Tương trợ bám biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 13/11/2014 09:05

Trong hành trình gắn bó với biển, ngư dân Quảng Nam đã biết đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tạo động lực vươn khơi bám biển.

Sẵn sàng ứng cứu

Khai thác hải sản luôn tiềm ẩn rủi ro bởi thời tiết trên biển luôn biến động thất thường. Thực tế, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra đối với ngư dân trong quá trình sản xuất xa bờ thời gian qua. Và trong hiểm nguy, tình người trên biển đã giúp ngư dân nương tựa vào nhau, vượt qua nhiều thời điểm khó khăn. Anh Trần Văn Độ (thôn Tân Lập, xã Tam Hải, Núi Thành), chủ tàu cá QNa 91171 có công suất 350CV theo nghề lưới vây vẫn còn nhớ như in sự giúp đỡ tận tình của anh Phạm Xuân Lệ (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành). Đầu năm nay, trong lúc đang đánh bắt trên biển thì tàu của anh Độ bị hư máy, phải thả trôi trong điều kiện thời tiết xấu. Đang trên hành trình về gần đến đất liền nhưng khi nhận được tín hiệu giúp đỡ qua máy liên lạc ICOM, anh Lệ đã cho tàu của mình quay lại ra biển, lai dắt chiếc tàu của anh Độ về đất liền. Anh Lệ chia sẻ: “Trên biển cả mênh mông, anh em ngư dân chúng tôi luôn nương tựa vào nhau, có khó khăn chi thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều khi nhận thấy các tàu cùng ngư trường sản xuất trên biển bị thiếu thốn, chúng tôi đã chia sẻ thuốc men, nước ngọt, lương thực hay đá cây để ướp cá”.

Gia đình ông Lê Văn Trực chuẩn bị đi câu đêm. Ảnh: N.Q.V
Gia đình ông Lê Văn Trực chuẩn bị đi câu đêm. Ảnh: N.Q.V

Ngư dân Huỳnh Văn Song (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang, Núi Thành) thì không quên sự giúp đỡ của anh Huỳnh Văn Diệp trú cùng thôn khi tàu cá QNa-91298 của mình bị nạn tại đảo Bông Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Khi nhận được tin, dù đang ở đất liền nhưng anh Diệp đã đưa 2 tàu cá QNa-91827 và QNa-90125 mang lương thực, thực phẩm, nước uống ra Hoàng Sa giúp đỡ ngư dân bị nạn rồi lai dắt tàu của anh Song về đất liền. “Chuyến đi tiêu tốn không dưới 100 triệu đồng nhưng chúng tôi không nề hà tính toán. Thời điểm ấy nghe nói bão đang dần tiến vào biển Đông nên chúng tôi nhanh chóng đưa tàu ra ứng cứu. Biển động mạnh thì mọi tình huống xấu đều có thể xảy ra cho tàu cá không còn hoạt động được” - anh Diệp nói.

Cách đây không lâu, tàu cá QNa-90334 có công suất 400CV theo nghề lưới vây ánh sáng của ngư dân Lê Văn Năm (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) bị đứt dây rút lưới khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Cách đó khá xa, lại đang chuẩn bị thả lưới nhưng khi nhận được tín hiệu qua máy ICOM, ngư dân Huỳnh Văn Diệp cũng quyết định cùng với 16 thuyền viên trên tàu đến hỗ trợ. Phải vất vả từ 19 giờ tối đến tận 3 giờ sáng hôm sau, anh Diệp và các “bạn” mới cứu được lưới của anh Năm khỏi bị chìm. “Trong điều kiện sóng to, gió lớn rất khó xoay xở, hoạt động nhưng sự kiên trì, đoàn kết đã giúp chúng tôi giữ được ngư lưới cụ của mình. May nhờ anh Diệp đến ứng cứu chứ không thì gia đình đã bị thiệt hại cả tỷ đồng rồi” - anh Năm chia sẻ.

Đồng lòng bám biển

Ngoài việc sát cánh cùng nhau trong quá trình bám biển, ngư dân Quảng Nam đã chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Họ sẵn sàng vận động và đóng góp tiền của để giúp các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà cửa, mua sắm ngư lưới cụ, như câu chuyện của các ngư dân Nguyễn Đi (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) hay Lê Văn Trực (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang)… Bám biển từ thuở thiếu thời cho đến năm 55 tuổi nhưng ngư dân Nguyễn Đi không thể dành dụm đủ tiền của để xây nhà bởi quanh năm đi “bạn” bữa được, bữa không. Cái nghèo cộng thêm vợ mất rồi con mất, ông Đi ngày càng khốn khó hơn. Căn nhà do ông bà để lại, dãi dầm mưa nắng ngày càng xập xệ. Thấy vậy, bà con ngư dân trong thôn, xã đã vận động ông Đi gia nhập vào tổ chức nghiệp đoàn nghề cá của xã. Mỗi khi các đoàn viên của nghiệp đoàn được nhận sự hỗ trợ nào, họ đều dành cả cho ông. Từ sự góp vốn của các ngư dân cộng với số tiền hỗ trợ của Quỹ mái ấm công đoàn do Liên đoàn Lao động huyện Núi Thành phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, ông Đi đã xây được căn nhà tương đối cứng cáp cách đây 2 năm. “Tôi chẳng thể nào xoay xở được vài chục triệu đồng để xây được căn nhà nhỏ. Sau khi vợ mất, con mất, sức khỏe tôi không còn như trước, sức lao động cũng yếu hơn. May nhờ sự đùm bọc của hàng xóm, làng giềng cũng như của tổ chức nghiệp đoàn nghề cá mà tôi đã xây được căn nhà này” - ông Đi nói.

Khi chúng tôi đến thăm nhà ông Lê Văn Trực thì cả gia đình đang đan lưới, mắc câu để chuẩn bị cho các chuyến câu đêm trong mùa biển động này. Ông Trực cho biết, trung bình sau mỗi đêm đi câu, gia đình thu nhập được khoảng vài trăm nghìn đồng, vừa đủ trang trải cuộc sống. Năm nay bước sang tuổi 47, ngư dân Lê Văn Trực đã có thâm niên 30 năm theo nghề lưới vây ánh sáng, ông đi “bạn” trên các phương tiện đánh bắt xa bờ. Khi các tàu lưới vây nghỉ đông, ông Trực sinh kế bằng các chuyến câu gần bờ. “Biển giã thất thường, có chuyến được, chuyến thua. Mình đi “bạn” thì không thể có thu nhập cao được. Nhờ dành dụm cộng với sự đỡ đần của các ngư dân cùng thôn, xã cũng như tổ chức nghiệp đoàn mà gia đình tôi đã cất được căn nhà này. Cơ ngơi đủ để 2 thế hệ vợ chồng tôi và gia đình đứa con trai sinh sống ổn định” - ông Trực san sẻ. Ông Bùi Thế Cả - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã vận động ngư dân trong xã cũng như kêu gọi Liên đoàn Lao động huyện giúp đỡ các gia đình ngư dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đã có 4 căn nhà tình thương được xây nên trên địa bàn xã trong 2 năm nay. Tương trợ bám biển là truyền thống của ngư dân địa phương”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT