Lén lút tận thu khoáng sản trái phép

TRẦN HỮU 08/04/2020 07:05

Lợi dụng lực lượng chức năng các địa phương tập trung vào việc phòng chống dịch Covid-19, nhiều đối tượng đã hút trộm cát và khoét núi tìm vàng.

Hiện trường lán trại khai thác vàng trái phép tại xã Trà Đông, Bắc Trà My.Ảnh: T.H
Hiện trường lán trại khai thác vàng trái phép tại xã Trà Đông, Bắc Trà My.Ảnh: T.H

Trộm cát cả ngày lẫn đêm

Giữa trưa đầu tháng 4.2020, đường ven biển 129 vắng vẻ phương tiện qua lại. Một tốp người gồm 3 thanh niên đang hì hục xúc cát đổ lên chiếc xe tải núp dưới lùm cây trong rừng phòng hộ Pasca thuộc địa phận xã Tam Thăng (Tam Kỳ). Trước đầu xe tải này in tên Hải Âu không có biển số. Khi thấy chúng tôi tiến lại gần, giơ máy lên để chụp ảnh, các đối tượng dừng xúc cát, nhanh chóng đi sâu vào khu rừng. Bỏ lại hiện trường chiếc xe tải và mặt bằng nham nhở do việc khai thác cát lậu.

Rút ruột cát sạn ven sông

Tại khu vực ven sông Cái (thuộc xã Trà Đông, Bắc Trà My), hiện nay hình thành nhiều mỏ cát sạn lộ thiên kéo dài, nhiều đoạn bị lấy lớp bề mặt sâu hơn 1m. Thời điểm này khi chính quyền tập trung chống dịch Covid-19, thì nhiều loại xe tải vào xúc cát trộm, để lại địa hình nham nhở. Theo ngành chức năng, tại xã Trà Đông không có một mỏ cát sạn nào được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, vì thế hành vi tận thu khoáng sản nơi đây được xem là trái phép.

Theo người dân địa phương, lợi dụng đường sá ít phương tiện và người qua lại, các ngành chức năng tăng cường nhân lực cho phòng chống dịch Covid-19, một số đối tượng tranh thủ “móc ruột” nổng cát dọc 2 bên đường ven biển. Sa tặc thường hoạt động vào giữa trưa, hoặc ban đêm; sử dụng các xe tải đã hết hạn sử dụng để chở cát đem bán cho công trình hay cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng.

“Việc trộm cát không diễn ra rầm rộ như trước đây, mà ngày đêm họ chỉ chở chừng 5 - 7 lượt, mỗi xe chỉ chứa khoảng hơn 1m3” - một người dân tiết lộ.

Gần đây, vùng giáp ranh các xã Tam Phú, Tam Thăng (Tam Kỳ) và các xã vùng đông của huyện Thăng Bình là “địa bàn nóng” của tình trạng khai thác cát trái phép. Nhiều bãi cát dọc đường ven biển đã bị cày nát. Tại các vị trí bị lấy cát, rừng phòng hộ cũng bị phá hoại.

Dưới lòng sông Thu Bồn, thuộc vùng giáp ranh giữa huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn, ban đêm “vòi bạch tuột” vẫn lén lút hút trộm cát. Năm 2019, lực lượng liên ngành của địa phương đã phát hiện, xử lý 20 trường hợp khai thác, vận chuyển cát lòng sông, xử phạt hành chính với tổng số tiền 485 triệu đồng.

Và cuối tháng 3.2020, lực lượng Công an tỉnh bắt quả tang 8 đối tượng sử dụng 9 ghe máy hút cát trộm ở sông Thu Bồn vào ban đêm gồm Nguyễn Công Thịnh (SN 1973), Ngô Ngọc Vinh (SN 1984), Văn Đức Vinh (SN 1960), cùng trú tại Đà Nẵng; hai đối tượng Trần Quốc Huy (SN 1974), Lê Viết Trịnh (1998) cùng trú tại thị xã Điện Bàn; Trần Văn Hiếu (SN 1996), Đoàn Ngọc Thanh (SN 1971) cùng trú huyện Duy Xuyên và Nguyễn Công Liêm (SN 1982, trú huyện Thăng Bình).

Sở TN-MT cho biết, hiện có 33 giấy phép khai thác cát, sỏi đang còn hiệu lực, trong đó chủ yếu tập trung ở sông Vu Gia - Thu Bồn với tổng diện tích được cấp quyền khai thác gần 230ha. Thời điểm này, có 4 vị trí mỏ cát vùng sông Vu Gia – Thu Bồn  tạm dừng khai thác do người dân phản đối, lo ngại sạt lở, bồi lấp.

“Vàng tặc” lại hoành hành

Khi ngành chức năng và chính quyền huyện Phú Ninh triển khai các phương án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, hoàn thổ dự án, giao diện tích mỏ vàng về địa phương quản lý thì nơi đây tiếp tục tái diễn tình trạng khai thác trái phép. Nhiều lán trại đặt máy móc tận thu vàng tập trung chủ yếu ở khu vực Núi Kẽm, Nhà Thùng. Các đối tượng làm vàng tứ xứ dạt đến, nhưng phần lớn là người dân địa phương, thậm chí có cả công nhân lao động cho mỏ vàng Bồng Miêu trước đây.

“Hơn 3 năm về trước, tôi làm công nhân cho mỏ vàng, khi nhà máy đóng cửa mỏ, nhiều thanh niên như tôi thất nghiệp. Vì thế gần như thanh niên lao động cho nhà máy trước đây đều trở lại các điểm khai thác bãi vàng này để bới quặng mang ra ngoài đãi kiếm thu nhập” - một phu vàng tiết lộ.

Trong các đợt cao điểm truy quét gần đây, lực lượng chức năng đã tổ chức 9 đợt kiểm tra, đốt phá 10 lán trại dựng trái phép, tiêu hủy 6 máy nổ, 12 cối đập và cối xay, nhiều hồ đựng hóa chất… Chính quyền huyện Phú Ninh thừa nhận, các biện pháp truy quét, đẩy đuổi liên tục nhưng vẫn chưa thể chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu.

Cuối tháng 3.2020, men theo bờ sông Cái, thuộc địa phận thôn Tịnh Yên, xã Trà Đông (Bắc Trà My), chúng tôi chứng kiến nhiều đối tượng khai thác cát bồi lấp ven sông tận thu vàng trái phép tại khu vực Hố Lở (xã Trà Đông). Tuy việc khai thác ở đây không diễn ra rầm rộ, nhưng bãi vàng tồn tại suốt thời gian dài, bất chấp sự truy quét của lực lượng chức năng. Người dân địa phương lo lắng chất độc hại từ hoạt động khai thác vàng đổ trực tiếp ra sông Cái. Một lán trại tạm bợ dựng lên giữa rừng, với một nhóm 4 người vừa lấy quặng trong hầm vừa dùng hệ thống máy móc chẻ đá, sàn tuyển quặng vàng.

Giới phu vàng tại Trà Đông chủ yếu là người dân địa phương, họ chủ yếu đi thăm dò vàng; nếu gặp chỗ có hàm lượng vàng trong đá lớn thì sẵn sàng thương lượng mua lại rẫy của người dân để việc khai thác được dễ dàng. Điều đáng nói là bãi vàng ở khu vực Hố Lở, từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020, chính quyền xã Trà Đông và lực lượng chức năng huyện Bắc Trà My đã đến kiểm tra, truy quét nhưng hiện nay các đối tượng vẫn còn hoạt động.

TRẦN HỮU