Vùng cát “giải cứu” cây mè
Ba giờ chiều, vùng cát xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) vẫn nắng rát. Đang chạy lòng vòng tìm quán nước mía, Tư tôi thấy anh Chín Thuận An cầm vòi nước xịt lên ruộng mè đang ra hoa – kết trái rộ. Lân la hỏi chuyện, anh Chín cho biết, gia đình có 3 sào đất màu, vụ xuân hè nào cũng gieo giống mè đen.
Mấy năm trước, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, bình quân mỗi vụ 1 sào mè cho năng suất khoảng 50kg khô, sau khi trừ chi phí, gia đình có thể thu được hơn 1,5 triệu đồng/sào/vụ. Gần cuối tháng 4 dương lịch năm nay, vợ chồng anh Chín Thuận An triển khai làm đất và tiến hành gieo trồng 3 sào mè đen vụ xuân hè 2020. Thời điểm này, khi cây mè đồng loạt ra hoa – kết trái thì nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày khiến cả 3 sào mè đều bị héo úa.
“Giai đoạn mè ra hoa – kết trái rộ là thời kỳ quyết định sự thành bại của vụ mùa. Nếu không có phương án chống hạn kịp thời, chắc chắn năng suất mè sẽ bị tụt giảm mạnh, thậm chí là mất trắng hoàn toàn. Cũng may, nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống điện thủy lợi hóa đất màu ra các xứ đồng nên gia đình tui liền bỏ ra hơn 900 nghìn đồng thuê người đóng giếng ngay trên ruộng rồi lắp đặt máy bơm, đường ống dẫn để bơm nước giải cứu cây mè” – anh Chín nói.
Trao đổi với Tư tôi, ông Lê Hải – Phó Ban nông nghiệp xã Duy Nghĩa cho biết, vụ xuân hè 2020 nông dân địa phương gieo trồng không dưới 35ha mè các loại, trong đó tập trung chủ yếu ở quê anh Chín Thuận An và 2 thôn khác là Sơn Viên, Lệ Sơn. Hiện nay, phần lớn diện tích mè vừa nêu đang trong thời kỳ ra hoa – kết trái rộ. Tuy nhiên, những ngày qua nắng nóng xuất hiện trên diện rộng khiến nhiều ruộng mè bị khô hạn nặng và không ít diện tích đứng trước nguy cơ chết héo. Mừng là thời gian qua xã Duy Nghĩa được UBND huyện Duy Xuyên hỗ trợ một khoản kinh phí khá lớn để đầu tư kéo 10km đường dây điện ra hàng loạt cánh đồng nhằm thủy lợi hóa 170ha đất màu chuyên trồng mè, đậu phụng, khoai lang... Từ đó, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã tự bỏ tiền thuê người đóng giếng và lắp đặt đường ống dẫn, máy bơm để hút nước tưới cho cây trồng.
“Nếu tính bình quân 1ha cho năng suất 1 tấn mè khô, bán theo giá thị trường tại thời điểm này là 35 nghìn đồng/kg thì tổng thu nhập đạt 35 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, với 35ha đất sản xuất mè trên toàn xã, ước tính vụ xuân hè năm nay nông dân Duy Nghĩa sẽ thu về hơn 1,2 tỷ đồng. Nếu không có hệ thống điện thủy lợi hóa đất màu, rất nhiều khả năng số diện tích mè đó sẽ bị chết khô vì nắng hạn khốc liệt và dĩ nhiên là nhà nông sẽ trắng tay” – ông Hải nói.