Xây dựng vùng biên vững mạnh toàn diện

Đại tá DƯƠNG HOÀI NAM (Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Nam) 03/03/2014 08:43

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Nam luôn gắn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia (ANBGQG) với xây dựng khu vực biên giới, biển, đảo vững mạnh về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xác định: phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện là vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định đến việc bảo vệ vững chắc chủ quyền ANBGQG.

Đại tá Đinh Trọng Ngọc - Chính ủy BĐBP tỉnh tặng quà, trao nhà Nghĩa tình Trường Sơn cho cụm dân cư Pêtapoóc (Đắc Pring, Nam Giang).
Đại tá Đinh Trọng Ngọc - Chính ủy BĐBP tỉnh tặng quà, trao nhà Nghĩa tình Trường Sơn cho cụm dân cư Pêtapoóc (Đắc Pring, Nam Giang).

BĐBP Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ANBGQG trên khu vực biên giới có những nét đặc thù, vừa có biên giới đất liền, vừa có biển, đảo. Trong đó, tuyến biển, đảo có bờ biển dài hơn 125km, có đảo Cù Lao Chàm, thuộc địa bàn 2 thành phố, 4 huyện với 15 xã phường, 108 thôn. Tuyến biên giới Việt - Lào dài 142km, qua 2 huyện với 14 xã, 79 thôn, bản, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng... Ở tuyến biên giới miền núi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn hạn chế, đường giao thông, cơ sở y tế, giáo dục còn nhiều khó khăn; bị ràng buộc bởi các phong tục tập quán lạc hậu. Trong khi đó, trình độ tổ chức quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…

Xác định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ANBGQG phải gắn với xây dựng khu vực biên giới, biển, đảo vững mạnh về mọi mặt, khi triển khai các biện pháp công tác nghiệp vụ, BĐBP tỉnh luôn chú ý tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế khu vực phát triển. Đồng thời khi tham mưu cho chính quyền địa phương phát triển kinh tế không lơ là nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Chủ trương đó của Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nhận được sự đồng tình ủng hộ của đảng ủy, chính quyền địa phương các cấp và sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân. Nhờ vậy, tuyến biên giới thuộc địa bàn biên phòng tỉnh quản lý trong những năm qua luôn ổn định, là tỉnh hoàn thành việc phân giới cắm mốc sớm nhất.

Một vấn đề quan trọng quyết định đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới là phải xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ. Vì vậy trong những năm qua, BĐBP tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường 14 cán bộ biên phòng sang giữ các chức danh Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND 14 xã biên giới; 64 lượt cán bộ tham gia cấp ủy, chính quyền HĐND các cấp; cử 199 lượt đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản...

Để phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương vùng biên giới, biển đảo, BĐBP tỉnh đã sớm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Đến nay, các xã khu vực biên giới đã có đường giao thông đến trung tâm, các xã đều có trường học, cụm xã có trạm quân dân y, nhiều xã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, xóa bỏ hủ tục... Trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh các đơn vị đã triển khai nhiều mô hình nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, gần đây nhất là mô hình xây dựng điểm sáng văn hóa vùng biên cụm dân cư Pêtapoóc, xã Đắc Pring (Nam Giang), khởi công vào tháng 2.2013. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Đắc Pring và vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tham gia hỗ trợ xây dựng nơi đây thành điểm sáng văn hóa vùng biên. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring không quản nắng mưa san lấp mặt bằng với 550m3 đất đá, vận chuyển 37m3 cát sạn; xây dựng 5 căn nhà, 6 nhà vệ sinh tự hoại, sửa chữa làm nền 7 ngôi nhà; vận động lắp đặt hệ thống điện thắp sáng, nước sinh hoạt, 9 bộ thu truyền hình cho 9 hộ dân... với tổng trị giá 450 triệu đồng và 750 ngày công; cử cán bộ tổ chức các lớp dạy chữ, khám chữa bệnh cho bà con. UBND tỉnh cũng đã thống nhất về mặt chủ trương giao cho BĐBP tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và triển khai dự án Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh - quốc phòng cụm dân cư Pêtapoóc với số vốn đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng nơi đây thành điểm sáng văn hóa vùng biên. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh tham mưu cho chính quyền địa phương, trực tiếp hướng dẫn nhân dân thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế ở địa phương như: trồng lúa nước, bắp lai, đẳng sâm, sâm Ngọc Linh, điền trúc, trồng rau sạch, nuôi heo, bò, dê, cá tầm; các mô hình triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực góp phần cải thiện đời sống của nhân dân. Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được cán bộ chiến sĩ  các đồn biên phòng rất quan tâm: hướng dẫn nhân dân ăn, ở hợp vệ sinh, thường xuyên khám, cấp thuốc chữa bệnh cho nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia Câu lạc bộ Không sinh con thứ ba; Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc; lồng ghép nhiều nội dung hoạt động, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình…

Trong thời gian đến, trên tuyến biên giới còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định; kinh tế - xã hội khu vực biên giới so với mặt bằng chung vẫn còn khoảng cách khá lớn, đời sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn. Tình hình đó đặt ra cho nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền ANBGQG nặng nề hơn. Trong đó vấn đề cơ bản trước mắt, đồng thời có tính chiến lược lâu dài là phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho khu vực biên giới, đảm bảo mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường sức mạnh cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền ANBGQG.

Đại tá DƯƠNG HOÀI NAM
(Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Nam)

Đại tá DƯƠNG HOÀI NAM (Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Nam)