Đánh sập hầm vàng tại Vườn quốc gia Sông Thanh: Ngăn ngừa “vàng tặc” quay trở lại
Ngành liên quan và chính quyền 2 huyện Nam Giang, Phước Sơn đang tính toán cử lực lượng chốt chặn, bảo vệ nghiêm ngặt các bãi vàng trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh sau khi đã đánh sập hầm vàng.
Báo cáo tổng kết kế hoạch ngày 28.5.2021 của UBND tỉnh về đánh sập hầm khai thác vàng tại cuộc họp chiều 22.6, Thượng tá Nguyễn Văn Hòa - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan được giao tổ chức thực hiện nổ mìn đánh sập hầm vàng) cho biết, từ ngày 19 đến 22.6, lực lượng bộ đội công binh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã sử dụng 6,2 tấn thuốc nổ để phá hủy 75 hầm khai thác vàng trái phép trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh, tại các khu vực Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 2 và khe Tà Vạt (thuộc tiểu khu 377 và tiểu khu 378, xã Đắc Pring, Nam Giang).
Hiện tại lực lượng tham gia nổ mìn đã an toàn tuyệt đối, tất cả đã rời hiện trường, thực hiện vượt tiến độ kế hoạch đề ra. Thành công này là nhờ sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh, thống nhất trong chỉ huy và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành liên quan, các cấp chính quyền và chủ rừng.
Cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân địa phương đã xuyên rừng vượt núi cõng 6,2 tấn thuốc nổ, 1.000 kíp nổ điện, 2.400 quả nổ mồi… vào hiện trường giữa cái nắng gay gắt.
Trung tá Nguyễn Văn Hòa khẳng định, quá trình bố trí vật liệu nổ đánh sập các hầm vàng đều tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người.
Trước khi quyết định nổ mìn đánh sập 75 hầm vàng vào ngày 19.6, nhiều cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức, các đại biểu băn khoăn nên chọn hình thức nổ mìn đánh sập từng hầm một hay theo cụm phá hủy nhiều hầm cùng một lúc. Và cuối cùng chốt phương án nổ mìn theo từng cụm, rút ngắn thời gian từ 10 ngày nổ mìn xuống 4 ngày.
Các hầm vàng đã được đóng sập cửa ra vào, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu “vàng tặc” có quay trở lại hoạt động? Ông Đinh Văn Hồng – Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh đề xuất, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần phân công cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Đắc Pring (Nam Giang) giám sát chặt chẽ đối tượng lạ ra vào rừng, khu vực biên giới. Đơn vị chủ rừng sẽ phối hợp với các cấp chính quyền làm việc với từng bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, chủ tịch, bí thư xã để tiếp tục tuyên truyền kiểm soát, ngăn chặn người vào khu vực hầm vàng, kể cả đối tượng dân bản địa khai thác lâm sản phụ trong rừng.
Ông Tơ Ngôl Với – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, trước mắt thì chưa lo đối tượng khai thác vàng trái phép quay lại hoạt động, nhưng về lâu dài chính quyền tỉnh, ngành nông nghiệp cần thu hút đầu tư các chương trình, dự án bảo tồn, quản lý nghiêm ngặt vườn quốc gia; hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân để không tác động vào vùng quản lý nghiêm ngặt.
Lo lắng về độ an toàn sau khi nổ mìn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam - ông Trần Văn Thu cho biết, bây giờ địa chất hiện trường tại khe Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 2 và Tà Vạt rất yếu do tác động mạnh của dư chấn nổ mìn, nguy cơ sạt lở rất cao nếu gặp mưa to, cho nên phải cấm tuyệt đối người ra vào.
“Trước mắt chủ rừng cắt cử cán bộ khóa các cửa ngõ ra vào rừng, nếu vàng tặc tái diễn coi như mọi quyết tâm của chúng ta sẽ trôi sông đổ biển” – ông Thu nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, quyết tâm của chính quyền tỉnh hơn 1 năm nay là bằng mọi giá phải chấm dứt vĩnh viễn tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh. Cán bộ, đảng viên và nhân dân nói chung rất ủng hộ về “cuộc chiến” bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong lâm phận vườn quốc gia.
“Phải xác định bảo vệ vườn quốc gia là nhiệm vụ dài lâu, nên các địa phương, chủ rừng phải nghĩ cách làm hiệu quả, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ, Bộ NN&PTNT về các chương trình, dự án phát triển, bảo tồn Vườn quốc gia Sông Thanh. Vì vậy, lực lượng biên phòng, công an, chủ rừng, 2 địa phương ngay từ bây giờ phải xây dựng từng kế hoạch cụ thể tiếp tục chốt chặn, bảo vệ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý.