Loạn ghe thuyền trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2
Lợi dụng sự lỏng lẻo của các ngành chức năng trong việc quản lý phương tiện trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, nhiều đối tượng đã dùng các loại ghe máy vào tàn phá rừng phòng hộ Sông Tranh. Trong khi các ngành chức năng huyện Bắc Trà My vẫn đang loay hay tìm phương án, lập kế hoạch siết chặt quản lý hoạt động của ghe thuyền trên lòng hồ thủy điện thì rừng đang bị tàn phá.
Ghe thuyền hoạt động trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: T. THẮNG |
Trong chuyến ngược dòng thủy điện Sông Tranh 2 vào khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh bị tàn phá (thuộc tiểu khu 752, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) ngày 19.3.2019, chúng tôi ghi nhận hàng chục ghe thuyền gắn máy loại nhỏ hoạt động chạy ngang dọc trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Các khu vực bờ sông tiếp giáp với đường mòn, nhiều chiếc ghe máy đang neo đậu để vào khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh. Tại một điểm tiếp giáp giữa mặt lòng hồ thủy điện và đường mòn do lâm tặc tạo ra đi vào khoảnh 6 và 7 (tiểu khu 725), có 2 chiếc ghe máy neo đậu, người đã đi vào rừng. Theo một số người dân, ghe thuyền chính là phương tiện để lâm tặc di chuyển vào rừng và vận chuyển gỗ lậu từ bìa rừng phòng hộ ra đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Khoảng 13 giờ 20 phút ngày 19.3, chúng tôi gặp một chiếc ghe máy, trên ghe có 6 người cùng nhiều đồ đạc nghi là chuẩn bị đi chở gỗ.
Ông L.T.B. (trú thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) cho biết, một số đối tượng dùng ghe chở gỗ lậu diễn ra từ nhiều năm nay. Những chiếc ghe neo đậu ở đầu đường mòn là phương tiện dùng để chở gỗ trái phép. “Những chiếc ghe này họ dùng lên núi để làm gỗ chứ không làm gì khác. Những người thả lưới thì thả xong là họ về, ghe ở lại chỉ có làm gỗ” - ông B. nói. Trong khi đó ông Lê Văn Trường - Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My kiêm Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh cũng thừa nhận rằng, hiện nay giao thông đường thủy khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 hoạt động tự do, khó kiểm soát các đối tượng khai thác gỗ, gây khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Ngoài ra trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 có nhiều hộ nuôi cá lồng bè và nhu cầu sử dụng thuyền để đi lại. “Đề nghị UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát các phương tiện ghe thuyền hoạt động trên lòng hồ theo Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 2.2.2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng tại các lưu vực hồ thủy điện…” - ông Trường nói. Theo tìm hiểu, hiện nay trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 có 14 hộ nuôi cá lồng bè và gần 20 ghe thuyền phục vụ việc đi lại của các hộ dân nuôi cá.
Ngày 2.2.2015, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tại các lưu vực hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nêu rõ, nghiêm cấm việc sử dụng ghe thuyền, các phương tiện vận tải đường thủy khác hoạt động trong các lòng hồ thủy điện khi chưa có đăng ký, đăng kiểm và được cơ quan có thẩm quyền cho phép. UBND các huyện, thành phố kiểm tra trường hợp chưa có đăng ký, đăng kiểm, yêu cầu dừng hoạt động, nếu vi phạm thì tịch thu... Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay phần lớn ghe thuyền trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 chưa đăng ký đăng kiểm, chưa cam kết không vận chuyển, khai thác gỗ trái phép.
Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, để tăng cường công tác quản lý ghe, thuyền hoạt động trên lòng hồ thủy điện, thời gian tới UBND huyện giao Công an huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện và các cơ quan, đơn vị của địa phương tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các chủ ghe thuyền hoạt động trên địa bàn huyện cam kết không tham gia vận chuyển gỗ trái phép. Đồng thời giao Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan có trách nhiệm kiểm tra việc cấp giấy phép hoạt động đối với các ghe thuyền hoạt động trên địa bàn huyện; lập biên bản tạm đình chỉ các loại ghe thuyền hoạt động không được cấp giấy phép hoạt động.
THANH THẮNG