Con dại cái mang...

VĂN HÀO 17/07/2016 16:07

(QNO) - Tòa vãn, người ôm mặt khóc, người thì đờ đẫn lặng nhìn con mình đưa lên xe. Con cái vào tù, gánh nợ để lại càng làm bạc thêm những mái đầu...

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 10 bị cáo (đều trú tại huyện Duy Xuyên) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” diễn ra vào ngày 14.7 vừa qua tại TAND tỉnh, chủ tọa phiên tòa liên tục đặt câu hỏi về trách nhiệm của bậc cha mẹ đối với con cái. Nhiều người vừa nghe xong câu hỏi thì nước mắt chực trào, không cất thành lời. Có lẽ, họ vẫn chưa thoát cú sốc khi cứ nghĩ con mình là sinh viên ngoan hiền, hàng tháng được chu cấp tiền ăn học đàng hoàng chứ ai ngờ lại rơi vào vòng lao lý.

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 14.7. Ảnh: V.H
Phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 14.7. Ảnh: V.H

Đứng trước vành móng ngựa, 10 bị cáo - khi thực hiện hành vi phạm tội, tuổi đời mới chỉ từ 15 - 18 tuổi. Nhìn gương mặt còn non nớt, run rẩy, trả lời ấp úng, ít ai nghĩ các bị cáo này từng rất sành sỏi, tinh vi trong đường dây lừa đảo trúng thưởng qua mạng, chiếm đoạt tài sản.

Tháng 7.2014, tại Đà Nẵng, bị cáo V. (SN 1995) và bị cáo P. (SN 1996, đều là sinh viên) nhặt được một CMND của thanh niên trú xã Bình Tú, huyện Thăng Bình. Chưa đầy 1 tháng sau đó, hai đối tượng dùng CMND nhặt được về Duy Xuyên mở 2 tài khoản ATM (mỗi người giữ 1 thẻ) để lừa đảo người khác chuyển tiền vào các tài khoản này; ngoài ra còn cho mượn tài khoản để các đối tượng còn lại tham gia lừa đảo. Hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng cách đăng rao tin bán "tài sản ảo" như các loại xe không có giấy tờ, xe nhập lậu, giá rẻ, bán chó cảnh… để những người muốn mua phải đặt cọc tiền trước qua tài khoản. Ngoài ra còn nhắn tin cho những người chơi game Liên minh huyền thoại và các trang facebook, zalo lừa trúng thưởng xe máy và tiền mặt. Cơ quan chức năng đã xác định được 47 người bị hại trên khắp đất nước. Tổng số tiền 10 bị cáo đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, nhiều bậc cha mẹ thừa nhận đã buông lỏng quản lý, giám sát con mình. Nhiều bị cáo chưa đủ tuổi vị thành niên, xao nhãng việc học hành, bỏ học dẫn đến hư hỏng. Thậm chí có trường hợp, từ việc chiếm đoạt tài sản, một bị cáo còn đem về đưa gia đình 30 triệu đồng và nói số tiền này của một người bạn nhờ giữ giùm nhưng gia đình vẫn không mảy may nghi ngờ cho đến khi mọi chuyện vỡ lẽ. Phía người bị hại cũng cũng bày tỏ một phần sai trái khi nhẹ dạ, cả tin vào các tin nhắn trúng thưởng, mua bán qua mạng.

Bị cáo chiếm đoạt tài sản nhiều nhất gần 750 triệu đồng (có 5 bị cáo chiếm đoạt số tiền trên 100 triệu đồng), thấp nhất là 28,3 triệu đồng. Số tiền này phần lớn các bị cáo đã tiêu xài hết. Tại tòa, Hội đồng xét xử hỏi các gia đình đã trả lại được số tiền bao nhiêu so với thiệt hại do con cái gây ra, nhiều người đầu đã hai thứ tóc đứng dậy giọng run run: “Đã vay mượn trả được một ít, thời gian tới sẽ cố gắng trả, trả hết…”

Vẻ mặt căng thẳng hiện rõ trên từng nét mặt của các bậc cha mẹ trong giờ nghị án. Chúng tôi gặp cha của bị cáo H. (H. SN 1997) và hỏi về số tiền mà gia đình phải trả lại cho người bị hại, người cha bảo gần 30 triệu đồng. “Trong 10 gia đình của các bị cáo, phần lớn làm nông, nhà tôi cũng vậy. “Con dại cái mang”, gia đình phải lo chạy vạy để trả lại đủ số tiền con tôi chiếm đoạt của người khác” - cha bị cáo H. rầu rĩ nói.

Kết thúc ngày xét xử, tòa tuyên phạt mức án cao nhất là 6 năm tù, nhiều bị cáo hưởng án treo. Ngoài ra về trách nhiệm dân sự, các bị cáo tiếp tục trả lại số tiền trên 100 triệu đồng. Tòa vãn, người ôm mặt khóc, người thì đờ đẫn lặng nhìn con mình đưa lên xe. Con cái vào tù, gánh nợ để lại càng làm bạc thêm những mái đầu...

VĂN HÀO

VĂN HÀO