phục vụ nhân dân, mở lớp xóa mù chữ, tuyên truyền vận động ra lớp hàng trăm trẻ trong độ tuổi đến trường và nhiều trường hợp bỏ học. Nhìn nhận những đổi thay tại quê mình hơn chục năm qua, ông Bríu Nhang ở xã A Xan bộc bạch: “CBCS biên phòng đã giúp đồng bào Cơ Tu bỏ dần hủ tục lạc hậu, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội ở từng cụm bản. Nhờ có bộ đội biên phòng, cuộc sống người dân A Xan ngày càng nâng lên và không còn thiếu đói khi giáp hạt nhờ ứng dụng kỹ thuật trong trồng trọt, làm lúa nước.
Bộ đội Biên phòng Đồn A Xan giúp nhân dân làm lúa nước. |
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã A Xan - Pơ Loong Đinh cho biết, bên cạnh phối hợp cùng chính quyền hoạch định kế hoạch, chủ trương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh khu vực biên giới, trong nhiều năm qua, Đồn Biên phòng A Xan còn xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” tại 15/15 thôn, với 308 cặp vợ chồng tham gia; mở điểm cắt tóc tình nguyện ngày thứ Bảy; xây dựng 16 góc học tập cho học sinh thôn A Rầng 1. Đặc biệt, đơn vị đã giới thiệu hàng trăm lượt đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn; hỗ trợ xây dựng hàng chục nhà đại đoàn kết, nhà nghĩa tình Trường Sơn, ước mơ tuổi vàng… cho hộ nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức các lớp học tiếng Lào, tiếng dân tộc Cơ Tu, dạy tin học cho học sinh và nhân dân trên địa bàn, nhận đỡ đầu 4 học sinh cấp 1 có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. “Trước đây, trên địa bàn nhiều hộ còn thiếu ăn, thiếu mặc, thì nay không ít hộ đã mua sắm được những vật dụng đắt tiền như ti vi, xe máy; xây dựng nhà cửa khang trang. Ở A Xan bây giờ đã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể so với những năm trước. Tất cả cũng nhờ có sự góp sức của Đồn Biên phòng A Xan” - ông Pơ Loong Đinh nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Arất Blúi khẳng định, Đồn Biên phòng A Xan đã cùng địa phương làm đổi thay khu vực biên giới trong phát triển kinh tế - xã hội. Và hôm nay, trên từng cung đường về các thôn bản A Xan, không khó để bắt gặp những ruộng lúa nước bậc thang xanh mướt đầy sức sống; Trạm Y tế quân dân y kết hợp được trang bị đầy đủ đảm bảo chăm lo sức khỏe cho nhân dân là minh chứng cho tình quân dân nơi cổng trời khu 7. Ông Arất Blúi cho biết thêm: “Chính quyền và nhân dân Tây Giang đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường cho địa phương, đã phát huy tốt trách nhiệm được giao để xây dựng phong trào tự quản ở các thôn; xây dựng điểm sáng văn hóa, thôn văn hóa, gia đình văn hóa… tạo mối quan hệ tình cảm, gắn bó quân dân trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Những việc làm đầy nghĩa tình đó càng tô thắm tình quân dân”.
XUÂN NGHĨA