Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

TƯ RUỘNG 26/05/2020 12:37

Chủ nhật vừa rồi, khảo sát tình hình triển khai sản xuất vụ hè thu 2020 trên các xứ đồng thuộc vùng đông Quế Sơn, Tư tôi thấy anh Sáu Dưỡng Xuân ở xã Quế Xuân 1 hì hục đánh tơi xốp đất. 

Đậu phụng là loại cây được nhiều địa phương lựa chọn trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Ảnh: T.R
Đậu phụng là loại cây được nhiều địa phương lựa chọn trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Ảnh: T.R

Anh hồ hởi nói: “Gia đình tui có 2 sào ruộng lúa nằm ven vườn nhà. Mặc dù nước tưới không bị thiếu hụt nhưng hàng chục năm qua việc gieo sạ lúa không mang lại giá trị kinh tế cao. Đầu vụ đông xuân 2017 - 2018, được ngành chuyên môn của huyện cùng chính quyền địa phương tập huấn hướng dẫn gói kỹ thuật tiên tiến và hỗ trợ 50% chi phí mua hạt giống, phân bón nên tui chuyển 2 sào đất lúa sang trồng đậu phụng. Nhờ nguồn thu nhập tăng lên đáng kể nên 3 năm nay tui chuyên canh đậu phụng trên số diện tích đất lúa này. Riêng đông xuân 2019 – 2020 vừa qua, bình quân 1 sào đậu phụng tui thu được 150kg khô, bán với giá 24 nghìn đồng/kg thì đạt giá trị 3,6 triệu đồng/sào. Trong khi đó, nếu sản xuất lúa, cao tay lắm chỉ kiếm được 1,8 triệu đồng/sào/vụ. Hè thu năm nay, tui tiếp tục thâm canh đậu phụng”.

Trao đổi với Tư Ruộng, ông Nguyễn Sửu – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, 3 năm qua, người dân trên địa bàn huyện thực hiện khá nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng và hiệu quả mang lại hết sức khả quan. Riêng đông xuân 2019 - 2020, nông dân các địa phương của huyện chuyển gần 93ha đất lúa chủ động nước tưới sang sản xuất đậu phụng thâm canh, ớt, đậu phụng xen sắn, mè, bắp lai. Trong đó, có xấp xỉ 49ha thực hiện theo Kế hoạch số 62 của UBND huyện Quế Sơn (ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí mua giống và phân bón), còn lại 44ha do người dân tự đầu tư.

“Vụ đông xuân vừa qua, bình quân 1ha đất lúa chuyển sang trồng các loại hoa màu nêu trên cho nhà nông thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng, tăng gấp 2 – 3 lần so với gieo sạ lúa. Hè thu 2020 này, ngoài việc giữ nguyên số diện tích đất lúa chủ động nước tưới đã chuyển đổi trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền thị trấn Đông Phú và các xã Quế Châu, Quế Thuận, Quế Hiệp, Quế Xuân 2... cũng đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển 109ha đất lúa nước trời hoặc bấp bênh nước tưới sang sản xuất những loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt” – ông Sửu nói.

Mới đây, tại cuộc làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và các ngành liên quan của tỉnh, nhiều đại biểu cho rằng biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp, nhất là tình trạng nắng hạn và xâm nhập mặn diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, việc chuyển đổi đất lúa sang canh tác các loại hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày nhằm giảm thiểu thiệt hại, nâng cao thu nhập cho nông dân là yêu cầu cấp thiết. Theo kế hoạch, thời gian tới bình quân mỗi năm toàn tỉnh sẽ chuyển 2.100ha đất lúa đảm bảo nước tưới và không chủ động nước tưới sang sản xuất những loại cây trồng khác. Trong đó, 1.900ha chuyển sang canh tác cây hằng năm như bắp, đậu phụng, mè, dưa hấu, đậu xanh, đậu đen, trồng cỏ nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò và 200ha trồng cây lâu năm gồm ổi, cam, bưởi, cây dược liệu, keo lai... 

TƯ RUỘNG