Những người trả nợ công lý

PHƯƠNG NAM 21/07/2014 10:18

Còn một đối tượng truy nã là các anh còn một món nợ công lý. Để rồi, dù mưa dầm hay nắng cháy, các anh lại đi khắp hang cùng ngõ hẻm để truy bắt những kẻ phạm tội về quy án, giữ kỷ cương pháp luật và xoa dịu nỗi đau cho gia đình bị hại.

Khó khăn, gian khổ và nguy hiểm

“Đấy, danh sách đối tượng truy nã mà chúng tôi còn nợ đấy. Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã bắt được 57 đối tượng, hiện nay còn 70 đối tượng đang thu thập, xác minh thông tin”. Thượng tá Lê Hữu Hoa, Trưởng phòng PC52 bắt đầu câu chuyện “trả nợ” của anh và đồng đội như thế.

Thượng tá Lê Hữu Hoa - Trưởng phòng PC52 (ngoài cùng bên trái) thay mặt tập thể nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Ảnh: Phương Nam
Thượng tá Lê Hữu Hoa - Trưởng phòng PC52 (ngoài cùng bên trái) thay mặt tập thể nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Ảnh: Phương Nam

Để truy bắt 57 đối tượng trên, các trinh sát Phòng Truy nã trật tự xã hội (PC52) Công an tỉnh đã trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ. Hầu hết đối tượng sau khi bỏ trốn đều thay tên đổi họ, tạo cho mình một vỏ bọc hoặc liên tục thay đổi địa điểm ẩn náu. Dù một thông tin rất nhỏ, có khi cũng rất mơ hồ nhưng với quyết tâm bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, các anh đã không ngại vất vả để truy tìm. Có khi vừa bưng bát cơm, nghe có thông tin đối tượng truy nã đang ở đâu đó, thế là phải bỏ bát cơm mà chạy. Có cả tháng trời không ăn cơm nhà để vào vai người xe ôm, gã đào vàng, kẻ bán hàng rong. Rồi có những lúc vượt xa cả nghìn cây số đến được nơi thì đối tượng cũng vừa rời khỏi địa bàn... Nếu ai không yêu nghề, không bền bỉ, kiên trì thì sẽ rất dễ dàng bỏ cuộc. “Có những lúc chúng tôi lăn lộn cả tháng trời nhưng đối tượng vẫn “mù khơi tăm cá”. Cũng có khi, chỉ một ngày chúng tôi lại tóm gọn kẻ trốn chạy biết bao năm. Rồi có rất nhiều tình huống khó khăn, bất ngờ đặt ra mà cán bộ truy nã phải quyết định trong tích tắc. Nếu quyết định sai, đối tượng bỏ trốn lần thứ hai thì sẽ càng khó truy bắt hơn” - Thượng tá Lê Hữu Hoa chia sẻ.

Có thể nói, nghề tầm nã tội phạm là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Đối diện với án tù, đặc biệt khi đối diện với án chung thân, tử hình, các đối tượng truy nã rất liều lĩnh, sẵn sàng sống mái với lực lượng công an. Cuối tháng 4.2014, Ban Giám đốc Công an tỉnh và Thượng tá Lê Hữu Hoa như ngồi trên đống lửa khi theo dõi, chỉ đạo các trinh sát truy bắt Đặng Văn Nhị (1988, Điện Nam Đông, Điện Bàn), một đối tượng côn đồ, hung hãn có nhiều tiền án tiền sự đã bỏ trốn sau khi chém một đồng chí công an đang thực thi nhiệm vụ. Khi các trinh sát vào đến huyện Sa Thầy (Kon Tum), nơi Nhị đang ẩn náu cũng là lúc hắn và một băng nhóm khác đang thanh toán lẫn nhau. Các trinh sát tiếp cận được hiện trường thì Nhị đã được đàn em chuyển vào bệnh viện do bị đối phương dùng súng bắn vào đầu. Các trinh sát phải “lần mò” đến bệnh viện. Tuy nhiên, là một tên cáo già, Nhị không vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum mà vào Bệnh viện Quân y 211 ở Gia Lai và khai mình tên Nguyễn Thanh Phong để đánh lừa cơ quan công an. Thế nhưng, mưu kế của Trần Văn Nhị đã thất bại. Dù hắn mang một khuôn mặt đã bị vết thương làm biến dạng và một cái tên không có trong lệnh truy nã nhưng hắn không thể ngờ rằng, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, trực tiếp là Đại tá Phan Ngọc Ngự - Phó Giám đốc Công an tỉnh và Thượng tá Lê Hữu Hoa, các trinh sát đã nhập vai bác sĩ đến để “thăm khám” và… đọc lệnh bắt khẩn cấp.

“Mưa dầm thấm lâu”

Sau khi gây ra tội lỗi, sợ phải đối mặt với tù tội, các đối tượng bỏ trốn để tìm tự do cho mình. Nhưng thật ra, đó chỉ là những tháng ngày đau khổ nhất, bởi họ phải sống trong lo âu, thắc thỏm, lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi ai đó phát hiện ra mình. Họ lại không vượt qua được tâm lý và ràng buộc gia đình, công việc để đối diện với sự thật. Chính vì thế, cán bộ truy nã luôn phân tích để đối tượng và gia đình thông suốt về hậu quả của việc trốn truy nã, chính sách khoan hồng của Ðảng, xây dựng được cho họ niềm tin để họ trở về đầu thú.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Phòng PC52 đã vận động được 15 đối tượng ra đầu thú. Có nhiều trường hợp, hôm nay đối tượng đồng ý ra đầu thú nhưng ngày mai lại thay đổi ý định và tiếp tục di chuyển đến nơi khác để trốn truy nã. “Mưa dầm thấm lâu” là phương châm của các anh, vận động một lần không được thì hai lần, hai lần không được thì ba lần… Ngoài thư kêu gọi đầu thú, lãnh đạo Phòng PC52 còn chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể và gia đình, người thân của các đối tượng truy nã để vận động, kêu gọi đầu thú. Ông T.T. (xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn) cho biết: “Được sự vận động, giải thích của cán bộ truy nã, tôi đã hiểu ra nhiều điều và đã thuyết phục con mình ra đầu thú vào tháng 1.2014. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thầm cám ơn các anh công an. Con tôi đi đầu thú cũng có nghĩa là tôi còn được nhìn thấy con, được có ngày đón con trở về. Còn nó trốn truy nã thì xem như tôi mất luôn đứa con”.

Không thể nào kể hết được những khó khăn, gian khổ mà các trinh sát truy nã đã vượt qua trên con đường “trả nợ công lý” của mình. Ghi nhận những thành tích mà các anh đạt được, trong phong trào thi đua 6 tháng đầu năm 2014, UBND tỉnh, Tổng cục Cảnh sát và Giám đốc Công an tỉnh đã tặng 1 bằng khen và 2 giấy khen cho tập thể, tặng 5 giấy khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác truy nã tội phạm.

PHƯƠNG NAM

PHƯƠNG NAM