Chủ quan trong khâu phòng dịch
Tuần rồi, lên huyện Hiệp Đức tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp, Tư Ruộng tranh thủ ghé thăm gia đình anh Hai Phú Bình ở xã Quế Thọ.
Nghe hỏi về chuyện chăn nuôi, anh Hai nói: “Thấy dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nên hơn 1 năm nay vợ chồng tui bỏ trống chuồng trại chứ không đầu tư tái đàn heo. Hồi giữa tháng 4 dương lịch, tui bỏ ra 20 triệu đồng mua 2 con bò choai về thả nuôi thịt mong kiếm thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, do lo thu hoạch lúa đông xuân và tiến hành làm đất gieo sạ vụ hè thu 2020 nên hơn 2 tháng qua tui chưa chích ngừa vắc xin phòng dịch lở mồm long móng cũng như các loại bệnh nguy hiểm khác cho cặp bò này”.
Theo số liệu thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp Hiệp Đức, hiện nay trên địa bàn huyện có tổng cộng 2.174 con trâu, 9.337 con bò, 8.992 con heo. Ông Phan Nghị - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Hiệp Đức cho biết, mặc dù thời gian qua các đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, vận động người dân tập trung tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi nhưng thực tế cho thấy kết quả mang lại không cao.
“Trong tổng số đàn trâu, bò nêu trên thì trong đợt 1 của năm 2020 toàn huyện chỉ có khoảng 60% được chích ngừa vắc xin lở mồm long móng. Còn đối với đàn heo, gần như người chăn nuôi không tiêm phòng loại vắc xin này” – ông Nghị nói.
Cần nhắc lại rằng, hồi đầu năm nay, bệnh lở mồm long móng tái bùng phát tại nhiều nơi của huyện Hiệp Đức khiến không dưới 50 con trâu, bò bị nhiễm dịch và cơ quan chuyên môn phải mất khá nhiều thời gian, công sức mới khống chế, dập tắt được dịch.
Thông tin từ Sở NN&PTNT, thời điểm này cả tỉnh có 61.200 con trâu, 172.000 con bò, 250.000 con heo và gần 8 triệu con gia cầm các loại. Trao đổi với Tư tôi, ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho hay, mặc dù nguồn vắc xin lở mồm long móng do tỉnh hỗ trợ toàn bộ nhưng trong đợt 1 của năm 2020 tại 18 huyện, thị xã, thành phố chỉ có 54% tổng đàn trâu, bò được tiêm phòng; còn đàn heo thì thả nổi hoàn toàn. Trong khi đó, do tỉnh không có cơ chế hỗ trợ vắc xin nên thời gian qua gần như đàn gia cầm không được chích ngừa vắc xin phòng dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6.
“Với tình trạng người chăn nuôi chủ quan trong công tác phòng dịch, nhất là khâu tiêm phòng vắc xin thì thời gian tới sẽ có nguy cơ cao tái bùng phát bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc và dịch cúm trên đàn gia cầm” – ông Nam lo ngại.