Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền trực tuyến
Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), thời gian qua trên địa bàn tỉnh nổi lên một số vụ việc nhiều người dân bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng, bằng cách lợi dụng lòng tin của người dùng dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union. Để phòng ngừa đối với loại tội phạm này, Phòng Cảnh sát hình sự thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng như sau:
Hình thức lừa đảo này chủ yếu tấn công vào những người dùng kinh doanh online trên mạng internet, tuy nhiên bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân.
Để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, thủ phạm thường đóng giả là người mua hàng. Sau đó, để tạo dựng lòng tin với người bán (nạn nhân), chúng sẽ gợi ý chuyển tiền trước và thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union. Sau khi có được số điện thoại và số tài khoản của nạn nhân, thủ phạm dùng thuê bao cá nhân gửi một tin nhắn giả mạo đến nạn nhân với nội dung giả mạo tin nhắn, giả mạo liên kết (đường link) truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union.
Khi nhấp vào đường link trong tin nhắn, người dùng sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo, đây là bước mấu chốt để thủ phạm lấy được tài khoản iBanking của nạn nhân.
Sau khi có được thông tin tài khoản, chúng sẽ thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân vào các loại ví điện tử, tài khoản ngân hàng, tài khoản game... mà thủ phạm đã chuẩn bị sẵn. Vì thế chúng sẽ cần tiếp mã OTP cho loại giao dịch 1 lần từ điện thoại của nạn nhân.
Chúng gửi tiếp tin nhắn thông báo mạo danh Western Union: “Quý khách đang thực hiện giao dịch nạp tiền điện tử trên hệ thống iBanking với số tiền nhận được là XX triệu đồng. Mã OTP sẽ được xác nhận để hoàn tất giao dịch”. Đồng thời trên trang web giả cũng hiện lên dòng chữ “Thủ tục nhận tiền: Quý khách vui lòng xác thực mã OTP cá nhân để nhận tiền”.
Cùng lúc đó, ngân hàng sẽ xác nhận bằng tin nhắn “Quý khách đang thực hiện giao dịch nạp tiền điện tử... có mã OTP là....”. Vì các tin nhắn đều đến cùng lúc và có nội dung trùng khớp với nhau nên người dùng rất dễ nhầm và sẵn sàng cung cấp mã OTP theo yêu cầu của kẻ lừa đảo.
Khi tiền đã được chuyển đi, thủ phạm thường ngay lập tức sử dụng số tiền trên vào các mục đích như mua hàng, thanh toán online... nhằm khiến các ngân hàng hay tổ chức tín dụng không thể truy hồi khi có yêu cầu từ nạn nhân.
Để đảm bảo an toàn thông tin cho bản thân, người dân cần lưu ý các điểm sau: Quan sát kỹ đầu số các tin nhắn được gửi đến khi có yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm (tài khoản ngân hàng, mật khẩu...); tuyệt đối không cung cấp mã OTP ở bất kỳ đâu ngoại trừ ứng dụng chính chủ và trang web chính thức của ngân hàng; không nhấp vào các liên kết (đường link) khả nghi; nếu lỡ cung cấp các thông tin nhạy cảm hoặc cảm thấy có nguy cơ bị hack tài khoản, cần ngay lập tức thay đổi mật khẩu hoặc các thông tin bảo mật.