Vơ vét tài nguyên
Bất chấp hiểm nguy, các đối tượng vẫn vào các “điểm nóng” khai thác vàng trong mùa mưa.
Hiện trường một điểm khai thác vàng trái phép tại núi Kẽm, sát với khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. |
Dòng sông Thanh, đoạn qua thôn Vinh (xã Tà Pơ, Nam Giang) ngầu đục. Đất cát, đất bồi bờ sông bị xới tung lên cao như đồi núi lô nhô, kề bên là các hố bị đào sâu hoắm. Nhiều nơi còn dấu vết xe cơ giới mới đi qua nhưng hiện trường không thấy máy móc, dụng cụ đào đãi vàng. Người dân địa phương cho biết, khi nắm thông tin, các ngành chức năng kiểm tra, truy quét, đối tượng nhanh tay tẩu tán dụng cụ, phương tiện tận thu vàng. Theo Sở Tài nguyên - môi trường, 5 năm trở lại đây, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và lòng sông Thanh đã bị cày nát khủng khiếp bởi vàng tặc, dù tháng nào lực lượng chức năng các cấp cũng tổ chức truy quét. Cuối năm là thời điểm khai thác vàng rầm rộ nhất. Để vận chuyển khối lượng lớn vật tư thiết bị phục vụ đào đãi vàng, giới thổ phỉ đã sử dụng các loại xe cơ giới san ủi đồi núi, mở mới hàng chục ki lô mét đường, nối từ trục đường tuần tra biên giới Việt - Lào xuống các khe suối nằm sâu trong rừng. Vô số vị trí nằm trong khu rừng đặc dụng là cái ruột trống rỗng. Hiện lực lượng bảo vệ lâm sản, khoáng sản liên ngành đang lên kế hoạch và tăng cường lực lượng truy quét trong khu bảo tồn từ nay cho đến Tết Nguyên đán.
Theo Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên - môi trường), tình trạng khai thác vàng trái phép gần đây dù có giảm nhưng nhiều nơi vẫn còn xảy ra. Theo Luật Khoáng sản hiện hành, UBND tỉnh không có thẩm quyền cấp mới, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản (không phải là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, vàng sa khoáng). Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp được cấp phép đã hết thời hạn nên hoạt động trái phép. Ngay trong diện tích mà Nhà nước đã cấp phép cho mỏ vàng Bồng Miêu, giờ đã bị vàng tặc xâm lấn, biến thành lãnh địa hoạt động bất hợp pháp. |
Tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ tại núi Kẽm, Thác Trắng (xã Tam Lãnh, Phú Ninh) gần đây rình rập hiểm nguy. Trong 2 ngày cuối tháng 11, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Phú Ninh triển khai truy quét trên phạm vi địa bàn xã và ghi nhận mức độ tàn phá tài nguyên không hề giảm so với trước đây. Dưới các hầm lò, công nhân hì hục đưa quặng lên, trên mặt đất tiếng động cơ rầm rập, náo động cả núi rừng. Các đập chứa nước thải được đào tạm bợ, nước xả thẳng ra suối. Hệ thống ống dây dẫn nước, cối xây đá, máy phát điện… nằm ngổn ngang. Khu vực đào hầm của “vàng tặc” rất gần với bãi Hố Gần, do Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu quản lý, khai thác. Chính quyền xã Tam Lãnh cho biết, cánh rừng nguyên sinh trong khu vực núi Kẽm, Thác Trắng - Hầm Hô đã bị tàn phá nặng. Các đường hầm chạy dọc ngang trong lòng núi tăm tối, nguy cơ sạt lở rất cao vào mùa mưa. Con suối từ thượng nguồn đổ về đây bị bồi lấp. Hồ nước Thác Trắng giờ là “túi đựng” quặng thải. Vẻ đẹp của di tích danh thắng đang bị biến dạng từng ngày.
Theo Công an huyện Phú Ninh, 2 ngày cuối tháng 11 tập trung truy quét cao điểm tại khu vực Đồi Sim, Hố Gần, bãi Thải, suối Tre, hầm Lò, núi Kẽm, ngách Chụm, nhà máy đỏ, bãi Thầu Đâu, Thác Trắng, vựa Bộng (xã Tam Lãnh), đơn vị đã đẩy đuổi, xử lý hơn 500 đối tượng khai thác vàng trái phép; phá hủy 49 lán trại, 43 máy nổ, 36 cối xay, 19 cối đập, 30 thùng hóa chất cùng nhiều phương tiện, dụng cụ để phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép. Trong khi đó, UBND tỉnh vừa ra quyết định xử phạt hành chính 175 triệu đồng đối với ông Lê Xuân Châu (33 tuổi, trú xã Bình Sa, huyện Thăng Bình) về hành vi thăm dò khoáng sản vàng trái phép ở khu vực suối La Êê (thôn Pà Ooi, xã La Êê, huyện Nam Giang).
TRẦN NGUYỄN