Đời thủy thủ

KHÁNH QUÂN 19/02/2015 11:05

Những ngày giáp tết, đâu đó trên khắp nẻo đường quê, những mâm cúng tỏa khói hương nghi ngút. Tôi lại nhớ đến một mâm cúng giữa Hoàng Sa trong những ngày dông bão khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép. Mâm cúng của người chiến sĩ can trường vì biển đảo quê hương phải lặng lẽ giấu nỗi đau riêng mình, dành trọn tình thâm cho Tổ quốc.

Chọn đời thủy thủ là các anh đã chọn cho mình cuộc đời vượt khỏi riêng tư…

Mâm cơm cúng giữa Hoàng Sa

Biển Hoàng Sa sau mấy ngày biển động, trời bắt đầu sáng dần trở lại, thế nhưng con tàu kiểm ngư mang số hiệu 22 vẫn lắc lư liên tục bởi gió tây nam thổi cấp 5. “Sóng lừng đấy”, kiểm ngư viên Trần Văn Huy chỉ tay xuống mặt biển đen ngòm nói. Nhìn ánh mắt lẫn giọng nói đượm buồn, tôi biết đêm qua anh không ngủ. Huy bảo không nghĩ thì thôi, chứ nghĩ tới là thương anh trai vô cùng… “Anh ruột mất mà không về thắp được một nén nhang nghĩ cũng buồn, nhưng nhiệm vụ không thể bỏ được. Thôi thì làm mâm cơm thắp hương, mong anh cả thứ lỗi” - Huy nói, mắt đau đáu hướng về phía đất liền.

Vì nhiệm vụ Tổ quốc giao, không thể về thắp hương cho anh trai đột ngột qua đời, kiểm ngư viên Trần Văn Huy làm mâm cơm cúng anh cả trên tàu ngay giữa vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: KHÁNH QUÂN
Vì nhiệm vụ Tổ quốc giao, không thể về thắp hương cho anh trai đột ngột qua đời, kiểm ngư viên Trần Văn Huy làm mâm cơm cúng anh cả trên tàu ngay giữa vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: KHÁNH QUÂN

Tối hôm ấy (10.6.2014), con tàu kiểm ngư 22 vẫn còn neo ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) chờ tiếp nhận nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chuyến quay trở lại Hoàng Sa lần thứ 2. Mọi người ai cũng phấn khích, hứng thú bởi chỉ chừng 10 tiếng đồng hồ nữa thôi, con tàu sẽ nhổ neo trở lại khơi xa. Tất cả đang rộn ràng, đột ngột nhận được tin “anh trai mất ở quê” khiến chỉ huy tàu Trần Văn Huy chết lặng. Huy với thuyền trưởng Lê Minh Phúc là 2 người đã kiên cường chỉ huy tàu kiểm ngư 22 đối đầu với các tàu hộ tống Trung Quốc ngay từ những ngày đầu Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam. Nhìn khuôn mặt cháy sạm bởi nắng gió, không mấy ai nghĩ chỉ huy con tàu này mới qua tuổi 40.

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở vùng quê Thanh Hóa, bố Huy từng là trung đoàn trưởng một trung đoàn đặc công. “Vì đặc thù công việc nên bố đi suốt, gánh nặng ruộng vườn ở quê gần như đặt hết lên vai người anh cả. Tuổi thơ của mấy anh em là đàn trâu cùng vài sào ruộng khoán xa  tít tắp. Anh ấy vừa là anh vừa như là cha trong nhà. Việc gì nặng anh giành ôm hết chẳng mấy khi để em út đụng tay vào” - Huy chia sẻ. Những giọt nước mắt chảy từ hốc mắt sâu hoắm của người đàn ông nổi tiếng can trường giữa biển khiến nhiều thủy thủ trên tàu không khỏi chạnh lòng.

Giật mình như không muốn mọi người vì chuyện riêng tư của mình mà bi lụy, Huy ngẩng mặt cương nghị coi như không có chuyện gì xảy ra, rồi hối thúc mọi người trở lại công việc của mình, chuẩn bị cho chuyến trở lại Hoàng Sa sớm. Riêng Huy kéo tay tôi trở lại phòng làm việc của anh. Bên cốc trà bắc tỏa khói nghi ngút, Huy bảo tối qua ở quê điện vào báo anh trai bị tai nạn và đột ngột qua đời. Tin như sét đánh khiến Huy hụt hẫng. Nửa muốn lên bờ đón xe ra quê thắp cho anh nén nhang, nửa lại lấn cấn chuyện tàu chuẩn bị ra lại Hoàng Sa. Và cuối cùng quyết định đành xin tạ tội với anh trai, chứ bây giờ  không thể bỏ đồng đội, bởi mặt trận phía Hoàng Sa còn nhiều cam go…

Chiều muộn ngày 12.6.2014, khi tàu kiểm ngư mang số hiệu 22 do Trần Văn Huy chỉ huy đang rẽ sóng lao về phía phía đảo Tri Tôn (Hoàng Sa) trước khi những tia nắng cuối ngày lụi tắt dần phía chân sóng, thì những đồng đội của anh cũng vừa kịp làm xong mâm cơm cúng. Chỉ là con gà, 2 đĩa xôi nấu vội kèm bao thuốc, mấy lon bia gọi là… Trước mũi tàu, Huy thắp nén nhang rồi chắp tay vái, miệng lâm râm khấn như đang nói chuyện với người đã khuất: “Em vì nhiệm vụ Tổ quốc giao phó mà phải vắng mặt trong buổi chia tay anh lần cuối cùng. Em xin anh lượng thứ, bỏ qua!”. Những tàn hương theo gió biển bay ra phía boong tàu trước khi hòa mình giữa biển khơi xanh thẳm. Phía dưới boong, những con sóng bắt đầu ì ầm vỗ mạnh, báo hiệu sự trở mình không bình yên của biển.

Tin vui giữa giờ tuyệt vọng

Bên trong căn phòng của con tàu rộng chưa đến 6m2 ở tầng 2, Huy lôi từ trong tủ ra tấm ảnh chụp anh bồng đứa con trai đầu lòng khi ấy chừng 18 tháng tuổi. “Miệt mài mãi mới sinh được mụn con đấy vậy nên đặt tên cho con là Gia Bảo”. Nói rồi Huy nhìn ra ô cửa sổ, bên ngoài một màu xanh của đại dương mênh mông, sâu hút đến thăm thẳm. Và rồi câu chuyện về gia đình, bản quán quay trở lại trong tâm trí đầy tâm trạng của người kiểm ngư viên. Huy bảo rằng tuổi thơ của anh là những tháng ngày nhọc nhằn trên những sào đất ruộng khô cằn ở Thanh Hóa. Tốt nghiệp lớp 12, Huy xung phong nhập ngũ và quyết định ở lại công tác lâu dài trong quân đội nên đăng ký theo học khóa sơ cấp máy tàu tại TP.Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp khóa sơ cấp, Huy tiếp tục đăng ký thi vào trung cấp máy tàu. “Tốt nghiệp khóa trung cấp tôi đã 27 tuổi. Cái tuổi mà trang lứa ở quê đã lập gia đình từ lâu. Nhiều lần bố mẹ ở quê điện vào hối thúc lấy vợ nhưng chỉ vì muốn tầm mắt của mình không bị một vật nào ngăn lại, vậy nên phải “xuống tàu” ra với đại dương. Tôi chọn nghề tàu biển là vậy”. Nhưng cái khát vọng vươn lên ở người thanh niên này vẫn chưa dừng lại. Hàng đêm, các đồng nghiệp vẫn bắt gặp cảnh Huy lọ mọ dùi mài đèn sách ngay dưới hầm tàu chờ ngày thi vào Học viện Chính trị quân sự. “Tôi vẫn tâm niệm rằng sự cố gắng của bản thân sẽ giúp mình vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh”. Chính ý chí không chịu lùi bước đó đã giúp cho một thanh niên như Huy vốn “rặt” nông dân trở thành một thủy thủ dày dạn kinh nghiệm.

Nhưng chuyện mà Huy muốn tâm sự, không phải là sự nghiệp học hành mà là chuyện gia đình, con cái. Đến năm 32 tuổi, Huy vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Huy bảo mỗi năm về phép một lần, đúng 7 ngày. Thời gian ấy chỉ đủ bù khú với đám bạn học, còn đâu mà đi tìm hiểu. Vậy nên vợ anh sau đó - chị Nguyễn Thị Phượng, cũng là nhờ người nhà đi xem mắt để rồi mãi đến đợt phép năm sau Huy mới về dạm ngỏ. Cưới xong, anh để vợ ở quê còn mình trở lại đơn vị đóng quân tận Khánh Hòa tiếp tục công tác… Vợ chồng cưới nhau đã 4 năm mà vẫn chưa có con, nghĩ chắc vì cách trở nên năm 2010 Huy về quê xin phép bố mẹ đưa vợ vào Khánh Hòa. Tình hình vẫn không cải thiện. Huy bảo nhiều đêm nằm nghĩ mà buồn, bởi cảnh chồng đi miệt mài ngoài biển còn vợ ở nhà một mình vò võ, nếu có tiếng trẻ thơ thì vui biết mấy…

Vợ chồng anh Huy đã đi khắp nơi từ Bắc chí Nam chữa chạy để mong có được một mụn con… nhưng vẫn “bặt âm vô tín”. Huy cũng đã nghĩ đến phương án cuối cùng “can thiệp thụ tinh nhân tạo”. Nhưng đúng lúc ấy thì “tin vui bất ngờ” đã đến với đôi vợ chồng. Huy vẫn còn nhớ như in hôm ấy là cuối tuần, chị Phượng đi ngang qua tiệm thuốc tây rồi xui khiến thế nào lại ghé vào mua que thử thai. Về nhà, chị lặng lẽ thử rồi bảo với chồng rằng “hình như mình có con anh ạ!”. Nghe vậy Huy cười bảo “chắc em trông có con quá nên vậy”. Nhưng rồi đêm đó Huy kể rằng “nằm mơ thấy mình dẫn con trai về quê thăm bố”. Sáng hôm sau tỉnh dậy, Huy cứ lẩn thẩn chưa chịu trở lại đơn vị mà đề nghị vợ lên trạm xá gần nhà kiểm tra. Khi nghe bác sĩ báo tin chị có thai 7 tuần, Huy mừng phát khóc. “Chuyện con cái chẳng biết thể nào để nói anh ạ” - Huy bảo.

Hôm chị Phượng sinh con, Huy vẫn còn “lang thang” cùng đồng đội ngoài đại dương. “Mãi hơn 3 tháng sau tôi mới có dịp vào bờ để về quê nhìn mặt cậu con trai của hơn 6 năm chờ đợi”.  Huy tâm sự sau khi sinh nở xong, mấy tháng sau anh đưa vợ con trở lại Khánh Hòa rồi xin cho vợ vào làm nhân viên văn thư ở UBND huyện Cam Lâm, còn mình trở lại với đại dương.

Giờ đây cu cậu Gia Bảo đã hơn 18 tháng tuổi rất kháu khỉnh, nhưng mấy khi được bố bồng bế nâng niu. Hỏi ra anh cười tếu bảo rằng “nhớ con trai lắm nhưng, vòng tay của bố lại phải để dành ôm vô lăng tàu mất rồi”.

KHÁNH QUÂN

KHÁNH QUÂN