Tôi đã đến Trường Sa - Kỳ 2: Sức sống Trường Sa
Trong hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2014, đoàn chúng tôi đến thăm, làm việc tại các đảo: Đá Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Phan Vinh, Đá Tây, Trường Sa và Nhà giàn DK1. Sau mấy ngày lênh đênh với mênh mông sóng nước, cảm giác của chúng tôi khi ở trên đảo thật bình yên, gần gũi, thân thiết.
|
Đường vào đảo. |
Lung linh đảo xa
Khi đến với các đảo, ấn tượng đầu tiên là đảo nào cũng có những cột năng lượng gió, đèn năng lượng mặt trời và những cột ăng ten tiếp sóng điện thoại di động, tiếp sóng truyền hình chạy dài xung quanh đảo. Qua đêm tại đảo Nam Yết và Trường Sa lớn chúng tôi ai cũng ngạc nhiên và bất ngờ vì ánh điện đêm lung linh từ những cột đèn năng lượng mặt tời và những hàng tua-bin điện gió trên đảo. Đêm trên đảo thật đẹp. Đảo lấp lánh ánh đèn điện tựa như những viên kim cương phát sáng giữa biển Đông. Được biết năm 2008, dự án xây dựng hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK được thực hiện. Đến nay tất cả 33 điểm đảo và 15 nhà giàn DK của quần đảo Trường Sa có điện 24/24 giờ. Thượng úy Trần Văn Khanh, đảo Nam Yết, cho biết: "Trước khi Trường Sa có điện, việc thắp sáng phục vụ sinh hoạt trên đảo chủ yếu bằng dầu hỏa. Từ khi có điện, đời sống của cán bộ, chiến sỹ trên đảo được nâng cao đáng kể".
Các đai biểu mang quà từ đất liền lên đảo. |
Lênh đênh trên biển suốt hai ngày, mọi liên lạc với đất liền dường như bị gián đoạn. Nhưng khi tàu gần đến đảo đầu tiên, mọi người đều ngạc nhiên vì cột sóng điện thoại của ai cũng đầy tín hiệu. Vì thế, mỗi khi tàu gần đến các đảo là ai nấy đều chạy lên boong tàu để gọi điện về cho người thân ở đất liền hay tranh thủ đăng vài bức hình "biển đảo" lên trang mạng xã hội... Sự xuất hiện của điện và công nghệ thông tin thực sự đã làm thay đổi cuộc sống nơi hải đảo xa xôi này. Nhờ có sóng của Viettel, các chiến sỹ trên các đảo nổi, đảo chìm, nhà dàn DK đều có thể gọi điện về thăm gia đình qua mạng di động. Khoảng cách giữa Trường Sa và đất liền đã trở nên gần hơn rất nhiều!
Sức sống Trường Sa
Đến đảo Sơn Ca vào buổi sáng sớm, chúng tôi rất bất ngờ với vẻ đẹp kiêu sa, đẹp như tên gọi của đảo vậy. Đảo hình bầu dục, hẹp ngang, nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Sơn Ca là một trong hai đảo có thảm thực vật phong phú xanh tốt. Trừ một số bãi cát, đá gần bờ còn lại khắp mặt đảo được phủ một màu xanh của cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông, cây phi lao... Nhiều vị trí trên đảo, cây lớn tỏa bóng xum xuê che bóng mát cho cả đảo. Xen kẽ những công trình quân sự, dân sự là những vườn rau muống, rau cải mầm, giàn bầu, giàn bí xanh ngắt.
Hệ thống đèn điện năng lượng mặt trời trên đảo Nam Yết. |
Trên đảo nổi, để có những vườn rau xanh, các chiến sỹ phải mất rất nhiều công sức. Thế nhưng để trồng được một chậu rau xanh trên đảo chìm là cả một kỳ công. Lên đảo chìm Đá Lớn, Đá Tây chúng tôi mới biết để có một chậu rau xanh tốt thì các chiến sỹ phải vất vả như thế nào. Đất và phân vi sinh được mang từ đất liền ra, trồng rau vào từng chậu nhỏ. Nắng gió hắt đằng trước thì bê chậu rau trốn ra đằng sau, hắt bên phải thì bê chạy sang bên trái, và ngược lại cứ như thế ngày biết bao nhiêu lần bê bê, chạy chạy.
Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Bình đóng tại đảo Đá Lớn A chia sẻ: "Trồng rau thì phải cần nước tưới. Vào mùa khô nước dự trữ phải tiết kiệm từng giọt và những giọt nước tiết kiệm ấy khi không còn dùng vào việc gì nữa thì tưới rau. Đơn giản như sau khi rửa mặt buổi sáng, những giọt nước còn đọng trên khăn mặt sẽ đươc vắt kiệt cho rau..." Điều kiện trên những đảo chìm khắc nghiệt là thế nhưng kỳ lạ thay, những chậu rau đủ loại như: cải mầm, rau muống, mồng tơi, ớt, thậm chí cả dây rau mơ… lại cứ xanh mướt, mơn mởn.
Những chậu rau trên đảo chìm Đá Lớn A. |
Nếu như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng ngồi đợi mưa giữa mùa khô trên đảo Sinh Tồn và "hồn nhiên" dưới một cơn mưa mộng tưởng: Ôi ước gì được thấy mưa rơi/ Chúng tôi sẽ trụi trần, nhảy choi choi trên mặt cát/Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo... Thì chúng tôi thật may mắn khi trải qua bốn ngày với nắng gió Trường Sa đã được đón cơn mưa mát lành trên đảo Sinh Tồn Đông. Sau cơn mưa, không chỉ con người mà cây cối và động vật trên đảo đều căng tràn sức sống.
Nhắc đến động vật trên đảo không thể không kể đến các chú chó. Ở đảo nào cũng nuôi dăm ba chục con. Chó đảo khôn lắm. Khi những chiếc xuồng CQ chở các đại biểu từ tàu sang đảo, nhiều chú chó chạy theo các chiến sỹ ra tận cầu tàu để đón đoàn. Còn nói về những chú heo thì thú vị vô cùng. Hàng ngày chúng được tự do kiếm ăn trên đảo, có hôm trời nóng quá, cả đàn heo bơi ra biển ngâm mát. Hễ cứ đến giờ ăn, khi bộ đội gõ hiệu lệnh riêng, chỗ bằng chậu, chỗ bằng xoong nồi... thì dù đang “chơi” ở bất cứ đâu chúng cũng chạy về đúng nhà mình để nhận phần ăn, mỗi lần chứng kiến cảnh tượng ấy thì không ai có thể nhịn được cười...
Công dân nhí trên đảo Trường Sa lớn |
Trong các đảo chúng tôi đến thăm chỉ có đảo Trường Sa lớn là có dân sinh sống. Đến với "thủ đô" của quần đảo Trường Sa trong một buổi trưa đầy nắng, một bầy trẻ nhỏ ùa ra đón chúng tôi như đón người thân đi xa trở về. Có trẻ em, đảo vui hẳn lên. Các em cứ quấn quýt chúng tôi, kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện trên đảo. Mười ba em bé ở đây mỗi em đều là một hướng dẫn viên khi có khách đến thăm đảo. Bé Tô Phương Linh (7 tuổi) dẫn tôi đi khắp đảo, em khoe khi được tôi tặng một tuýp kẹo: "Năm học vừa rồi con đạt học sinh giỏi đấy!" Khi được hỏi lớn lên con sẽ làm gì? Bé Nguyễn Phong Đạt, học sinh lớp 2, nhanh nhảu, lớn lên con sẽ làm lính Hải quân để canh giữ biển đảo như các chú bộ đội nơi con ở. Nhìn những đứa trẻ trong trang phục lính Hải quân tung tăng khắp đảo lòng tôi dâng trào nhiều cảm xúc khó tả. Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa/Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo/Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão... (Nguyễn Việt Chiến).
Nơi đảo xa với khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn nước ngọt nhưng sự sống cứ đâm chồi và trỗi dậy từng ngày...
NGUYỄN TIẾN DANH