Cảnh giác với lừa đảo qua internet

TÙNG CHI 11/06/2020 13:08

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội và các ứng dụng chat messenger, zalo... Lực lượng công an cũng vừa phát hiện thủ đoạn mới nhằm chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ.

Các đối tượng lừa đảo dẫn dụ bị hại đăng nhập vào đường link website giả mạo. (Ảnh: Website Bộ Công an)
Các đối tượng lừa đảo dẫn dụ bị hại đăng nhập vào đường link website giả mạo. (Ảnh: Website Bộ Công an)

Chiêu cũ

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng lừa đảo qua internet là các đối tượng ở nước ngoài, giả lập số điện thoại ảo, giống với số điện thoại của các nhà mạng Mobifone, Viettel, Vinaphone, số máy cố định trong nước hoặc gọi từ các đầu số +0060 (Malaysia), +0062 (Indonesia), +0063 (Philippines), +00886 (Đài Loan), +00855 (Campuchia), +00852 (Hồng Kông)... để liên lạc, kết nối với “con mồi”.

Các đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, nhân viên bưu điện, nói rằng người bị hại đang có số tiền nhỏ tại ngân hàng hoặc nợ tiền cước viễn thông đang bị khiếu kiện. Khi người bị hại trả lời không liên quan đến vụ việc, đối tượng nhanh chóng đề nghị người bị hại đến Bộ Công an để giải quyết.

Trong trường hợp này, thông thường bị hại trình bày lý do không thể đến để làm việc, đối tượng cho biết sẽ kết nối để người bị hại làm việc với cơ quan công an. Tiếp đó đối tượng giả lập số điện thoại giống với số điện thoại đường dây nóng Bộ Công an gọi đến người bị hại, tự xưng là điều tra viên của Bộ Công an thông báo tài khoản của người bị hại có liên quan đường dây buôn ma túy và rửa tiền quốc tế; đồng thời đề nghị người bị hại kết bạn qua mạng xã hội, kê khai tài sản để chứng minh.

Sau khi người bị hại kê khai xong, đối tượng yêu cầu họ mở một tài khoản mới, đăng ký các dịch vụ ngân hàng trực tuyến (nếu người bị hại chưa có) hoặc nộp tất cả tài sản có được vào tài khoản người bị hại đã mở sẵn; đồng thời cung cấp số tài khoản, số thẻ, số điện thoại đăng ký internet banking để “cơ quan điều tra” kiểm tra.

Trong thời gian này, đối tượng yêu cầu người bị hại liên tục nghe máy và không được tiết lộ thông tin đến người thứ 3 nhằm giữ bí mật để phục vụ điều tra. Sau khi có được các thông tin của người bị hại, chúng thực hiện việc thay đổi mật khẩu tài khoản. Khi chiếm được quyền quản trị tài khoản, chúng liền đổi phương thức thanh toán sang Smart OTP, sau đó rút toàn bộ số tiền có trong tài khoản.

Thủ đoạn lừa đảo mới

Gần đây, xuất hiện thêm một thủ đoạn nữa của các đối tượng phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ. Theo thông tin từ Bộ Công an, thủ đoạn của chúng thường là đóng giả là người Việt Nam tại nước ngoài mua hàng online với số lượng hàng hóa lớn, giá trị cao từ những người kinh doanh trong nước. Đồng thời, gợi ý chuyển tiền trả trước cho người bán hàng online, thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union. Để tạo niềm tin, chúng giả lập rồi chụp ảnh hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiền của dịch vụ chuyển tiền quốc tế, sau đó gửi tin nhắn hình ảnh cho bị hại, khiến bị hại tưởng rằng bên mua hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền.

Thông qua điện thoại di động hoặc các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook, các đối tượng sẽ gửi một đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union; dẫn dắt bị hại tiến hành các bước đăng nhập vào đường link này để rút tiền mà bị hại tin rằng các đối tượng đã thanh toán. Khi nhấp vào đường link trong tin nhắn, người dùng sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo có giao diện giống như website chính thức của Western Union.

Để rút tiền, người dùng buộc phải khai báo các thông tin về tên, tuổi, địa chỉ, mã số thẻ ngân hàng... trên website (giả mạo). Sau khi có được thông tin tài khoản, các đối tượng sẽ thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của bị hại vào tài khoản của chúng.

Tuy nhiên, để hoàn tất việc rút tiền từ tài khoản của bị hại, bọn tội phạm sẽ phải có mã OTP để thực hiện hành vi đánh cắp tiền, do vậy chúng sẽ giả mạo tin nhắn của Western Union với nội dung: “Quý khách đang thực hiện giao dịch nạp tiền điện tử trên hệ thống Ibanking với số tiền nhận là xxx triệu đồng. Mã OTP sẽ được xác nhận để hoàn tất giao dịch”. Đồng thời trên trang web giả mạo cũng hiện lên dòng chữ “Thủ tục nhận tiền: Quý khách vui lòng xác thực mã OTP cá nhân để nhận tiền”.

Cùng lúc đó, do các đối tượng đang thực hiện thao tác rút tiền trong tài khoản của bị hại nên ngân hàng trong nước sẽ gửi mã OTP vào điện thoại của bị hại. Khi bị hại điền mã OTP này trên website giả mạo, giao dịch chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng phạm tội đã trót lọt.

Cần nâng cao cảnh giác

Đối với chiêu lừa cũ, để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đề nghị người dân nâng cao cảnh giác khi tham gia hoạt động trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội facebook và ứng dụng chat zalo... Cụ thể, người dân không nên nhập thông tin cá nhân vào các địa chỉ website không tin cậy. Khi có cuộc gọi, tin nhắn từ số điện thoại lạ về các vấn đề liên quan đến tài khoản ngân hàng, nợ cước viễn thông, cần liên hệ hoặc trực tiếp đến để xác minh nội dung, đồng thời không tùy tiện cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng, mã OTP của mình cho bất kỳ ai. Cần lưu ý, trong quá trình làm việc, cơ quan công an không đề nghị người dân kê khai tài sản, thông tin cá nhân qua điện thoại.

Đối với thủ đoạn lừa đảo mới, Bộ Công an cảnh báo người bán hàng online, đặc biệt là các cá nhân kinh doanh chưa từng giao dịch qua hệ thống chuyển tiền quốc tế, cần thận trọng xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác; hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Đối với các tài khoản công khai dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt. Khi phát hiện hành vi lừa đảo tương tự, người dân cần thông báo ngay đến cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn giải quyết, hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn).

TÙNG CHI