Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”

AN BÌNH 13/04/2023 10:24

(QNO) - Ngày 12/4, UBND tỉnh ban hành Công văn 2180 yêu cầu tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ trái pháp luật.

Công an khám xét Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) chi nhánh tại Quảng Nam.
Công an khám xét một công ty tài chính tại Quảng Nam vào tháng 11/2022. Ảnh: P.V

Công văn nêu rõ, thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” có dấu hiệu phức tạp trở lại. Tại nhiều địa phương tái diễn tình trạng quảng cáo, cho vay trên nền tảng công nghệ, phát tán, treo, dán tờ rơi, quảng cáo, mời chào cho vay (vay nóng, vay nhanh, vay không thế chấp…), nhất là tại khu công nghiệp, khu dân cư, chợ…

Một số ngân hàng, công ty tài chính trong quá trình thu hồi nợ đối với các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, nhất là các khoản cho vay tín chấp đã ký kết hợp đồng với các công ty, văn phòng luật dưới danh nghĩa tư vấn pháp lý, tư vấn xử lý nợ, ủy quyền thu hồi nợ… Các đơn vị này đã thuê, sử dụng nhân viên để gọi điện, nhắn tin đòi nợ.

Bên cạnh đó, một số công ty tài chính cho vay qua app, các đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” có bộ phận thu hồi nợ, sử dụng phần mềm, điện thoại gọi điện, nhắn tin nhắc nợ, đòi nợ… với nhiều cấp độ khác nhau như nhắn tin, gọi điện, đe dọa, chửi bới, khủng bố tinh thần gây sức ép hay giả mạo cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để đe dọa xử lý hình sự, bôi nhọ, vu khống người vay và người thân, đồng nghiệp với nhiều hình thức khác nhau...

Nhằm đẩy mạnh đấu tranh với các hoạt động nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn quản lý, nhất là những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của loại tội phạm này.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người dân trong việc chấp hành chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn. Nội dung, phương thức tuyên truyền phải được đổi mới, đa dạng, thuận lợi cho việc tiếp cận, nắm bắt, thực hiện của người dân.

UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, lên danh sách triệt xóa các băng nhóm, đường dây, đối tượng hình sự có biểu hiện hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Đấu tranh mạnh với các loại tội phạm phát sinh từ “tín dụng đen”(cho vay lãi nặng, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, giết người, cưỡng đoạt tài sản…) và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội thường có mối quan hệ với “tín dụng đen” như cờ bạc, ma túy...

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn gỡ bỏ, xử lý đối với các ứng dụng, website có dấu hiệu liên quan đến “tín dụng đen” và xử lý các hành vi vi phạm của doanh nghiệp, hành vi sai phạm của nhân viên ngân hàng trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty tài chính, cơ sở kinh doanh biến tướng “tín dụng đen” có dấu hiệu hoạt động đòi nợ trái pháp luật. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở nhiều lần vi phạm theo quy định của pháp luật.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký hộ kinh doanh có đăng ký ngành nghề dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính đúng quy định. Chỉ đạo lực lượng công an tấn công, trấn áp, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Các địa phương thông tin rộng rãi, kịp thời về các hoạt động vay vốn ưu đãi, các quỹ hỗ trợ của Nhà nước để nhân dân biết và tiếp cận nguồn vốn vay...

AN BÌNH