Kiểm tra vụ phá rừng pơ mu khu vực biên giới Nam Giang: Không loại trừ có tổ chức

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 21/07/2016 08:24

Hôm qua 20.7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh có buổi làm việc và tiếp cận hiện trường vụ phá rừng pơ mu ở khu vực biên giới Nam Giang - Đắc Chưng (Sê Kông, Lào), đã bày tỏ sự bức xúc khi chứng kiến rừng cây pơ mu bị tàn phá và nhận định không loại trừ khả năng có tổ chức tiếp tay cho lâm tặc.

“Sai đến đâu, xử đến đó!”

Trước khi vào rừng tiếp cận hiện trường, đoàn công tác liên ngành của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dẫn đầu có buổi làm việc nhanh với cơ quan điều tra Công an huyện Nam Giang để nắm bắt tình hình. Sau khi nghe báo cáo vụ việc từ cơ quan điều tra Công an huyện Nam Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, đây là vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng xảy ra trên khu vực biên giới từ trước đến nay. Đồng thời nêu rõ quan điểm của tỉnh là sẽ kiên quyết xử lý đến cùng, “sai đến đâu xử đến đó” và “không loại trừ có tổ chức”. Ông Lê Trí Thanh khẳng định vụ việc mang tính chất có tổ chức, vi phạm pháp luật một cách rõ ràng, công khai và mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục theo dõi, đề cập những diễn biến của vụ việc, cùng các cơ quan có liên quan sớm đưa các đối tượng vi phạm ra trước ánh sáng pháp luật. “Để xảy ra tình trạng này, thể hiện sự lỏng lẻo trong quản lý và những bất cập trong công tác phối hợp của các cơ quan liên quan tại khu vực biên giới. Do vậy, phải làm rõ trách nhiệm, xử lý đến cùng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra hiện trường.Ảnh: CÔNG NGƯỚC
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra hiện trường.Ảnh: CÔNG NGƯỚC

Theo chân đoàn kiểm tra của tỉnh đến hiện trường, phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận hình ảnh nhiều cánh rừng pơ mu bị chặt phá với nhiều phách gỗ xẻ nằm ngổn ngang, bên những gốc cây bị chặt nằm san sát nhau. Hiện trường có rất nhiều cây pơ mu bị lâm tặc khoét sâu phần thân để “thăm dò” gỗ trước khi khai thác khiến nhiều cây đang bắt đầu chết khô. Quan sát của phóng viên theo dọc đường đến hiện trường cho thấy, lợi dụng đường tuần tra cột mốc biên giới, các đối tượng đã phát tuyến, sửa đường nhằm dễ vận chuyển gỗ. Trong số các cây pơ mu bị đốn hạ, có số ít nằm ở địa phận của nước bạn Lào. Do vậy, để công tác phối hợp được chặt chẽ, trong buổi sáng 20.7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã điện đàm trực tiếp với người đồng cấp của tỉnh Sê Kông, đề nghị phía bạn Lào cần có phương án phối hợp để sớm làm rõ vụ việc nghiêm trọng này. Sắp tới, lãnh đạo hai tỉnh sẽ có buổi làm việc để họp bàn, làm rõ vụ việc và chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đường biên.

Làm rõ trách nhiệm

“Tại sao lâm tặc lại tự tin đến vậy? Tại sao phải đến khi người dân báo mới phát hiện vụ việc?”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh liên tục đặt câu hỏi như vậy tại cuộc làm việc, đồng thời nhận định vụ việc xảy ra ngay tại khu vực vành đai biên giới chứng tỏ các đối tượng “hết sức liều lĩnh”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, cũng như các đơn vị phải nhận trách nhiệm một cách trung thực, không quanh co và phải quyết liệt đến nơi, đến chốn. Nếu để cho vụ án kéo dài sẽ xem xét tình tiết tăng nặng để xử lý nghiêm. “Trong quá trình phá án có thể xem xét các tình tiết mới để điều tra mở rộng, không dừng lại ở vụ án này, đồng thời khẩn trương thành lập ban chuyên án để có thể tìm ra những vụ việc khác, xử lý trong thời gian sắp tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

“Trong việc kiểm tra lâm sản, lúc nào xã cũng bị đồn biên phòng gây khó khăn do đây là vùng cấm. Muốn vào phải làm đầy đủ các văn bản nên xã rất bất bình vì trong thời gian vừa qua công tác phối hợp bị hạn chế. Biên phòng không giúp được nhiều cho địa phương, mà khó khăn nhiều hơn thuận lợi”.
(Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang)

Đại tá Nguyễn Viết Lợi - Giám đốc Công an tỉnh cho biết, tinh thần của lực lượng Công an tỉnh là vào cuộc quyết liệt để làm rõ các đối tượng vi phạm. Nhận định đây là vụ việc phức tạp vì đã khởi tố vụ án hình sự, Đại tá Lợi nhấn mạnh cần phải đảm bảo công tác điều tra, thu thập đầy đủ chứng cứ để có thể xử lý một cách nghiêm minh. Để công tác điều tra sớm có kết quả, Đại tá Lợi mong muốn các cơ quan tiếp tục phối hợp, hỗ trợ cơ quan điều tra, nhất là trong công tác giám định. Theo Đại tá Nguyễn Đăng Chung - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, vụ việc xảy ra trên khu vực biên giới, cơ quan biên phòng nhận trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền khi để xảy ra vụ việc và đã tổ chức kiểm tra, làm rõ trách nhiệm. “Vụ việc xảy ra như vậy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã cử lực lượng tham gia phối hợp điều tra làm rõ. Liên quan trách nhiệm của cá nhân như thế nào, chúng tôi sẽ chỉ đạo làm nghiêm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiểm tra về việc ký kết quy chế phối hợp với cơ quan kiểm lâm địa bàn” - Đại tá Nguyễn Đăng Chung nói.

Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, việc vụ rất phức tạp và vượt thẩm quyền của địa phương do ngày càng có nhiều khu vực tập kết gỗ được phát hiện. Do đó trong quá trình chỉ đạo, UBND huyện đã giao cho các ngành chức năng phối hợp với các đơn vị của tỉnh làm rõ vụ việc. Bày tỏ sự bất cập trong công tác phối hợp giữa địa phương với lực lượng bộ đội biên phòng. Ông Mai đề nghị các đồn biên phòng cần phối hợp chặt chẽ với huyện, không gây khó khăn cho địa phương trong việc kiểm tra truy quét lâm khoáng sản vùng biên giới. Đồng thời, đề nghị sớm làm rõ, đưa vụ việc ra trước công luận và không bỏ lọt tội phạm. “Vụ việc này nếu xử lý thành công có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn huyện và tỉnh nói chung” - ông Mai cho biết thêm.

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC