Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo qua facebook
Bằng cách đánh cắp mật mã và xâm nhập vào tài khoản cá nhân trên facebook, một số đối tượng giở thủ đoạn lừa đảo thông qua hình thức “chát” với bạn bè, người thân chủ tài khoản để mượn tiền…
FACEBOOK là mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Theo thống kê, ở Việt Nam hiện có khoảng 8,5 triệu người sử dụng facebook. Sau những giờ lao động, học tập căng thẳng, mọi người lên facebook để chia sẻ, tâm sự hoặc tìm kiếm bạn bè… Đó là những lợi ích facebook mang lại. Tuy nhiên các bạn trẻ nên cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo đã xảy ra đối với nhiều người.
Ngày 14.8.2012, bằng cách đánh cắp mật mã đăng nhập facebook của chị Nguyễn Thị Yến Nhi (công tác tại UBND xã Đại Hiệp, Đại Lộc), kẻ xấu đã chát với bạn bè của chị Nhi và ngỏ lời mượn tiền. Đầu tiên là Bảo Quốc Huỳnh, một người bạn của chị Nhi đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Sau khi mượn tiền Bảo Quốc Huỳnh không được, đối tượng này tiếp tục rà soát các bạn bè của chị Nhi để lừa đảo trục lợi. Lấy cớ là cần gấp một số tiền để trả cho một người bạn, đối tượng này đã nhờ các bạn của chị Nhi chuyển tiền qua ATM. Hầu như không ai nghi ngờ. Cho đến khi chị Nguyễn Thị Nhiên điện thoại cho chị Nhi hỏi lại số tài khoản thì mới biết chị Nhi không đăng nhập facebook để mượn tiền bạn bè.
Kẻ xấu đã vào facebook của em Nguyễn Huyền Thanh Thảo để lừa đảo. Ảnh: P.N |
Tương tự thủ đoạn như trên, gần đây nhất là ngày 26.1.2013, một đối tượng đã xâm nhập facebook của em Nguyễn Huyền Thanh Thảo (học sinh trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc) và mượn tiền người thân của em Thảo là anh Nguyễn Sơn Tùng, sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Nhưng đúng thời gian này anh Tùng được nghỉ học về quê, cách nhà em Thảo 10 cây số. Tưởng rằng em họ mình mượn tiền thật, anh Tùng đã hẹn gặp để đưa tiền. Đợi mãi không thấy Thảo đến, anh Tùng điện thoại mới hay cô em họ không hề lên facebook cũng như mượn tiền anh để “đóng học phí”…
Để cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, khi bạn bè, người thân có nhu cầu mượn tiền, người được mượn nên gọi điện trực tiếp để xác định lại đó là “người thật việc thật”. Và để kẻ xấu không xâm nhập được facebook của mình, nên đặt password có độ bảo mật mạnh, thường xuyên thay đổi password hoặc tránh click vào những đường link lạ lẫm, kích thích sự tò mò, dẫn dụ đến việc cung cấp mật mã cá nhân một cách vô thức cho kẻ xấu. Ngoài ra, trong khoảng thời gian gần đây nổi lên rất nhiều các nhóm (group) với câu thông báo đầy hấp dẫn về một đoạn code cho biết ai ghé thăm facebook của bạn hàng ngày. Thế nhưng nếu thực hiện theo đúng hướng dẫn thì thực tế bạn đang biến bạn bè trên facebook của bạn thành thành viên bất đắc dĩ của nhóm này. Đây là một hình thức lừa đảo câu thành viên cho các nhóm khá mới bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng mạng Việt Nam.
PHƯƠNG NAM