Giữ an toàn đường thủy
Vượt qua khó khăn về lực lượng, điều kiện công tác, cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) đã nỗ lực tuyên truyền, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tội phạm, lập lại trật tự an toàn trên các tuyến đường thủy.
Về với ngư dân
Năm 2019, Phòng Cảnh sát đường thủy tiếp tục mở rộng phạm vi, tần suất tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể, chủ động xây dựng, đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền ở từng vùng. Phong trào “văn hóa giao thông với bình yên sông nước được đơn vị phối hợp với Đoàn thanh niên Công an tỉnh và chính quyền các xã ven biển Núi Thành tổ chức đã giáo dục, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho đông đảo học sinh.
Điểm mới trong công tác tuyên truyền của đơn vị là các hoạt động được đưa đến những địa bàn miền núi, nơi có nhiều hộ dân sử dụng phương tiện ghe thuyền đi lại trong lòng hồ thủy điện. Với những ngư dân ở miền ngược này, cán bộ chiến sĩ không chỉ cung cấp nội dung quan trọng về các quy định để đảm bảo an toàn đường thủy nội địa, mà còn tập trung tư vấn kiến thức pháp luật, công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện cho các hộ dân lẫn chính quyền địa phương để tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn cho chính người dân trên địa bàn. Nhiều hành vi vi phạm như sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn để vận chuyển gỗ rừng trồng (gỗ keo), chở khách đi trong lòng hồ khi chưa có luồng tuyến, chưa được cấp phép, phương tiện không đảm bảo việc chở khách… cũng được quán triệt để người dân chấp hành.
Thượng tá Mai Xuân Sang - Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, cho hay rất nhiều phần việc đã được đơn vị phối hợp thực hiện trong năm công tác 2019. Cùng với Ban An toàn giao thông tỉnh và chính quyền các địa phương, hoạt động tuyên truyền được tổ chức ở khắp các địa bàn có tuyến đường thủy, nhất là ở Hội An và Núi Thành.
“Chúng tôi đã mời tất cả những người điều khiển phương tiện đường thủy lên nói chuyện, tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy nội địa, các hành vi bị cấm, hoạt động như thế nào để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, phòng đã phối hợp với Chi Cục thủy sản tỉnh kiểm tra toàn bộ các phương tiện tàu cá, hướng dẫn bà con khắc phục nguy cơ mất an toàn, tập huấn kỹ năng phòng chống rủi ro, động viên bà con yên tâm bám biển. Đồng thời, một đợt tổng kiểm tra được tổ chức ở các huyện Duy Xuyên, Hội An, Núi Thành kéo dài 2 tuần đã cơ bản phát hiện, xử lý ngay những thiếu sót, thể hiện sự quan tâm của chính quyền, cơ quan chức năng, đồng hành với ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền” - Thượng tá Mai Xuân Sang thông tin.
Đấu tranh phòng chống tội phạm
Liên tiếp từ giữa tháng 11 đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phát hiện, triệt phá 6 vụ vận chuyển lâm sản trái phép trên các tuyến sông. Ngày 29.11, trên tuyến sông Trường thuộc địa bàn thôn 4 (xã Quế Bình, Hiệp Đức), tổ tuần tra kiểm soát Phòng Cảnh sát đường thủy phát hiện một nhóm đối tượng sử dụng bè xi (xăm ô tô kết bè) đang vận chuyển gỗ. Tổ công tác tiếp cận bắt giữ thì các đối tượng đâm thủng xăm làm cho gỗ chìm xuống nước rồi lợi dụng đêm tối, trời mưa gió đã trốn chạy. Tiến hành trục vớt, tổ công tác đưa vào bờ 11 phách gỗ với tổng khối lượng hơn 2m3 gồm các loại gội, chò nâu - là gỗ rừng tự nhiên, không có dấu búa kiểm lâm, chưa xác định được chủ sở hữu.
Tiếp đến, vào ngày 30.11, cũng tại khu vực thôn 4 của xã Quế Bình, đơn vị phát hiện, trục vớt 9 phách gỗ với tổng khối lượng hơn 1,7m3, thủ đoạn tương tự vụ việc trên. Gần đây nhất, vào ngày 11.12, Phòng Cảnh sát đường thủy tổ chức tuần tra, kiểm soát trên tuyến sông Vu Gia thuộc địa bàn xã Đại Sơn (Đại Lộc), phát hiện nhóm đối tượng đang vận chuyển gỗ từ thượng nguồn xuống hạ lưu. Tổ công tác tiếp cận bắt giữ thì các đối tượng đã cắt dây làm cho gỗ chìm xuống nước rồi lợi dụng đêm tối trốn chạy. Tiến hành trục vớt đã đưa vào bờ 21 lóng gỗ với tổng khối lượng hơn 2,3m3 gồm các chủng loại sáu tía, gáo vàng... là gỗ rừng tự nhiên, không có dấu búa kiểm lâm, chưa xác định được chủ sở hữu.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện, đấu tranh làm rõ 4 vụ việc vi phạm pháp luật, trong đó có 12 vụ vận chuyển lâm sản, 11 vụ khai thác cát trái phép, tổng số tiền xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.
“Cái khó trong việc đấu tranh với tội phạm trên tuyến đường thủy là các đối tượng thông thạo địa hình, lợi dụng điều kiện thời tiết phức tạp, không hợp tác với cơ quan chức năng. Tất cả các vụ phát hiện vận chuyển lâm sản đều không bắt được đối tượng, vì khi mật phục, anh em không thể sử dụng phương tiện chuyên dụng để tránh sự phát hiện, theo dõi. Khi ra hiệu lệnh kiểm tra, các đối tượng luôn chặt dây thả gỗ rồi bơi vào bờ hoặc nổ ghe máy bỏ chạy. Người dân địa phương cũng ít khi hỗ trợ vì lo sợ các đối tượng này “gây chuyện”. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tính toán việc đấu tranh, mở chuyên án và nỗ lực bắt giữ đối tượng để giải quyết cái gốc vấn đề” - Thượng tá Mai Xuân Sang nhấn mạnh.