Thay đổi thói quen bia rượu

BẢO ANH 09/01/2020 14:48

Nghị định 100-NĐ/CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành với những mức phạt được xem là “khá chát” về vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, bước đầu áp dụng đã tạo ra những tác động tích cực. Nhiều người còn cho rằng đây chính là cơ hội để người Việt thay đổi thói quen lạm dụng bia rượu.

Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP.Tam Kỳ ra quân kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: PHAN VINH
Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP.Tam Kỳ ra quân kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: PHAN VINH

Đầu năm mới 2020, một nhà báo kỳ cựu ở miền Trung đăng lên facebook của mình một câu chuyện nhỏ nhưng rất thời sự và hết sức thú vị. Chuyện rằng, trưa hôm ấy, anh đi dự tiệc cưới con của một người bạn. Không giống với nhiều tiệc cưới khác, ở tiệc cưới này thức uống bày trên bàn chủ yếu là nước lọc và các loại nước ngọt; bia chỉ có vài lon. Đặc biệt hơn, một vị khách đi dự tiệc cưới này đã mang theo và để lên một số bàn tiệc một mẩu giấy nhỏ ghi lời nhắc: “Từ ngày 1.1.2020, không lái xe khi đã uống rượu bia”, kèm theo đó là phần liệt kê các mức phạt dành cho người đã uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông tương ứng với các loại phương tiện gồm xe đạp, xe gắn máy và ô tô.

Những ngày gần đây, nhiều trang facebook và blog cá nhân cũng “khoe” hình ảnh những bàn tiệc, những bữa tiệc không có bia rượu. Một số người thì chia sẻ thông tin về những trường hợp được xem là “đầu tiên” bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100-NĐ/CP do điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia... Hầu hết dòng trạng thái này đã nhận được rất nhiều lượt like và chia sẻ của cộng đồng mạng, kèm theo đó là những bình phẩm hết sức sôi nổi. Trong đó, bên cạnh những ý kiến đồng tình (với việc “đã uống rượu bia thì không lái xe”, với các mức phạt theo Nghị định 100-NĐ/CP và với việc “không nên đãi rượu bia trong các buổi tiệc”) là không ít những ý kiến phản đối hoặc tỏ ra băn khoăn, lo lắng, tiếc rẻ... Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 100-NĐ/CP ra đời và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020 chính là cơ hội để người Việt thay đổi thói quen sử dụng bia rượu và từ bỏ thói quen xấu “lấy rượu bia làm đầu câu chuyện”.

Trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2020 (ngày 2.1), người viết bài này có tham dự 2 hội nghị lớn và cả 2 hội nghị này đều kết thúc với phần “liên hoan thân mật”. Không nằm ngoài dự đoán của quan khách, cả 2 bữa tiệc này đều không có bia rượu như thường thấy. Có một chút... “hụt hẫng”, nhưng rồi chẳng có ai phàn nàn. Trái lại, nhiều người cho biết là họ đã có một bữa tiệc ấm áp, ngon miệng... khi mà không phải uống nhiều hơn ăn cũng như không còn cảm giác nơm nớp lo lắng có ai đó thúc vào lưng mình mời nâng cốc “trăm phần trăm”. Trong hai ngày nghỉ cuối tuần vừa rồi, người viết bài này lại đi dự một bữa tiệc lớn khác, và lại thấy thứ được bày lên mâm chủ yếu là nước lọc. Những người đồng ý uống bia đều có lý do rất chính đáng: “yên tâm, tôi đến đây bằng taxi”. Trong khi đó, trong những ngày đầu Nghị định 100-NĐ/CP có hiệu lực, các quán nhậu cũng vắng khách hơn. Thậm chí, chủ một quán nhậu lớn trên đường Bạch Đằng (Tam Kỳ) cho biết trong ngày đầu tiên thực hiện quy định “không lái xe khi đã uống rượu bia”, lượng khách đến quán giảm gần một nửa so với ngày thường.

Như vậy, có thể nói việc Nghị định 100-NĐ/CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành với những mức phạt được xem là “khá chát” đã có những tác động nhất định trên thực tế. Các “tửu tử” đã biết cân nhắc hơn khi quyết định uống hay không uống khi biết rằng, để về nhà họ phải tự mình lái xe. Cũng có nhiều trường hợp chỉ “tạm nghỉ” để thăm dò, nghe ngóng tình hình rồi tìm cách “lách luật”, “né đòn” (để lái xe sau khi đã uống rượu, bia...). Dù vậy, vẫn có thể nhận thấy ít nhiều yếu tố tích cực trong những cách hành xử ấy, bởi ít ra đây chính là gạch nối đầu tiên để dần dần tạo nên nhận thức đúng đắn trong việc chấp hành luật giao thông nói chung và quy định “không lái xe sau khi đã uống rượu bia” nói riêng.

Trước đây, dư luận đã từng hoài nghi về tính khả thi của quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe máy và quy định cấm đốt pháo. Nhưng với cách làm kiên quyết và mềm dẻo, quyết liệt và linh hoạt, gắn xử phạt với giáo dục, tuyên truyền... của các cơ quan thực thi pháp luật, cuối cùng cả hai quy định tưởng chừng có tính khả thi thấp và rất khó thực hiện ấy đã đi vào cuộc sống và được đại đa số người dân chấp hành. Ý thức chấp hành và tinh thần thượng tôn pháp luật cần phải được tạo xây từng bước, để ngấm dần vào mỗi người cho đến khi trở thành một thói quen, một ứng xử tất yếu. Để quy định “không lái xe sau khi đã uống rượu bia” được đại bộ phận người dân chấp hành, có lẽ cũng phải thực hiện theo cách thức và “lộ trình” ấy. Và, những bữa tiệc không có rượu bia, những cuộc hội ngộ bạn bè, người thân không có rượu bia - nhất là khi ngày tết đã gần kề, những bữa cơm gia đình không có rượu bia... có thể sẽ trở nên “nhạt” hơn nhưng chắc chắn sẽ là những khởi đầu cho bình yên và ấm áp...

BẢO ANH