Tăng cường quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn Quảng Nam
(QNO) - Tình trạng quảng cáo, mua bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh giả, không rõ nguồn gốc trên các nền tảng mạng xã hội đang có diễn biến phức tạp… đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sản xuất và người tiêu dùng.
Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh.
Trong đó, Sở TT&TT có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình trạng lừa bán sâm giả sâm Ngọc Linh đang phổ biến trên mạng; những dấu hiệu nhận biết sâm thật - sâm giả; khuyến cáo người tiêu dùng mua sâm Ngọc Linh ở những địa chỉ đáng tin cậy và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Sở KH&CN xử lý hoặc đề nghị xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng tên miền “samngoclinh” để rao bán các sản phẩm sâm củ và các sản phẩm khác từ sâm gắn với thương hiệu sâm Ngọc Linh theo đúng quy định về sở hữu trí tuệ.
Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh được UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tổ chức các đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, mua bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh; kịp thời xử lý các hành vi gian lận thương mại, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh; ngăn chặn, xử lý trường hợp buôn bán hạt giống, cây giống không rõ nguồn gốc.
UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tăng cường công tác trinh sát hiện trường, sớm phát hiện các hành vi mua bán, trao đổi, kinh doanh sâm Ngọc Linh giả; lập các chuyên án điều tra đối với đường dây, tụ điểm sản xuất kinh doanh, vận chuyển các sản phẩm sâm giả.
UBND huyện Nam Trà My có nhiệm vụ tuyên truyền đến cán bộ cơ sở và người dân, các chốt sâm về tác hại của sâm giả. Từ đó vận động người dân không tham gia mua bán sâm giả, dẫn nhập các loài sâm từ những vùng khác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào trồng trong vùng sâm.